Hà Nội “ế” nhà ưu đãi

Hà Nội “ế” nhà ưu đãi
Có ít nhất 800 trường hợp thuộc diện được mua với giá “ưu đãi” đã từ chối vì giá “ưu đãi” vẫn quá cao so với thu nhập của họ và không thua kém so với giá nhà ngoài thị trường.

Vì thiếu cơ chế và công cụ kiểm soát, điều tiết giá nhà ưu đãi dành cho cán bộ, công nhân, viên chức, nên dù Hà Nội đã xây dựng được quỹ nhà để bán cho đối tượng này nhưng số cán bộ cán bộ công nhân viên chức tiếp cận được với quỹ nhà rất hạn chế.

Giá quá cao, làm sao với tới?

Theo Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, 10 năm qua, Hà Nội đã triển khai xây dựng 35 khu đô thị mới có tổng diện tích khoảng 1.465 ha.

Quỹ nhà đất thành phố điều tiết từ 35 khu đô thị mới này được chia ra như sau: quỹ đất 20% gồm 510.434 m2 đất xây dựng chung cư cao tầng và 47.055 m2 đất xây dựng nhà thấp tầng; diện tích nhà 30% là 24.432 m2 sàn; diện tích 25% nhà vườn, biệt thự là 86.457 m2; riêng quỹ nhà chung cư 50% có 5.882 căn hộ.

Trong tổng số 5.882 căn hộ chung cư này, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất đã trình Uỷ ban nhân dân thành phố bố trí bán (với giá ưu đãi theo Quyết định 87/QĐ-UB) cho 3.767 hộ là cán bộ công nhân viên chức Trung ương và Hà Nội.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, đến nay, toàn thành phố vẫn còn tới 800 hộ trong tổng số trên 3.700 hộ nêu trên không đến ký hợp đồng mua.

Thậm chí nhiều người đã đăng ký mua rồi sau đó lại xin rút lại không mua nữa. Nguyên nhân chủ yếu là vì giá nhà quá cao. Hầu hết các căn hộ đều có giá không thua kém gì so với giá trên thị trường từ 7-8 triệu đồng/m2. Với mức giá này mỗi căn hộ có giá khoảng 600-800 triệu đồng. So với thu nhập trung bình của cán bộ công nhân viên chức ở Hà Nội thì mức giá này... rất khó với tới.

Trong khi đó, tình trạng “chiếm dụng vốn” của các chủ đầu tư bằng cách yêu cầu người mua nhà phải nộp tiền trước khi xây dựng nhà vẫn tiếp tục diễn ra. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người mua nhà là cán bộ công nhân viên chức nản lòng.

“Quỹ nhà đúng là của thành phố nhưng các chủ đầu tư đều chờ có danh sách người mua được duyệt để những người này đóng trước một phần tiền rồi mới tiến hành việc thi công”, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội Vũ Văn Hậu cho biết.

Giá nhà ưu đãi bị “thả nổi”?

Bình luận về giá nhà ưu đãi dành cho cán bộ công nhân viên chức còn quá cao so với túi tiền của người mua, một cán bộ thuộc diện được ưu đãi nhưng từ chối đăng ký mua nói:

"Giá nhà ưu đãi dành cho cán bộ công nhân viên chức nếu quá cao thì hóa ra không muốn bán cho cán bộ công nhân viên chức? Thực tế, nếu đặt địa vị của mình vào các nhà đầu tư thì người ta không muốn bán cho cán bộ công nhân viên chức với giá ưu đãi, vì rất đơn giản là họ sẽ bị thất thu. Thành phố cần có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về giá thì may ra họ mới bán giá thấp cho chúng tôi được”.

Đúng như vậy, các chủ đầu tư đương nhiên phải đặt lợi nhuận làm đầu. Nên họ không thể bán giá thấp, trong khi không được nhận được những ưu đãi hoặc hỗ trợ tương xứng từ phía thành phố. Hiện nay, cơ chế ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên chức chưa được quy định rõ ràng.

Trước tình hình như vậy, ông Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: “Phải có một cơ quan làm nhiệm vụ điều tiết, đưa ra được mức giá hợp lý để người dân mua được nhà chứ không thể để chủ đầu tư muốn bán bao nhiêu cũng được”.

Nhưng, cho dù có một cơ quan như vậy, thì việc Hà Nội cần xây dựng cơ chế thống nhất hỗ trợ các chủ đầu tư là cần thiết. Điều tiết bằng cách này hay cách khác, một quy luật đương nhiên là thành phố không thể đơn phương “bắt” doanh nghiệp phải bán với giá mình muốn, trong khi họ không được lợi điều gì.

Cuối năm ngoái, Hà Nội đã từng “nóng” lên vì chuyện nhà ở ưu đãi dành cho cán bộ công nhân viên chức. Ở thời điểm đó, vấn đề giá nhà quá cao khiến cán bộ công nhân viên chức không với tới được cũng được đặt ra khá gay gắt.

Giá loại nhà này đội lên đến 9-10 triệu đồng/m2 (cao hơn hiện nay từ 2-4 triệu đồng/m2). Khi đó, nhiều người mặc dù đã cố gắng hoàn thành các thủ tục giấy tờ, cuối cùng đã phải từ bỏ ý định mua nhà vì giá quá cao.

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: ưu đãi mà giá cao thì có còn giữ được ý nghĩa của chủ trương ưu đãi? Câu hỏi này, một năm sau, năm 2006, vẫn được đặt ra và thành phố Hà Nội vẫn chưa có được lời giải đáp thỏa đáng.

Theo Nguyễn Lương Hiền
Thời báo Kinh tế

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.