Hà Nội: Giao dịch bất động sản lên "sàn'

Hà Nội: Giao dịch bất động sản lên "sàn'
TP - Đề án thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản TP Hà Nội, thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường&Nhà đất vừa được UBND TP thông qua vào giữa tháng 4/2006.
Hà Nội: Giao dịch bất động sản lên "sàn' ảnh 1
Những thông tin về dự án đô thị sẽ được cập nhật lên sàn giao dịch BĐS

Theo kế hoạch, Trung tâm này ra đời sẽ hình thành một sàn giao dịch Bất động sản (BĐS) đầu tiên tại Hà Nội do Nhà nước quản lý (trụ sở tại nhà N2D tòa nhà 17 tầng, khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính), dự kiến hoạt động vào đầu tháng 6/2006.

Công khai quy hoạch trên sàn giao dịch

Theo ông Vũ Văn Hậu-Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường & Nhà đất Hà Nội, tại Việt Nam các hoạt động giao dịch, tư vấn tại sàn giao dịch BĐS vẫn còn rất mới lạ, hiện chỉ có một số tổ chức định giá đất của Nhà nước do cơ quan Tài chính hoặc Tài nguyên-Môi trường quản lý.

Ngoài các trung tâm về BĐS tại Đà Nẵng, TP HCM, trên thị trường chưa có một sàn giao dịch BĐS do Nhà nước quản lý, mà hình thành tự phát theo kiểu “trung tâm môi giới nhà đất”, cơ sở manh mún, cách làm thủ công, nhỏ lẻ.

Theo thống kê, tại Hà Nội hiện có trên 3.000 trung tâm môi giới nhà đất nhưng không đăng ký hoạt động với cơ quan chuyên môn, trong khi đó các giao dịch ngầm vẫn đang hoạt động rất công khai nhưng khó kiểm soát.

Góp phần điều tiết thị trường BĐS

Sàn giao dịch BĐS có hai chức năng chính: Tư vấn, thông tin về BĐS cho người dân và các nhà đầu tư; góp phần giúp Nhà nước điều tiết, quản lý vĩ mô thị trường BĐS.

 Sàn giao dịch BĐS chính là một siêu thị hiện đại bao gồm tất cả các dịch vụ về nhà đất, tài sản gắn liền với đất, công khai các chính sách về đất đai.

Thông qua bảng điện tử, các màn hình lớn và hệ thống truy cập tự động, khách hàng sẽ dễ dàng tiếp cận nhanh nhất tới các lĩnh vực liên quan đến BĐS như giá đất, quy hoạch, chính sách phát triển của Nhà nước và thành phố; thông tin về các dự án đất đai tại Hà Nội và các đô thị lớn trên toàn quốc.

Các hoạt động chính của sàn bao gồm tư vấn về giá đất trong các giao dịch về đất; tư vấn về nghĩa vụ tài chính khi chuyển quyền, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; cung cấp dịch vụ tư vấn thông tin pháp lý về đất đai; dịch vụ hỗ trợ tài chính, tìm kiếm nguồn vốn (kết hợp với các ngân hàng, chủ đầu tư thực hiện); dịch vụ môi giới, cung cấp các thông tin tin cậy để khách hàng thực hiện các giao dịch BĐS và giải quyết các tranh chấp về giá trị BĐS.

Sàn giao dịch giúp các cơ quan chức năng thực hiện định giá BĐS  ban đầu, định giá phát sinh (tăng giảm về giá trị) trong năm, doanh thu hàng năm từ BĐS; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu giá đất, giá nhà, lập bản đồ giá BĐS. Đây chính là điều kiện để các sàn giao dịch chuyên nghiệp về BĐS sẽ được hình thành, thúc đẩy hoạt động lành mạnh thị trường bất động sản Thủ đô và cả nước.

Tại sàn giao dịch, khách hàng được hỗ trợ thực hiện hợp đồng và các dịch vụ sau giao dịch. Ông Vũ Văn Hậu cho biết: “Sàn chính là nơi thực hiện các giao dịch mua bán, cung cấp thông tin chính thức được đảm bảo về pháp lý của BĐS, tránh tình trạng tù mù như hiện nay”.

Trước mắt, sàn sẽ tổ chức các giao dịch về BĐS là những dự án về nhà đất của thành phố, công khai các dự án về GPMB-TĐC; cung cấp các dịch vụ về đấu giá đất.

“Ngoài nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động lành mạnh của thị trường bất động sản, trước hết là thị trường nhà đất, tạo ra hàng (BĐS) và tiền (nguồn vốn) để cung cấp cho khách hàng, Trung tâm giúp thành phố định giá đất hàng năm trên cơ sở bám sát sự biến động giá đất trên thị trường.

Sự ra đời của trung tâm  này là hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay” - Ông Lê Quý Đôn-Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.