Hải quan Đồng Đăng cùng doanh nghiệp: Đi ngược kích cầu?

Hải quan Đồng Đăng cùng doanh nghiệp: Đi ngược kích cầu?
TP-  Trong khi Chính phủ phải dùng tiền kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhân dân vượt qua suy giảm kinh tế, có DN trước sự hỗ trợ vô tình hoặc hữu ý của hải quan, lách thuế cả chục tỷ đồng rồi kêu không có tiền nộp.

Cty Thép Thành Long (tỉnh Hưng Yên) kinh doanh đa ngành, trong đó có kinh doanh thép. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu từ tháng 12/2008, những lô thép mà Cty nhập từ Trung Quốc về qua Hải quan Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng được áp đúng mức thuế mà Bộ Tài chính quy định.

Ngày 28/2/2009, Hải quan Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng gửi quyết định ấn định thuế từ tháng 2/2008 đến tháng 2/2009 với mức thuế nhập khẩu ấn định cho Cty này là hơn 6,5 tỷ đồng. Ngày 14/3/2009, Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Đồng Đăng gửi tiếp quyết định truy thu thuế đến Cty Thép Thành Long để truy thu thêm 5,56 tỷ đồng.

Cty Thành Long, trong công văn gửi Chính phủ và các bộ, ngành kêu rằng, Bộ Tài chính không công khai, thiếu minh bạch trong công bố thông tin liên quan danh mục thuế nhập khẩu khi thay đổi.

Cty đề nghị bộ xem lại hiệu lực thi hành quyết định thay đổi biểu thuế và thời điểm áp mức thuế năm phần trăm với hơn 28 nghìn tấn thép mà Cty đã nhập (mã hàng 7227900010), để không phải nộp 12 tỷ đồng thuế. Cty cũng nại không có tiền nộp mức thuế nói trên; nếu phải nộp hoạt động của Cty sẽ bị đình trệ, khó chấp hành chính sách thuế…

Vì sao có việc truy thu, ấn định thuế với Cty Thành Long? Trong danh mục sửa đổi biểu thuế xuất nhập khẩu và danh mục sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (Bộ Tài chính ban hành ngày 26/12/2008), loại thép mà Cty Thành Long nhập về phải áp mức thuế năm phần trăm chứ không phải ưu đãi 0 phần trăm như Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Đồng Đăng áp theo các quyết định trước đó của Bộ Tài chính.

Như vậy, việc áp thuế và kê khai thuế mở tờ khai nhập khẩu tại Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Đồng Đăng với hơn 28 nghìn tấn Cty Thành Long nhập có những biểu hiện không bình thường.

Vì sao hải quan ở Lạng Sơn lại chậm áp dụng biểu thuế và thuế suất với loại thép Cty Thành Long nhập theo đúng quyết định của Bộ Tài chính? Việc gửi giấy ấn định thuế và quyết định truy thu thuế muộn của Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Đồng Đăng có đơn thuần do nhận quyết định thay đổi biểu thuế và mức thuế suất muộn?

Theo các chuyên gia về thuế, ngay cả khi Cty Thành Long được áp mức thuế thấp do hải quan nhầm lẫn về thủ tục, hay cố ý không thành, Cty này vẫn phải nộp thuế cho nhà nước. 

Hội cũng phải kêu

Cuối tháng Ba, Hiệp hội Thép Việt Nam có văn bản gửi Chính phủ và các bộ liên quan (văn bản do ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép ký) kiến nghị về tình trạng DN lợi dụng các quy định về biểu thuế nhập khẩu thép tránh thuế. Hiệp hội thép lâu nay được xem là bảo vệ quyền lợi của DN, nhiều lúc cố hữu.

Thế mà lần này, hiệp hội đã lên án DN gian lận. Ông Cường nhấn mạnh trong công văn: Thép cuộn (phi 6 và phi 8) nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc có thêm chất Bo (vi lượng làm cứng thép) không có tác dụng thay đổi cơ lý tính của thép (có mẫu phân tích) và chỉ được bán làm thép xây dựng thông thường. Dẫu thế, khi DN kê khai hải quan, lại được coi là thép hợp kim, hưởng thuế nhập 0 phần trăm, trong khi thép cuộn tương tự áp thuế 12 phần trăm. Thực trạng này khiến việc tiêu thụ thép cuộn trong nước bị chậm.

Ngoài Cty Thành Long, chưa biết có thêm DN nào khác nữa nhập khẩu thép có hàm lượng Bo được hưởng thuế ưu đãi không đúng quy định.

Nhà nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan đã tận dụng sự không rõ ràng giữa quy định mã số hàng hóa để gian lận. Đây là lý do khiến tháng 2/2009, lượng thép cuộn nhập khẩu tăng vọt (khoảng 47.000 tấn), tăng gấp 10 lần so với lượng thép nhập tháng 1/2009.
MỚI - NÓNG