Hai động lực mới của nền kinh tế toàn cầu

Hai động lực mới của nền kinh tế toàn cầu
Trung Quốc và Ấn Độ đang trỗi dậy mạnh mẽ. Cùng với các ưu thế khách quan, còn có một nhân tố quan trọng làm nên thành công của 2 nước: niềm tin của người tiêu dùng.
Hai động lực mới của nền kinh tế toàn cầu ảnh 1
Người Trung Quốc xếp hàng tại một cửa hàng bán đồ ăn nhanh.

Nhờ thị trường rộng lớn và tốc độ phát triển kinh tế cao, Trung Quốc và Ấn Độ đứng đầu trong cuộc điều tra về lòng tin của người tiêu dùng mới đây nhất của ACNielsen.

Trung Quốc được coi là khả quan nhất trong số các quốc gia được điều tra, với 78% người tiêu dùng cho rằng nền kinh tế sẽ có mức tăng trưởng cao hơn trong năm tới, tiếp sau đó là Ấn Độ (77%) và Indonesia (76%). Hai quốc gia còn lại trong 10 nước đứng đầu là Mỹ (43%) vị trí thứ 9, và Na Uy (42%) đứng vị trí cuối cùng. Trong số 10 nước trên có tới 8 nước đến từ khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Được tiến hành qua mạng Internet từ tháng 11 năm ngoái, điều tra về lòng tin của người tiêu dùng do ACNielsen đã mở rộng sang 28 thị trường ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, châu Âu và Mỹ. Tổng cộng đã có 14.134 người tham gia phỏng vấn.

Người tiêu dùng quyết định tương lai kinh tế

Mức độ tin tưởng của người tiêu dùng tại các thị trường châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia góp phần vào việc hình thành tâm lý lạc quan đối với viễn cảnh kinh tế của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đây là tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư trên toàn cầu đặt niềm tin vào các nền kinh tế châu Á. Trong số 10 quốc gia nơi người dân có thói quen gửi tiền tiết kiệm thì có đến 9 nước thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương, dẫn đầu là Indonesia (59%), Malaysia (58%) và Thái Lan (57%). Xếp thứ 10 là Hà Lan, quốc gia duy nhất nằm ngoài khu vực này.

Trong cả khu vực châu Á Thái Bình Dương, 40% người tham gia phỏng vấn cho rằng nền kinh tế của đất nước họ đã khởi sắc trong 6 tháng vừa qua, và 53% tỏ ra lạc quan trong năm tới. 43% người Mỹ vẫn duy trì cái nhìn tích cực vào năm sắp tới và tin tưởng rằng tình hình kinh tế sẽ được cải thiện. 31% người dân châu Âu cũng nghĩ như vậy, nhưng có đến 35% cho rằng tình hình kinh tế châu Âu sẽ suy giảm trong năm tới.

48% dân Mỹ và 40% người dân châu Âu cho rằng nền kinh tế đất nước đã suy thoái trong 6 tháng vừa qua. Những người được hỏi trong cuộc điều tra ở Mỹ cho rằng họ cảm thấy nền kinh tế không có nhiều tiến triển trong 6 tháng qua, nhưng họ vẫn tỏ ra lạc quan về một sự thay đổi trong năm tới (43%). Tuy nhiên, người dân châu Âu lại có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này: 1/3 cho rằng nền kinh tế của họ sẽ phát triển, 1/3 nói sẽ vẫn giậm chân tại chỗ, 1/3 còn lại cho rằng sẽ suy giảm trong năm tới.

Trong phần “Các cách sử dụng tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng” của bản báo cáo, ở các nơi khác nhau trên thế giới, người tiêu dùng có nhiều sở thích khác nhau. Người Ấn Độ thích mua sắm quần áo mới, đi nghỉ trong nước, sửa sang nhà cửa, đầu tư vào cổ phiếu và các quỹ tương tế. 50% người Ấn Độ có thói quen gửi tiết kiệm, giống như người dân ở hầu hết các quốc gia khác ở châu Á.

Người dân ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương khi được hỏi sẽ sử dụng lượng tiền thừa của mình như thế nào sau khi đã trang trải hết các chi phí sinh hoạt, thì có tới gần một nửa trả lời rằng họ sẽ gửi tiết kiệm hoặc cho vào tài khoản riêng. Các lựa chọn tiếp theo là giải trí (32%) và trả nợ. Tuy nhiên, thứ tự ưu tiên của người Mỹ lại trái ngược hẳn. 33% cho biết họ sẽ dùng để trả nợ, 29% dùng cho việc giải trí, và chỉ có 23% sẽ đem gửi tiết kiệm. Còn những người dân châu Âu lại ưu tiên cho giải trí nhiều hơn (37%), sau đó mới đến tiết kiệm, mua sắm quần áo, và sửa sang nhà cửa.

Theo dự đoán, các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là động lực chính cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới, đồng thời cũng là những cỗ máy chính của một trật tự kinh tế thế giới mới. Điều này đã được nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (mà chủ đề của nó là “Ấn Độ ở khắp mọi nơi”) tại Davos, Thụy Sỹ vừa qua. Thực tế này cũng được ông Deveshwar, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, phản ánh. Ông đã cảm nhận được tâm lý lo lắng của các chính phủ và các tập đoàn kinh tế châu Âu khi họ thừa nhận rằng họ sẽ bị đánh bại bởi các công ty xuyên quốc gia của Ấn Độ và Trung Quốc.

Giáo sư Jagdish Bhagwati cũng chỉ ra rằng phương tây đang áp đặt những tiêu chuẩn lao động và các quan niệm về công bằng xã hội của mình lên các nền kinh tế đang phát triển. Thực ra, tác nhân chính dẫn đến sự lạc quan về một nền kinh tế năng động và mới mẻ ở khu vực “Trung Ấn” (tên thường gọi của hiện tượng phát triển kinh tế ở châu Á) là sự đi lên của tầng lớp trung lưu.

Tầng lớp trung lưu mới nổi ở Trung Quốc và Ấn Độ

Đóng góp vào sự phát triển của Trung Quốc là dòng chảy đầu tư nước ngoài đều đặn mà quốc gia này thu hút được nhờ nguồn nhân lực dường như không bao giờ cạn kiệt và số lượng người tiêu dùng ngày càng tăng. Các nhà kinh tế chỉ ra rằng, chỉ cần 8% người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu, thì con số này cũng đã lên tới 100 triệu người, tương đương với tổng số người thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ. Năm 2003, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào Trung Quốc 60 tỷ USD và hơn 30 tỷ USD vào Hong Kong. Đó cũng là năm thứ 2 liên tiếp mà Trung Quốc thay thế Mỹ giữ vị trí quốc gia được đầu tư nhiều nhất.

Có thể thấy rõ tác động của sự đầu tư đó thông qua mức giá trị giao dịch thấp hơn giá trị thực của đồng nội tệ Trung Quốc. Theo ước tính của các nhà kinh tế, một nhân dân tệ ở Trung Quốc có sức mua bằng 4,60 USD ở Mỹ. Tính từ khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế vào năm 1978, lượng đầu tư nước ngoài vào đây đã lên tới nửa nghìn tỷ USD. Nhờ vậy mà Trung Quốc đã có điều kiện phát triển nền công nghiệp của mình lên tới mức kỷ lục trong lịch sử thế giới.

Tương tự, ở Ấn Độ, tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 20-25% dân số (khoảng 200 tới 250 triệu người), và đang là nguồn cầu chủ yếu ở nước này. Theo ước tính, lượng chi tiêu của tầng lớp trung lưu Ấn Độ vào khoảng hơn 300 triệu USD. Lối sống của người dân ở đây cũng đang có nhiều thay đổi, tầng lớp siêu giàu dự đoán sẽ tăng từ 17 triệu người hiện nay lên 35 triệu người trong vòng 5 năm tới. Hơn 40 triệu người Ấn Độ hiện đã có sức mua bằng với người Mỹ. Trong 10 năm trở lại đây, mức tiêu dùng của người Ấn Độ tăng khoảng 6% một năm. Hơn nữa, có tới 75% dân số Ấn Độ ở độ tuổi dưới 40.

Ấn Độ đang quảng bá hình ảnh của mình: một nước dân chủ, có nền kinh tế tự do, phát triển nhanh nhất thế giới. Các nhà đầu tư nước ngoài dường như cũng đồng ý với Ấn Độ về điểm này và họ đang lo ngại về sự nổi lên mạnh mẽ của hai con rồng châu Á.

Theo Việt Linh
Vnexpress

MỚI - NÓNG