Hai năm vào WTO: Lo nhặt nhạnh cơ hội lẻ

Hai năm vào WTO: Lo nhặt nhạnh cơ hội lẻ
TP - “Như con gà, chúng ta chỉ lo nhặt nhạnh những cơ hội lẻ xung quanh mà không nhìn thấy thời cơ lớn phía trước”- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đinh Thiên nhận xét tại diễn đàn đánh giá tác động sau hai năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hai năm vào WTO: Lo nhặt nhạnh cơ hội lẻ ảnh 1

Thời cơ có thể trở thành tai họa

“Mặc dù cơ hội (đầu tư toàn xã hội) là một thực tế, nhưng khả năng tận dụng cơ hội còn rất hạn chế”- nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói.

Thứ nhất, vốn đầu tư toàn xã hội đạt ở mức thấp, năm cao nhất- năm 2007, VN vừa gia nhập WTO- cũng chỉ đạt 38 phần trăm và giảm còn 17 phần trăm so với vốn đăng ký.

Nguyên nhân do khả năng tiếp nhận của chúng ta kém, cụ thể là công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính còn phiền hà, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập.

Thứ hai, cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không hợp lý. Đầu tư FDI vào công nghiệp chế tạo và chế biến giảm liên tục từ 2005 - 2008; trong khi đầu tư vào khai thác tài nguyên và bất động sản tăng  mạnh.

“Cơ cấu đầu tư như vậy không đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hơn nữa hiệu quả đầu tư rất thấp...”- Ông Tuyển đánh giá.

Về xuất khẩu, mặc dầu thị trường xuất khẩu được mở rộng và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng nhập khẩu (nguyên vật liệu sản xuất xuất khẩu) tăng làm tỷ lệ nhập siêu cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân thanh toán và ổn định vĩ mô.  Trong khi đó, cũng theo ông Tuyển, khả năng phản ứng chính sách trước những biến động, nhất là tình hình lạm phát còn yếu kém.  

Ông Trần Đình Thiên lo ngại về tình hình bội thực vốn đầu tư FDI. “Chúng ta đang nỗ lực thu hút nguồn lực của thế giới. Khi thời cơ bùng nổ, nếu chúng ta không hấp thụ được thì thời cơ sẽ trở thành tai họa”- Ông cảnh báo.          

Thay đổi mô hình phát triển

Theo ông Tuyển, yêu cầu cấp bách là phải thay đổi mô hình phát triển. Toàn cầu hóa làm cho những khái niệm “công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu” hay “công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu” không còn ý nghĩa. Muốn cạnh tranh được trên thị trường quốc tế trước hết phải cạnh tranh được ở thị trường trong nước.

Vì vậy, phải tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trên cơ sở lợi thế so sánh dài hạn, bảo đảm quy mô kinh tế theo tầm nhìn liên vùng để có thể tham gia vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao, lợi nhuận lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Tuyển cũng cho rằng phải lấy kinh tế dân doanh làm động lực phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước.

Đồng tình với quan điểm này, Viện trưởng Thiên đề nghị phải từ bỏ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên, nhân công rẻ  (kỹ năng, năng suất thấp); chỉ dựa vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các tập đoàn lớn; nghiêng về thay thế nhập khẩu; đổi mới cơ chế chi tiêu và đầu tư công; đồng thời phải có những đột phá chiến lược, như cải cách thể chế, giải tỏa các nút thắt hạ tầng; tăng hiệu quả hoạt động các tập đoàn-DNNN, phát triển nguồn nhân lực, phát triển đồng bộ thị trường đất đai, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ…

"Để đứng vững trước hội nhập, thứ nhất, các DN phải tự biết lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết WTO để xác định khả năng cạnh tranh của mình. Thứ hai, chúng ta đang đẩy mạnh việc phát triển thị trường nội địa và chính sách kích cầu. Đây là cơ hội để các DN lâu nay chỉ hướng vào thị trường xuất khẩu phải thay đổi chiến lược và mọi DN phải xác định thị trường nội địa hay xuất khẩu đều giống nhau"- TS.Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.

MỚI - NÓNG