Hai năm sau khi gia nhập WTO: Lộ diện nhiều thách thức!

Hai năm sau khi gia nhập WTO: Lộ diện nhiều thách thức!
TP - “Thị trường mở rộng khiến nhiều ngành hàng và dịch vụ đối mặt với cạnh tranh” - Nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Hai năm Việt Nam gia nhập WTO- đánh giá tác động hội nhập kinh tế”, diễn ra ngày 2/1 tại Hà Nội.
Hai năm sau khi gia nhập WTO: Lộ diện nhiều thách thức! ảnh 1

Gia nhập WTO hàng dệt may Việt Nam có mặt tại nhiều nước. Ảnh: Phong Cầm

“Quy mô doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực tài chính yếu kém, mặc dù nhiều ngành hàng có thứ hạng cao trong xuất khẩu nhưng do chưa tham gia các khâu có giá trị gia tăng cao nên thu lợi thấp”, TS Đinh Văn Ân - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, phân tích.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương - Lê Danh Vĩnh, với 11 cuộc hội thảo của các ngành hàng về tác động sau hai năm gia nhập WTO (năng lượng, thủy sản, dệt may, bất động sản, ngân hàng, chế biến đồ gỗ, sản xuất cơ khí, luyện kim), tổng hợp chung cho thấy nhiều điểm yếu đang lộ diện tại các lĩnh vực như quy mô doanh nghiệp còn yếu, kiện chống bán phá giá tăng do nhiều điều kiện khắt khe của một số nước.

Thuế giảm mạnh cũng khiến nhiều mặt hàng lắp ráp trong nước có tỷ lệ nội địa hoá khó cạnh tranh. Nhiều ngành trong kết cấu hạ tầng như điện, giao thông chưa theo kịp tăng trưởng kinh tế...

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người rất am hiểu về WTO nhấn mạnh, thời gian qua, chúng ta chưa quan tâm đánh giá đúng mức sự biến động của môi trường quốc tế; điều hành kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường mở cửa phải thay đổi hoàn toàn; cần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cũng như thị trường…

Năm nhóm giải pháp được Bộ Công thương đưa ra cho thấy, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng thị trường, chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu cao, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nâng cao vai trò của các hiệp hội cũng như xây dựng chuẩn mực văn hoá kinh doanh trong cộng đồng....

“Vì nước ta hiện nay là một nền kinh tế thị trường và hội nhập hoàn toàn, phải hiểu vận động của thị trường trong nước và thế giới một cách nhanh nhạy, ứng xử từng giờ, từng ngày... Không chỉ vận dụng quy luật thị trường ở phạm vi quốc gia, mà cần vận dụng quy luật thị trường trong phạm vi toàn cầu"- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

MỚI - NÓNG