Hà Nội nên đấu thầu các dự án hạ tầng lớn

Nhiều chuyên gia cho rằng, nên đấu thầu thực hiện các dự án BOT, BT​. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nên đấu thầu thực hiện các dự án BOT, BT​. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Những ngày qua, Hà Nội liên tiếp đề nghị lên Thủ tướng cơ chế đặc thù cho chỉ định nhà đầu tư để thực hiện các dự án hạ tầng được coi là lớn và đồng loạt nhất tại Thủ đô từ trước đến nay. 

Các dự án xin cơ chế đặc thù có quy mô lớn nhất là 5 cây câu vượt sông Hồng, sông Đuống. Theo các thông tin được công bố, hầu hết các dự án này được triển khai theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và Hà Nội đối ứng cho nhà đầu tư bằng đất (thường gọi là phương án đổi đất lấy hạ tầng). Diện tích đất sẽ được nghiên cứu để đối ứng lên đến hàng trăm héc ta, trong đó có đất tại xã huyện Gia Lâm, quận Long Biên…

Đầu tháng 8/2017, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án giao thông khép kín đường vành đai 2,5 - 3,5 và 4 để giải quyết ùn tắc giao thông, với tổng mức đầu tư 66.620 tỷ đồng. UBND TP Hà Nội dự kiến đầu tư bằng cách khai thác quỹ đất tại một số khu vực trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, huyện Đông Anh, Gia Lâm và các địa bàn lân cận nơi có dự án đi qua.

Đại diện thành phố Hà Nội lý giải, nếu thực hiện đúng quy trình thủ tục như nghiên cứu, lập, trình phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký kết hợp đồng…, sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng được nhu cầu cấp bách trong giải quyết ùn tắc giao thông của thành phố. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù với các dự án BOT…Theo các chuyên gia, đề xuất chỉ định thầu của Hà Nội có nhiều mặt hạn chế. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chỉ định thầu các dự án BOT hay BT là rủi ro nhất, bởi việc chọn chủ đầu tư chủ yếu qua quan hệ. Trong nhiều dự án BOT, BT cơ quan ban ngành chọn nhà thầu, vì không ai đấu thầu do  áp lực phải hoàn thành chương trình.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết: “Tôi đã quan sát BOT từ năm 1998. Thời điểm đó, Việt Nam có nghị định đầu tiên về BOT. Khi đó, tôi và nhiều chuyên gia đã đoán được hệ lụy xảy ra từ các dự án BOT xảy ra như ngày hôm nay”. Theo ông Lập, hiện nay báo chí, các cơ quan chức năng đang quan tâm đến một số dự án BOT. Tuy nhiên, dự án BT cũng tồn tại nhiều khuất tất chưa được công bố. Trong một hội thảo mới đây, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho hay: Phương thức đổi đất lấy hạ tầng kém minh bạch, vì không rõ việc đổi đất lấy hạ tầng được tiến hành dựa trên cơ sở giá nào? Tình trạng kém minh bạch rất dễ bị các nhóm lợi ích lợi dụng không chỉ về mặt giá cả mà còn để vừa có đất cho dự án phát triển bất động sản của họ lại vừa có hạ tầng bên ngoài kết nối với dự án đó. “Phương thức BT chỉ nên thực hiện theo phương thức đấu thầu dự án kết hợp với đấu giá các lô đất trong chừng mực vừa đủ để thực hiện dự án đúng như quy định của Luật Đất đai”, ông Liêm nói.

Ngoài ra, ông Liêm cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không có nhà đầu tư khác quan tâm là do họ nhìn thấy dự án đã có chủ, do lợi ích nhóm, “cánh hẩu” chi phối. Không ít dự án BT do nhà đầu tư đề xuất khởi phát từ việc nhà đầu tư nhắm đến một khu đất nào đó, gặp lãnh đạo địa phương, “hai bên” vẽ ra một dự án công nào đó để có cớ dùng khu đất này hoàn vốn. Và khi đó, việc định giá quyền sử dụng đất, cũng như định giá chi phí công trình nếu không chặt chẽ sẽ rất dễ dẫn đến cơ hội kiếm chác cho cả doanh nghiệp và cán bộ nhà nước.

Theo Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện trong 3 trường hợp: Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký, chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện dự án, dự án do nhà đầu tư đề xuất khả thi và hiệu quả cao nhất. 

Dự án khả thi và hiệu quả cao nhất được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chỉ định nhà đầu tư khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Có báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt; nhà đầu tư đề xuất giá dịch vụ hoặc vốn góp của Nhà nước hoặc lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước hợp lý; đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo.

“Theo tôi, phải áp dụng đấu thầu công khai một số trường hợp. Khi đấu thầu phải có vốn đối ứng tối thiểu 20% và chứng minh tiền đó đang ở trong ngân hàng và sử dụng vào việc đầu tư dự án ngay từ ban đầu, trước khi vay vốn ngân hàng”

               Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.