Hà Nội lãng phí 17,689 tỷ đồng xây chợ

Hà Nội lãng phí 17,689 tỷ đồng xây chợ
Đây là con số do Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội trong Dự thảo Báo cáo sơ kết thực hiện Đề án 15 của Thành uỷ về tăng cường chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Vũ Huy Luật trình bày tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 19, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM ngày 2/4.

Nội dung báo cáo sơ kết đề án dựa trên kết quả kiểm tra khảo sát thực hiện Đề án 15 tại 11 sở, ngành và 14 quận, huyện trên toàn thành phố sau 2 năm triển khai đề án.

Thất thoát vốn trong đầu tư xây dựng lên tới 6,5%

"Từ khi triển khai Đề án 15 của Thành uỷ đến nay, tình hình đấu tranh chống tham nhũng đã được các cấp ủy Đảng, các sở, ngành tích cực triển khai thực hiện. Một số lĩnh vực có chuyển biến tốt. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ tham nhũng, tiêu cực được kịp thời, đã thu hồi vật chất, đất đai, tài chính cho Nhà nước và tập thể..." - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Vũ Huy Luật nhận định.

Ông Luật dẫn chứng: chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế xã hội, Thanh tra thành phố đã tiến hành 60 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý và sử dụng đất đai; quản lý đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo hiểm, đầu tư xây dựng, các dự án công trình phục vụ Sea Games 22...

Kết quả thanh tra đã thu hồi 10.484 triệu đồng, 61,486m2 đất, giảm trừ quyết toán 13.994 triệu đồng...

Ngoài ra, thanh tra 48 dự án trong năm 2004, lực lượng thanh tra thành phố cũng đã phát hiện sai phạm làm thất thoát vốn trong đầu tư xây dựng xảy ra ở tất cả các khâu trong quá trình chuẩn bị đầu tư; thực hiện đầu tư; thanh quyết toán công trình; bảo hành công trình với số tiền thất thoát lên tới 3,6% trị giá công trình, thậm chí có công trình sai phạm thất thoát ở mức 6,5%...

Tuy nhiên, ông Vũ Huy Luật trình bày cũng thẳng thắn thừa nhận: Công tác đấu tranh chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế và đến nay, nhiều lĩnh vực chưa có chuyển biến tích cực. Phần lớn các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đều do đơn tố cáo đảng viên và quần chúng hoặc do cơ quan báo chí nêu. Ban chỉ đạo chống tham nhũng, cấp uỷ, thủ trưởng đơn vị và các cơ quan chức năng phát hiện vụ việc tiêu cực, tham nhũng còn quá ít.

"Việc nhũng nhiễu, tiêu cực trong khi thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đã trở thành phổ biến ở các ngành, các lĩnh vực, thậm chí còn được coi là chuyện "bình thường"; công tác cải cách hành chính đã có những tiến bộ nhất định song, nhiều quy trình, thủ tục trong lĩnh vực xét duyệt dự án, cấp phát ngân sách, đầu tư, đất đai, xây dựng... chậm được bổ sung kịp thời dễ tạo ra tham nhũng, tiêu cực" - ông Luật nói.

Lãng phí 17,689 tỷ đồng xây chợ do sử dụng không hiệu quả

Theo ông Vũ Huy Luật trình bày, đầu tư xây dựng chợ là chủ trương phù hợp nhằm hạn chế chợ tạm, chợ cóc của Thành phố và thực tế cho thấy, việc xây dựng chợ đã mang lại kết quả thiết thực cho công tác quản lý thiết lập trật tự trong kinh doanh, kiểm tra an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, hàng giả, trốn thuế ... được chặt chẽ, đúng luật.

Tuy nhiên, ông Luật cũng cho biết vẫn còn một số chợ do tính toán quy hoạch không sát nên đưa vào sử dụng chưa có hiệu quả.

Ông dẫn chứng: Thành phố có 72 chợ được xây dựng thì có 58 chợ đã hoàn thành với tổng kinh phí được cấp trên 100 tỷ 789 triệu đồng và 189.746m2 đất. Trong đó, có 4 chợ sử dụng chưa được hiệu quả với tổng kinh phí xây dựng lên tới 17,689 tỷ đồng và 38.119m2 đất so với 12 chợ đã được đưa vào sử dụng.

Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, để đất hoang hoá hoặc "ngâm" dự án cũng là nguyên nhân gây lãng phí ngân sách không nhỏ cho thành phố. Qua thực hiện 65 cuộc thanh tra, Sở Tài nguyên Môi trường & Nhà đất Hà Nội đã tham mưu cho thành phố thu hồi đất của các đơn vị sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hoá với tổng diện tích đã thu hồi từ 2001 đến nay lên tới 566.908,47m2 đất.

Cũng theo ông Luật, tuy phần lớn tình hình sử dụng đất phục vụ các dự án, công trình thành phố cấp tại 14 quận, huyện với tổng diện tích hơn 13,6 triệu m2 đã được sử dụng hiệu quả song vẫn còn một số dự án đã được phê duyệt, cấp đất nhưng triển khai chậm, sử dụng, gây lãng phí không nhỏ.  Cụ thể, diện tích chưa được sử dụng hơn 1,47 triệu m2 và diện tích sử dụng, chuyển đổi sai mục đích vào khoảng hơn 255 nghìn m2.

Cải cách hành chính mới chống được tham nhũng, lãng phí?

Đây là giải pháp mà Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Lê Quang Nhuệ đề xuất. Theo ông Nhụê, quan liêu, lãng phí và tham nhũng vốn là căn bệnh có liên quan mật thiết, biện chứng với nhau nên nếu thể chế quản lý không rõ ràng, cơ chế quản lý không minh bạch, kỷ cương không nghiêm thì chắc chắn tham nhũng, lãng phí sẽ xảy ra.

Ông Nhuệ cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các nguyên nhân gây nên lãng phí không đáng có, thậm chí lãng phí lớn. Đó là nạn hội họp triền miên, họp tối ngày, đó là cơ chế, chính sách quản lý đất công không sát với thực tế, gây thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, rồi chuyện quy hoạch luôn chạy theo các vi phạm xây dựng, chuyện các dự án đầu tư hàng trăm triệu USD nhưng "ngâm" từ năm này sang năm khác gây lãng phí thời gian, tiền bạc.

"Dự án đầu tư hàng trăm triệu USD theo kế hoạch lẽ ra chỉ mất một năm là hoàn thành thì lại kéo dài tới 5 - 10 năm thì làm sao không lãng phí, thất thoát..." - ông Nhuệ bức xúc.

Ông Nhuệ cho rằng, một khi cơ chế không rõ ràng thì sẽ tạo điều kiện, kẽ hở cho nạn nhũng nhiễu. "Vì vậy, chống tham nhũng phải bắt đầu từ cải cách hành chính" - ông đề xuất giải pháp.

Theo ông, cải cách hành chính ở đây phải thể hiện đồng bộ, thống nhất từ các khâu rà soát lại thể chế, giảm bớt thủ tục gây phiền hà cho dân; minh bạch cơ chế và đặc biệt là phải coi trọng hậu kiểm.

"Muốn cải cách được, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có thực quyền để xử lý cán bộ, công chức sai phạm. Lâu nay việc gì sai thì đòi xử lý Giám đốc Sở. Giám đốc Sở chịu trách nhiệm rất lớn nhưng không cho người ta thực quyền thì làm gì được?" - ông Nhuệ nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG