Hạ tầng chúng ta mới ở mức… cấp huyện

Hạ tầng chúng ta mới ở mức… cấp huyện
TP – “Có thể nói hạ tầng của chúng ta mới chỉ ở mức cấp huyện, cấp tỉnh thời bao cấp chứ còn thời CNH-HĐH, hơn nữa lại bước vào thời kỳ toàn cầu hóa thì đường sá, sân bay, bến cảng... đều bị quá tải nặng nề” - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói.

Thưa ông, ở thời điểm cuối năm 2006 khi Việt Nam sắp vào WTO, những cụm từ luôn được các doanh nhân, nhà quản lý, thậm chí cả một số quan chức nhắc đến nhiều “ra biển lớn”, “cất cánh”,  “bùng nổ” nhưng so với những thành tựu về kim ngạch xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... đạt được năm 2007 thì có thể thấy tác động của việc gia nhập WTO cũng còn mờ nhạt?

Nói vậy thì cũng hơi oan. Bên cạnh sự chuyển biến về nhận thức, tôi thấy còn những mặt được cụ thể khác. Thứ nhất, chúng ta đã cải thiện hơn hành lang pháp luật để thực hiện những cam kết gia nhập WTO, việc này góp phần hoàn thiện môi trường kinh doanh ở nước ta.

Thứ hai, sự tín nhiệm quốc tế đối với nước ta tăng lên rõ rệt, điều này có thể nhìn thấy, thậm chí “sờ thấy” được. Riêng việc cuối năm qua, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ dẫn đầu đoàn doanh nhân lớn sang nước ta tìm hiểu cơ hội làm ăn là chuyện từ xưa đến nay chưa hề có.

Thứ ba, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cũng tăng vượt dự kiến, 10 tháng đầu năm KNXK đạt 35,2 tỷ USD, tăng khoảng 19,6% so với năm trước. Tuy không thể bóc tách được riêng việc trở thành thành viên WTO tác động vào việc tăng KNXK thế nào nhưng có thể thấy có những mặt hàng như dệt may đã tăng đột biến, một phần do không còn bị hạn ngạch.

Thứ tư, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 10 tháng đầu năm là 11 tỷ USD, tăng gần 40%. Thứ năm là lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta cũng tăng cao. Cái được cuối cùng mà tôi nghĩ là vô cùng quan trọng, đó là sự liên kết giữa các doanh nghiệp.

Trước đây Chính phủ đã kêu gọi mãi cũng chưa chuyển biến nhưng sau khi gia nhập WTO đã tiến triển. Trước đây, nhiều doanh nghiệp chỉ chăm chăm chọn đối tác chiến lược nước ngoài nhưng nay các doanh nghiệp nước ta đã liên kết với nhau... Tính cách của người Việt ta có lẽ là vậy, cứ có sức ép mới làm. Một năm mà đạt được ngần ấy việc thì cũng có thể coi là kha khá!

Một năm qua vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng cao nhưng sự hấp thụ dòng vốn đó rất hạn chế. Phải chăng chúng ta chưa đủ năng lực cũng như còn nhiều hạn chế trong việc chuẩn bị để tận dụng cơ hội mà hội nhập mang tới?

Bên cạnh những mặt được thì cũng còn những cái chưa được. Có những cái chưa được do nhân tố trước mắt nhưng cũng có những việc do nguyên nhân lâu dài. Việc chúng ta chưa hấp thụ được dòng vốn nước ngoài chủ yếu là do nhân tố lâu dài. Có những vấn đề đã nhìn thấy từ trước nhưng vẫn chưa thể giải quyết ngay được.

Ví dụ hệ thống luật pháp tuy đã được cải thiện nhưng chưa hoàn chỉnh, chỉ riêng thuế bất động sản chưa hoàn thiện, gây lộn xộn về đất đai nên muốn đầu tư cũng khó, vì việc đầu tiên là phải có đất! Thứ hai, là kết cấu hạ tầng yếu kém đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quá trình đầu tư phát triển.

Có thể nói hạ tầng của chúng ta mới chỉ ở mức cấp huyện, cấp tỉnh thời bao cấp chứ còn thời CNH-HĐH, hơn nữa lại bước vào thời kỳ toàn cầu hóa thì đường sá, sân bay, bến cảng... đều bị quá tải nặng nề.

Cái thứ ba chúng ta yếu là nguồn nhân lực ở tất cả cấp độ đều chưa đáp ứng được, từ công nhân bình thường đến các quan chức ở các sở ban ngành, đa số còn chưa biết ứng xử thế nào trong hội nhập. Cuối cùng là hệ thống tài chính tiền tệ trong điều hành vĩ mô cũng còn lúng túng. Vốn vào nhiều, tung tiền Việt Nam ra mua, không kịp thu về góp phần đẩy  lạm phát lên cũng chỉ là một khía cạnh.

Tất cả những vấn đề đại sự có tính chất lâu dài khi chưa hội nhập bộc lộ chưa gay gắt nhưng có cú huých hội nhập thì bộc lộ ra một cách gay gắt. Đương nhiên những vấn đề này chưa thể giải quyết một sớm một chiều được, việc cơ bản hiện nay là chọn được điểm nút cổ chai để xử lý. Tôi tin là Chính phủ sẽ tìm ra cách thức để giải quyết.

