Hà Nội: Tiểu thương đi đâu khi chợ Mơ thành siêu thị?

Hà Nội: Tiểu thương đi đâu khi chợ Mơ thành siêu thị?
TPO - Hạn chót đã gần kề (1/12/2008) nhưng đến nay thông tin mù mờ về việc triển khai cũng như tương lai hoạt động của chợ Mơ sau khi “lên đời” thành Trung tâm thương mại khiến gần 1.200 tiểu thương ở chợ như ngồi trên đống lửa.

Trong đơn kiến nghị khẩn cấp của đại diện gần 1.200 tiểu thương ở chợ Mơ gửi báo Tiền phong, điều khiến các hộ kinh doanh lo lắng nhất là liệu có còn chỗ kinh doanh cho họ khi Trung tâm thương mại được xây dựng xong cũng như việc bố trí nơi kinh doanh tạm thời sẽ tiến hành như thế nào khi chợ Mơ đã bị phá đi? Giá đất trong trung tâm thương mại là bao nhiêu tiền 1m2/tháng? Khi quay về họ có phải mất tiền đấu thầu?”...

Trong buổi làm việc với Tiền phong, ông Lê Doãn Cử- Trưởng ban quản lý chợ Mơ khẳng định cho đến thời điểm này, chính ông cũng muốn biết nhưng chưa có thông tin mà các tiểu thương trong chợ đang tìm hiểu.

Theo ông Cử, ngày 10/1/2007, UBND TP Hà Nội cho biết đã phê duyệt quyết định đầu tư dự án chuyển chợ Mơ thành Trung tâm thương mại và đơn vị trúng thầu là Tổng Cty Vinaconex.

Hàng loạt chợ truyền thống sẽ thành trung tâm thương mại

Theo thông tin từ Sở Thương mại Hà Nội, hiện Sở đang phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận lựa chọn chủ đầu tư và đẩy nhanh việc hỗ trợ doanh nghiệp đã được chọn triển khai thủ tục đầu tư xây dựng một số Trung tâm thương mại hiện đại gắn với chợ trên địa bàn thành phố như: Hàng Da, Hôm - Đức Viên, Cửa Nam, 19/12, Mơ, Ngã Tư Sở...

“Theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, dự án Trung tâm thương mại chợ Mơ phải khởi công chậm nhất trước ngày 1/12/2007. Thời điểm phải bàn giao mặt bằng gần đến nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa có thông tin chính thức nào cả” - Ông Cử cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Ban quản lý chợ, kế hoạch chuyển chợ thành trung tâm thương mại khi đưa ra được hầu hết các hộ kinh doanh ủng hộ. Tuy nhiên, việc công khai thông tin, thời điểm các hộ kinh doanh phải chuyển đi, số hộ phải di dời, thời gian thực hiện và đối với các hộ kinh doanh trong chợ đến giờ vẫn chỉ là những thông tin mơ hồ.

500 hộ kinh doanh sẽ đi đâu?

Theo phương án một trong bản phác thảo dự án xây Trung tâm thương mại tại chợ Mơ, do Cty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới thực hiện, chợ Mơ hiện có 1.181 hộ kinh doanh với đủ các mặt hàng trên tổng diện tích 14.700m2.

Chợ Mơ sẽ được xây dựng thành trung tâm thương mại hạng I, với 5 tầng hầm và cao xấp xỉ 20 tầng. Sau khi xây dựng, diện tích đất trong chỉ giới đường đỏ của Trung tâm thương mại chợ Mơ khoảng 11.154m2 và được cho chủ đầu tư thuê 50 năm.

Trong số 5 tầng hầm của Trung tâm thương mại, toàn bộ phần tầng hầm đầu tiên sẽ được sử dụng làm khu chợ buôn bán theo kiểu chợ truyền thống hiện nay. 4 tầng còn lại được sử dụng làm khu để xe và phụ trợ.

Điều khiến cho Ban quản lý chợ lo lắng hơn cả là với tổng diện tích của 2 khu chợ tạm nếu tính toán kỹ lưỡng thì cũng chỉ có thể bố trí cho 650 hộ kinh doanh và tối đa là 700 hộ. Còn 500 hộ khác thì không biết đưa đi đâu dù các hộ này đã từng có nhiều năm thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước khi kinh doanh tại chợ.

Sau khi thông tin về kế hoạch di chuyển các hộ kinh doanh được công bố, Ban quản lý chợ Mơ cũng đã đi khảo sát 2 khu vực mà chợ sẽ chuyển về. 2 địa điểm được đưa ra là ở khu vực đường Trần Khát Chân và tuyến đường mới mở nối Đại Cồ Việt - Lê Thanh Nghị.

Nhưng đề xuất chuyển chợ đến những khu vực trên của Ban quản lý đã bị UBND quận từ chối mặc dù nó có thể giải quyết được việc tiếp tục kinh doanh của cả 1.181 hộ.

Trả lời câu hỏi của Tiền phong về những kiến nghị của tiểu thương chợ Mơ, ông Hoàng Trọng, Chánh văn phòng UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, cho đến nay tất cả mới chỉ là trong kế hoạch.

Chưa có bất cứ một phê duyệt chính thức nào về việc chợ tạm cũng như dự án xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm thương mại chợ Mơ ra sao.

Ông Trọng cũng khẳng định các hộ tiểu thương không nên quá lo lắng vì khi chủ đầu tư trình kế hoạch cụ thể sẽ có một cuộc họp bàn chính thức với đại diện các ngành hàng của chợ.

Đành rằng chủ trương chuyển chợ thành các trung tâm thương mại của thành phố là xu hướng tất yếu, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng cần tính tới mức độ ảnh hưởng cũng như có kế hoạch cụ thể cuộc sống của hàng ngàn người kinh doanh.

Thời gian dự án khởi công ngày càng ngắn trong khi phương án cụ thể vẫn chưa được chủ đầu tư công bố rộng rãi, các hộ kinh doanh ngày càng hoang mang khi mối lo toan cuộc sống, lo mất chỗ kinh doanh ngày càng đè nặng.

MỚI - NÓNG