Gửi tiền ở đâu lợi nhất?

Gửi tiền ở đâu lợi nhất?
Tin đồn thất thiệt về tính rủi ro của một vài ngân hàng thời gian vừa qua, nhiều người không khỏi băn khoăn: Gửi tiền ở đâu để đồng tiền vẫn sinh lời mà khả năng bảo toàn vốn lại cao?

Lãi suất (LS) huy động bao giờ cũng là yếu tố hấp dẫn.

Trước việc các ngân hàng TMCP liên tục tung “chiêu” tăng lãi suất, khiến một lượng tiền rất lớn đang chảy vào gửi tại các NH này, đầu tháng 8/2005, lần đầu tiên sau quãng thời gian dài im lặng, 3/4 các NH lớn thuộc khối quốc doanh là: NH Nông nghiệp (Agribank), NH Ngoại thương (Vietcombank); NH Đầu tư và phát triển (BIVD) chi nhánh T.P HCM đã tăng LS tiền gửi VND và USD.

Theo đó, Agribank tăng từ 0,15%- 0,2%/năm cho cả tiền gửi VND và USD ở hầu hết các kỳ hạn. Táo bạo hơn, Vietcombank TPHCM còn “đẩy” lãi suất lên cao hơn cả một số NHTM cổ phần khác, với mức tăng mạnh từ 0,25%- 0,4%/năm.

Còn BIVD chi nhánh TPHCM lại tỏ ra thận trọng khi chỉ tập trung tăng lãi suất  các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với mức  0,01- 0,02%/tháng.

Theo báo cáo của NHNN, ở các địa bàn lớn như Hà Nội, TPHCM, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các NHQD từ đầu năm đến nay không đạt mục tiêu đề ra. Thậm chí chỉ bằng khoảng một nửa so với mức bình quân của khối NHTMCP.

Từ đầu năm đến nay, các NHTMCP đã 3 lần điều chỉnh mức lãi suất huy động. Đứng trong “top”  NH có lãi suất cao hiện nay có: VPbank với lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn 1 tháng mức 5,88%/năm; cao nhất là kỳ hạn 36 tháng với mức 09,36%/năm; Techcombank hấp dẫn với kỳ hạn 06 tháng - 8,04%/năm; kỳ hạn 12 tháng - 8,88%/năm...

Trong số các NHTMQD, đáng chú ý có Vietcombank chi nhánh T.P HCM với lãi suất tiền gửi USD kỳ hạn 06 tháng - 3,65%/năm;  09 tháng -  3,8 %/năm. Agribank với lãi suất tiền gửi USD kỳ hạn 12 tháng 3, 6%/năm.

Hầu hết mức lãi suất cao đều tập trung vào những kỳ hạn gửi dài (trên 12 tháng). Trong khi đó,  NHNN tiếp tục công bố lãi suất cơ bản tháng 8/2005 VND không thay đổi là 7,80%/năm. 

Điểm lại, duy nhất chỉ còn mỗi NH Công Thương (Incombank) là NHTMQD duy nhất chỉ tăng lãi suất cho vay chứ không tăng lãi suất tiền gửi. Động thái này của các NHTM quốc doanh sẽ tác động thế nào đến thị trường tiền gửi?

Nhận định của một chuyên gia kinh tế chia sẻ với phóng viên Tiền phong: “Việc tăng lãi suất này chắc chắn sẽ tạo nên một “làn sóng tâm lý” so sánh của người dân: gửi tiền vào NHTMQD hay NHTM cổ phần?”.

Trước nguy cơ “yếu thế” bởi tầm vóc nhỏ, mạng lưới thưa khiến các NHTMCP có khả năng mất đi những “khách hàng màu mỡ” (vốn có số tiền gửi rất cao).

Vừa qua, một số NHCP khác với con mắt “nhìn xa, trông rộng” đã nhanh chóng “trấn an thượng đế” bằng những chiêu hấp dẫn.

Đơn cử: Techcombank ngoài tăng lãi suất tại các địa bàn lớn, đông dân cư còn thông báo điều chỉnh vốn điều lệ lên gần 500 tỷ đồng; VPbank thì không chỉ liên tục tăng lãi suất mà còn kịp tung ra khuyến mãi hấp dẫn “Vui sinh nhật cùng VPbank” với giải thưởng cao nhất lên tới 200 triệu đồng cho khách hàng may mắn trong dịp 12/8 này.

Người gửi sẽ chọn ai?

Chị H người ở phố cổ Hà Nội trong đợt giá vàng đang sốt cao cuối năm 2004 chỉ trong vòng 3 ngày nhờ mua đi bán lại hơn một trăm cây vàng mà lập tức lời ra ngót năm chục triệu đồng (lãi gấp hàng chục lần so với gửi tiết kiệm).

Sau đợt “đùa với lửa” ấy (rút tiền tiết kiệm ra mua vàng), chị H khôn ngoan lui về, lại chọn phương án an toàn là đem số tiền 1 tỷ đồng ấy đi gửi tiết kiệm - “lãi suất cao hơn, đó là lý do khiến tôi đang chọn gửi tiền ở NH cổ phần thay vì NH Nhà nước. Tuy nhiên, đứng trước thông tin các NH quốc doanh tăng lãi suất, tôi lại do dự. Thật là khó lựa chọn khi mà gửi tiền vào các NHTMCP bạn có thể được hưởng lợi nhỉnh hơn, trong khi đó ở các NHNN bạn lại yên tâm hơn về tính rủi ro của đồng tiền” - Chị H nói.

Theo phân tích của các chuyên gia ngân hàng, lựa chọn phương thức gửi tiền vào các NHTMCP, người dân có thể nhận được ưu đãi đáng kể hơn về lãi suất hay được hưởng lợi từ những hình thức khuyến mãi dự thưởng. 

Hơn thế, đứng trước dự báo lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ còn tăng, không loại trừ mặt bằng lãi suất trong nước từ nay đến cuối năm  sẽ còn tiếp tục được các NHTMCP “hâm” nóng.

Còn “cất” tiền ở các NHTMQD, cái được muôn thuở  là hệ số ổn định tại các NH này luôn ở mức cao. Duy chỉ có bất cập: 4 đại gia NHTMQD này không thể hứa hẹn hay gật đầu nhanh chóng trước bất cứ một quyết sách lãi suất nào. Bởi dẫu có sốt ruột muốn tăng tốc đến đâu thì họ đều phải chờ “đèn xanh” từ phía cơ quan chủ quản là NHNN.

Trong khi đó, tại một hội nghị tài chính diễn ra cuối tuần qua, một lãnh đạo  NHNN đã khẳng định quyết tâm giữ ổn định lãi suất từ nay đến cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.   

MỚI - NÓNG