Cần có tầm nhìn quốc tế

Trong bối cảnh hội nhập, tôi thường nói với anh em rằng phải có tầm nhìn quốc tế, phải luôn luôn theo dõi chặt chẽ mọi biến động của nền kinh tế thế giới.

Nếu không nhạy bén, nắm bắt kịp thời những biến động, có biện pháp xử lý thích hợp thì hội nhập sẽ mang đến tai họa chứ không phải đem đến thành công. 

Theo ông, điểm nút bức bối nhất cần giải quyết ngay là gì?

Đó là giao thông. Trong bối cảnh vốn ít, nhu cầu lại rất lớn thì có lẽ nên tập trung nguồn lực vào những khâu đang gây ách tắc lớn, còn những công trình khác cõ lẽ đành tạm nhịn. Không nên có tâm lý là cái gì cũng muốn.

Trong cuộc sống không bao giờ có chuyện cái gì cũng được, trong công việc của một quốc gia lại càng như vậy! Nguời ta thường phải phải hy sinh cái nọ để có cái kia; muốn đất nước phát triển, có tiền để giải quyết những việc còn lại thì đương nhiên ai đó, vùng nào đó buộc phải tạm nhịn.

Nhân ông đang đề cập đến những vấn đề yếu kém, xin được hỏi thêm ông nhìn nhận thế nào về sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong năm đầu chúng ta là thành viên chính thức của WTO?

Tôi không dám nhận xét chung mà chỉ có thể chia sẻ cảm tưởng. Khi còn làm việc tôi thấy nhận thức về hội nhập chưa lan tỏa ra tất cả các bộ, ngành, địa phương nhưng sau khi chúng ta đã hội nhập thì nhận thức về hội nhập đã chuyển biến rất nhiều. Từ đó, việc sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp đã được giải quyết đáng kể tuy chưa phải là đã làm được đến mức khiến chúng ta hài lòng.

Bộ nào tôi cũng thấy anh em  hành động quyết liệt hơn.  Vì thế sau một năm chưa thấy nước nào chê trách ta chưa thực hiện cam kết.

Doanh nghiệp là lực lượng xung kích trong qua trình hội nhập nhưng sự hồ hởi sau một năm hội nhập đã lắng xuống và những chiến lược dài hạn để nâng cao sức cạnh tranh vẫn khá mờ nhạt, ông có thấy như vậy?

Tôi không đồng tình với đánh giá là bây giờ doanh nghiệp ít hồ hởi hơn. Tiếp xúc với họ tôi thấy sự hồ hởi sâu lắng và trầm tĩnh. Việc quan trọng là cái gì cần phải làm, làm ra sao để vươn lên trong hội nhập đang được các doanh nghiệp triển khai. Tôi cũng thấy các doanh nghiệp tự tin hơn, không có sự hoang mang quá đỗi.

Trước đây, khi chỉ đạo việc đàm phán tôi rất lo lắng, chủ yếu là lo cho các doanh nghiệp nhưng sau một năm tôi càng tin tưởng hơn vào đội ngũ doanh nghiệp, họ làm ăn tốt hơn, xuất khẩu tăng cao hơn, liên kết với nhau mạnh hơn, vươn lên chiếm lĩnh thị trường mạnh dạn hơn... Đó là những tín hiệu đáng mừng từ đội ngũ doanh nghiệp.

Gần đây có nhiều ý kiến nói rằng những năm tới những cơ hội do hội nhập mang lại với nước ta còn rõ rệt và to lớn hơn nữa, cá nhân ông có thấy như vậy?

Tôi lại phải nhắc lại là hội nhập không phải là công cụ duy nhất. Những năm tới chúng ta có phát triển mạnh hay không phụ thuộc vào nhiều nhân tố chứ không chỉ riêng việc hội nhập. Vì thế, mấy năm tới chúng ta có phát triển mạnh mẽ hay không thì ngoài những nỗ lực nội tại còn phụ thuộc nhiều vào cục diện nền kinh tế, chính trị thế giới.

Năm 2007 này nền kinh tế thế giới chưa thấy điều gì bất ổn nhưng thời gian tới sẽ thế nào còn là một câu hỏi rất lớn, nhất là trong bối cảnh giá dầu, giá vàng, giá USD, giá cổ phiếu xáo động thế này.

Một nhà kinh tế nước ngoài có nói với tôi rằng, nếu ai đoán được chuyện gì sẽ diễn ra trong ngày mai thì nên dựng tượng vàng để thờ người đó. Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề như vậy. Vì thế, chưa có cơ sở gì để khẳng định trong những năm tới việc gia nhập WTO sẽ mang lại cho chúng ta những cơ hội để “bùng nổ” hơn nữa.

Ngay những cơ hội hiển hiện trước mắt như vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều mà chúng ta chưa hấp thụ được thì dòng vốn cũng sẽ ra đi. Cơ hội như là sóng, nó đến rồi đi chứ không bao giờ dừng lại cả, quan trọng là phải níu kéo nó lại để tận dụng nó.

Xin cảm ơn ông.

Hữu Khôi 
Thực hiện

MỚI - NÓNG