Hà Nội, TPHCM phải giải trình nếu không cổ phần hóa doanh nghiệp

TP - Theo lãnh đạo Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa (CPH) ít nhất 85 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2018 mới CPH được 11 DN. Trong đó, Hà Nội và TPHCM đăng ký CPH nhưng chưa triển khai được đơn vị nào.

Chiều 19/11, Bộ Tài chính họp báo chuyên đề về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước”. 

Theo ông Nguyễn Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa (CPH) ít nhất 85 doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2018 mới CPH được 11 DN. Trong đó,  Hà Nội và TPHCM đăng ký CPH nhưng chưa triển khai được đơn vị nào. 

“Tiến độ triển khai CPH trong 9 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Tiến cho hay. 

Không chỉ CPH, theo Cục trưởng Tiến, việc triển khai thoái vốn nhà nước cũng rơi vào tình trạng chậm trễ, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; 9 tháng đầu năm 2018 có 18 đơn vị). 

Đáng chú ý, trong số này nhiều bộ, ngành chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn năm 2017 với số lượng DN và giá trị lớn như: Bộ Công Thương phải thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) với tổng giá trị thoái khoảng 7.000 tỷ đồng; Bộ Y tế phải thoái vốn tại Tổng công ty Dược Việt Nam khoảng 829 tỷ đồng; Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 8 DN với tổng giá trị phải thoái khoảng 2.400 tỷ đồng; Hà Nội phải thoái vốn tại 17 DN với tổng giá trị 682 tỷ đồng, đã thoái 156 tỷ đồng, còn 526 tỷ đồng theo kế hoạch năm 2017.

Theo ông Tiến, đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản xin hoãn hoặc điều chỉnh tiến độ CPH DN đã được giao của Hà Nội và TPHCM. “Tiến độ CPH, số lượng DN phải CPH đều do Hà Nội và TPHCM tự xây dựng, đăng ký và công bố công khai, nên không thực hiện được phải có báo cáo giải trình cụ thể. Nếu 2 địa phương này xin điều chỉnh tiến độ, phải nêu rõ lý do chậm, ai là người chịu trách nhiệm. Lý do này phải được Thủ tướng chấp thuận, cho ý kiến”- ông Tiến cho hay.

Cũng theo vị cục trưởng, Thủ tướng sẽ có văn bản phê bình về việc chậm trễ của Hà Nội và TPHCM để 2 địa phương này sớm chấn chỉnh. “Thẩm quyền xử lý việc chậm tiến độ này là của Thủ tướng Chính phủ”- ông Đặng Quyết Tiến cho hay.

MỚI - NÓNG