Hà Nội quyết tâm tăng sức cạnh tranh lên 10 bậc

Hà Nội quyết tâm tăng sức cạnh tranh lên 10 bậc
TP- Tại hội nghị sáng qua với ba bản cam kết được ký giữa lãnh đạo các sở ngành, quận huyện và khối các doanh nghiệp trên địa bàn, Hà Nội vẫn quyết tâm nâng năng lực cạnh tranh của thành phố lên 10 bậc (từ 31 lên 21 trên tổng số 63 tỉnh thành).

Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển cho biết, thành phố tập trung vào 21 nhiệm vụ chủ yếu, qua đó nhằm đẩy mạnh việc kích cầu đầu tư, tiêu dùng.

Về nguồn lực, thành phố dự kiến cho doanh nghiệp vay hỗ trợ lãi suất khoảng 100 ngàn tỷ đồng, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ 10 ngàn tỷ đồng, hoãn, giãn, giảm thuế khoảng 10 ngàn tỷ đồng. Thành phố trích ngân sách và huy động thêm khoảng 18 ngàn tỷ đồng nữa để kích cầu đầu tư trực tiếp.

“Phải rõ việc, rõ người, rõ thời gian thực hiện, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch quận huyện phải cam kết, chịu trách nhiệm và phải làm rất quyết liệt” – Ông Hiển nói.

Về gói kích cầu 18 ngàn tỷ đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, theo kế hoạch, nguồn này bổ sung cho các dự án hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nhà ở xã hội, nhà chính sách, tái định cư, trường học, trạm y tế.

Thành phố quyết tâm xóa toàn bộ nhà tranh tre dột nát cho dân, với khoảng 3.500 hộ; xóa toàn bộ 1.500 phòng học tạm (thay vì giảm khoảng một nửa theo Nghị quyết).

“Với nguồn đầu tư cho hạ tầng nông thôn, nông nghiệp, thành phố sẽ bố trí ngay vốn để triển khai. Những dự án có mức đầu tư dưới năm tỷ đồng sẽ được chỉ định thầu” – Ông Sửu nói.

Ông Sửu lưu ý các quận, huyện nhanh chóng lên kế hoạch, có thể bỏ vốn ra làm ngay. Cùng với đó, đôn đốc các nhà thầu khẩn trương giải ngân, riêng vốn kế hoạch năm 2009 có thể cho giải ngân toàn bộ. Quỹ đất cho các dự án cũng đã được ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố chuẩn bị xong cho hơn 220 dự án, trong số đó, có nhiều dự án trọng điểm, công viên Hòa Bình, cầu Nhật Tân, đường 32, Láng-Hòa Lạc.

Theo Chủ tịch UBND Quận Long Biên Vũ Đức Bảo, năm ngoái Cty Điện tử Hà Nội (Hanel) đóng cửa, nợ lương, bảo hiểm, công nhân kéo đến Cty đòi nợ như biểu tình. Để ổn định tình hình, thành phố cần sớm có đối sách.

“Doanh nghiệp thì khó khăn, ngân sách không đủ, có thể giảm, giãn một số dự án chưa cấp bách, trích nguồn vượt thu năm nay (riêng nguồn vốn này, quận Long Biên vượt khoảng 95 tỷ đồng) chi cho các dự án an sinh xã hội, người nghèo” – Ông Bảo hiến kế.

“Kinh tế thành phố đang suy giảm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng so với tháng một nhưng giảm so với cùng kỳ, dịch vụ, xuất khẩu giảm tới hơn ba phần trăm, khách du lịch giảm ba mươi phần trăm. Trong khi đó, tín dụng đầu tư chỉ tăng hơn một phần trăm”- Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo lo ngại. Ông Thảo cho rằng, khó khăn nhất là thị trường đang suy giảm, nhưng lại bị cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nghiệp đang mất dần thị trường.
MỚI - NÓNG