Gói 7.000 tỷ đồng giúp đường sắt tăng năng lực

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR)
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR)
TP - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua gói tài chính 7.000 tỷ đồng cho đường sắt cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM trong giai đoạn 2017-2020. Đây là một phần trong tổng số nhu cầu lên tới 110.000 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo đường sắt hiện hữu, của chiến lược phát triển đường sắt được Thủ tướng và Bộ GTVT phê duyệt, cho giai đoạn tới năm 2030.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, số vốn 7.000 tỷ đồng sẽ được đường sắt đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, do xuống cấp, hiện tải trọng tuyến đường sắt Bắc – Nam có sự khác nhau theo đoạn, đoạn Hà Nội – Đà Nẵng tải trọng là 4,2 tấn/m, nhưng đoạn Đà Nẵng – TPHCM chỉ 3,6 tấn/m. Điều này dẫn tới các đoàn tàu Bắc – Nam chưa khai thác hết năng lực, vì phải sử dụng tải trọng của đoạn thấp nhất cho toàn tuyến, dân tới lãng phí. Do đó, với số tiền vừa được cấp, đường sắt sẽ cải tạo 111 cầu yếu, 11 hầm yếu để nâng tải trọng toàn tuyến Bắc – Nam lên 4,3 tấn/m. Đồng thời, một phần vốn được dùng đầu tư cải tạo một số đoạn cong bán kính nhỏ, các đoạn kết cấu nền đường 40-50 năm chưa cải tạo; xử lý một số vị trí giao cắt đường bộ và đường sắt, lối đi tự mở, làm đường gom dân sinh đảm bảo an toàn chạy tàu.

Cùng đó, sẽ kéo dài đường đường ga tại một số ga nhỏ lên trên 400m, đảm bảo đoàn tàu 24-25 toa có thể vào tránh, vì hiện năng lực đầu máy có thể kéo đoàn tàu dài, nhưng do một số ga tránh ngắn, nên chỉ kéo được các đoàn tàu tối đa 19 toa. “Những khoản đầu tư trên sẽ giúp năng lực thông qua hàng hoá của đường sắt tăng 1,5 - 1,6 lần so với hiện nay, những toa tăng thêm sẽ là dư địa để đường sắt phát triển”, ông Minh nói. Theo đó, do nguồn lực có hạn, nên đường sắt cố gắng cân đối trong hạn mức gói tín dụng để đạt được mục tiêu cao nhất.
Ông Minh đánh giá, thời gian thi công nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam lâu vì vừa thi công vừa đảm bảo khai thác, do đó, thời gian đường trống để thi công rất ít. Để giải quyết, ngành đường sắt sẽ tối ưu hoá biểu đồ chạy tàu, bối trí nhân lực, tận dụng thời gian trống để thi công ít ảnh hưởng nhất tới khai thác, vừa đảm bảo an toàn chạy tàu.
Về nhu cầu thị trường vận tải hàng hoá sau khi đường sắt nâng cấp, ông Minh khẳng định, nhu cầu vận tải hàng hoá lớn là có, như có khách hàng yêu cầu tải trọng lên tới 6 tấn, nhưng năng lực đường sắt chỉ được 3,6-4,2 tấn. 
Về an toàn đường sắt, đặc biệt sau hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng thời gian qua, theo Chủ tịch VNR, với số vốn trong gói 7.000 tỷ đồng, một phần dành cho cải tạo đường ngang dân sinh. Điều này giúp tăng an toàn cho cả đường sắt và đường bộ. Cùng đó là cải tạo cầu yếu, nền đường yếu, đường cong bán kính hẹp, ray hàn liền… sẽ giúp cải thiện tốc độ, đảm bảo an toàn thiết bị, vận tải, an toàn kết cầu đường, tàu cũng chạy êm thuận hơn. Điều này sẽ tăng tính an toàn cho đường sắt, vì nguy cơ mất an toàn tới cả từ hạ tầng và phương tiện, khi hạ tầng kém sẽ làm phương tiện cũng kém đi.

Hiện Bộ GTVT và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đang tích cực hoàn thiện thủ tục đầu tư gói 7.000 tỷ đồng, sau khi được giao vốn sẽ tiến hành khảo sát, thiết kế, đầu thầu… Dự kiến nửa đầu năm 2019 sẽ khởi công, và hoàn thành vào giữa năm 2021.

MỚI - NÓNG