Hà Nội lập 385 điểm bán hàng bình ổn giá

Hà Nội lập 385 điểm bán hàng bình ổn giá
TP - Trao đổi với Tiền Phong chiều 8 - 11, ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, thành phố đã nâng từ 109 điểm bán hàng bình ổn giá năm 2009 lên 385 điểm năm nay.

>> Mâm cơm thời 'bão giá'
>> Bão giá ba miền 

Theo ông Tưởng, thành phố đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo bình ổn giá từ Tết Canh Dần. Năm 2010 này không những thành phố không thu về số tiền 250 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất bình ổn giá năm 2009 mà còn “bơm” thêm 250 tỷ đồng hỗ trợ vay không lãi suất để các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bình ổn giá.

Hà Nội lập 385 điểm bán hàng bình ổn giá ảnh 1

Người nghèo chịu tổn thương nhiều nhất từ cơn “bão giá”, thành phố có chỉ đạo gì để giúp đỡ họ?

Chúng tôi rút ra hai giải pháp quan trọng. Một là giao Sở Công Thương thực hiện, đảm bảo cung cầu, tránh không để hiện tượng hàng hoá thiếu dẫn đến sốt giá... Thành phố hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp chủ động hàng hóa trước chứ không phải đến khi sốt rồi mới lo mua hàng.

Với chính sách hỗ trợ, chúng tôi chỉ tập trung 9 mặt hàng thiết yếu. Biện pháp thứ hai là tăng cường quản lý về giá, trong đó điểm mấu chốt là bắt buộc doanh nghiệp, hộ sản xuất phải kê khai và niêm yết giá tất cả các mặt hàng, có hiệu lực từ 1-10.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn để bình ổn giá có nghĩa là hàng bình ổn giá chỉ được bán trong hệ thống của các doanh nghiệp, trong khi đó hệ thống này chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường. Như vậy người dân nghèo, người dân ở nông thôn - những đối tượng cần được hỗ trợ khó tiếp cận?

Chúng tôi đã phát hiện vấn đề này từ năm ngoái, nên năm nay thành phố đã nâng từ 109 điểm bán hàng bình ổn giá năm 2009 lên 385 điểm. Thêm nữa, không chỉ các hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng của các doanh nghiệp mới bán hàng bình ổn giá mà tại các chợ dân sinh, chợ ở các huyện ngoại thành cũng có điểm bán.

Thành phố yêu cầu Sở Công Thương làm việc với các quận, huyện, và các ban quản lý chợ để xây dựng mạng lưới tiểu thương làm chân rết thực hiện bán hàng bình ổn giá. Thời gian tới, thành phố tiếp tục nhân rộng những điểm bán hàng bình ổn giá.

Ông Nguyễn Huy Tưởng
Ông Nguyễn Huy Tưởng.

Vừa qua rộ lên thông tin nhiều đơn vị bán hàng bình ổn giá nhưng lại bán với giá cao. Vậy thành phố sẽ giám sát việc này ra sao?

Tôi phải khẳng định rằng không có chuyện các siêu thị, trung tâm thương mại bán hàng bình ổn giá cao hơn bên ngoài. Ở đây có thể có sự nhầm lẫn giữa hàng bình ổn giá - chỉ có 9 mặt hàng với hàng không thuộc diện bình ổn giá. Sở Công Thương cũng giám sát chặt chẽ, thêm nữa những đơn vị thực hiện bình ổn giá đều có ý thức trách nhiệm cao, uy tín.

Với những diễn biến mới khá phức tạp như hiện nay, liệu thành phố có tính đến việc phải cấp thêm ngân sách để các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bình ổn giá?

Giá cả tăng có nhiều yếu tố, trong đó có công tác điều hành vĩ mô. Trong trường hợp có những biến động lớn, thành phố không loại trừ khả năng tăng cường thêm việc hỗ trợ từ ngân sách trong điều kiện có thể. Tuy nhiên như tôi nói, hiện thành phố chỉ xác định 9 mặt hàng thiết yếu trong danh mục hàng bình ổn giá. Như vậy trong tổng thể hàng hoá trên thị trường thì đây là số lượng khá khiêm tốn. Vì vậy việc kiềm chế tăng giá còn phải cần rất nhiều giải pháp vĩ mô kèm theo.

Dư luận đang rất lo ngại về những biến động giá hàng hoá lớn trên địa bàn thành phố dịp cuối năm, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Theo tôi, những biến động mạnh nhất về giá cả đang diễn ra tại thời điểm này, tức trong và sau Đại lễ. Còn từ nay đến Tết, theo tôi, giá cả chỉ tăng nhẹ. Và dự kiến chỉ số giá tiêu dùng tại Hà Nội năm 2010 sẽ dừng lại ở mức một con số, chỉ tăng hơn so với năm

Hai tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội chỉ được tăng 0,87%

Theo số liệu của thành phố Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố tháng 10-2010 so với tháng 12-2009 tăng 7,86 %; tháng 10-2010 so với tháng 9-2010 tăng 1,22%; tháng 10-2010 so với tháng 10-2009 tăng 9,86%; 10 tháng năm 2010 so với 10 tháng năm 2009 tăng 9,13%.

Tức là nếu để kiềm chế việc tăng chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố năm 2010 dưới 10% thì hai tháng còn lại chỉ số giá tiêu dùng của thành phố chỉ được tăng tối đa 0,87%. Theo nhiều chuyên gia, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

 Phùng Sưởng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.