Hám lời, thiếu thông tin và tự phát

Xe chở nông sản xuất qua biên giới. Ảnh: Thu Huyền
Xe chở nông sản xuất qua biên giới. Ảnh: Thu Huyền
TP - Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) một ngày giữa tháng 5. Không còn cảnh xe nối dài 3-4 km như những ngày cao điểm tháng 3 khi dưa hấu đang vào chính vụ nhưng số xe chờ làm thủ tục thông quan vẫn tấp nập dù trời đã về chiều.

Vì sao vẫn mãi cảnh ùn ứ, chờ đợi xuất hàng sang Trung Quốc ở cửa khẩu này?

Xe chở nông sản xuất qua biên giới. Ảnh: Thu Huyền
Xe chở nông sản xuất qua biên giới. Ảnh: Thu Huyền.

Hết dưa đến vải

“Do nắng nóng nên khi xe sang bên kia biên giới hoa quả không còn tươi nữa. Mấy hôm nay dù thời tiết đã dịu đi nhiều nhưng vẫn không ít xe phải quay về vì hàng không đảm bảo chất lượng” - Ông Vy Mạnh Hồng, Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho hay.

Theo ông Hồng, trong những ngày qua khi lượng xe tải đổ về quá đông, bãi chứa 18.000m2 tại cửa khẩu ken chặt mà không đủ chỗ, mặc dù Hải quan Tân Thanh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng phân luồng, đồng thời làm thủ tục thông quan cả giờ nghỉ nhưng ùn tắc vẫn không thể giải quyết triệt để, hầu hết xe phải chờ 1-2 ngày mới thông quan được.

Đáng nói là trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh chủ yếu là trái cây tươi (chôm chôm, chuối, thanh long, ớt tươi) chưa qua chế biến, không sử dụng chất bảo quản nên sau một hành trình dài hàng ngàn cây số, lại thêm việc phải xếp hàng chờ nên chất lượng dễ bị ảnh hưởng.

“Riêng dưa hấu, nhiều xe bốc mùi khiến chủ hàng phải đổ cả xe, vừa mất tiền thu mua, lại mất tiền chuyên chở từ trong Nam ra Bắc. Vì vậy, với những hàng không thể xuất sang Trung Quốc vì lý do chất lượng, chủ hàng mở lại tờ khai, nhập lại hàng về Việt Nam với hy vọng vớt vát chút vốn. Hải quan cửa khẩu cũng rất thông cảm, tạo điều kiện cho hàng nhanh tái xuất về. Chúng tôi thật sự lo lắng tình trạng này sẽ tái diễn khi mùa vụ vải đang chín trong tháng 6 tới”- Ông Hồng nói.

Anh Nguyễn Hồng Minh, chuyên viên nghiệp vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Bãi đỗ xe chỉ chứa được 110 xe, nhưng vào mùa, có tới khoảng 500 xe xếp hàng nên quá tải. Có những ngày cao điểm, dù lực lượng Hải quan làm việc hết công suất nhưng tình hình vẫn không cải thiện.

Dưa hấu bị chê không xuất được bán tại chợ Tân Thanh (ảnh nhỏ);. Ảnh: Thu Huyền
Dưa hấu bị chê không xuất được bán tại chợ Tân Thanh;.
Ảnh: Thu Huyền.

Tù mù

Trò chuyện trong bãi xe chờ với phóng viên, thương lái Nguyễn Văn Hiền (quê Bắc Giang) chia sẻ: “Thường thì giá mua dưa hấu ở vườn khoảng 3.000 đồng/kg, cước vận chuyển khoảng 1.000 đồng, tức vào khoảng 4.000 đồng/kg. Nếu được giá, bán bên kia biên giới 7.000 đồng/kg.

Chính vì khoản lợi nhuận hấp dẫn này mà nhiều chủ hàng cứ nhắm mắt đánh hàng sang, dù không hề có hợp đồng mua bán nào.Trong khi sang được bên kia, gần như xe nào cũng có phần bị loại, ít thì 10%, nhiều thì hơn nửa xe, không ít trường hợp nguyên cả xe.

Không ít xe tải 30 tấn chi phí tổng cộng trên trăm triệu chỉ còn vớt vát được phân nửa. “Cứ tình hình này mỗi vụ, chỉ tính riêng dưa hấu cánh buôn thiệt hàng tỷ đồng. Đó là chưa kể các mặt hàng khác như chuối xanh, thanh long nhiều khi cũng chịu cảnh tương tự”- Một thương lái kế bên than.

"Theo kiến nghị của Hải quan Lạng Sơn, Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lạng Sơn, cần hoạch định chính sách lâu dài với phía Trung Quốc đối với mặt hàng hoa quả, nông sản xuất khẩu. Cần thông báo kịp thời cho doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nắm được chính sách giữa hai bên khi có sự thay đổi.

Ngoài việc nên có một hiệp hội để giải quyết thủ tục xuất khẩu theo hợp đồng ngoại thương, kinh doanh theo thông lệ quốc tế thì đã đến lúc xây dựng bộ phận cảnh báo, đồng thời phối hợp để thường xuyên trao đổi thông tin với phía bạn nhằm tháo gỡ những ách tắc cục bộ hoặc ách tắc kéo dài tại cửa khẩu.  

Tại nơi làm thủ tục kê khai, anh Lê Sỹ Hân, Công ty TNHH Thành Phương (số 112 đường Hùng Vương, TP Lạng Sơn) xác nhận: “Bên kia biên giới, các chủ hàng Trung Quốc liên kết chặt luôn thống nhất một mức giá và chất lượng hàng hóa. Nếu một chủ hàng chối từ thì doanh nghiệp Việt Nam khó lòng tìm được mối bán khác mà không bị ép giá”.

Theo anh Hân, sở dĩ công ty của anh có thể đi số hàng lớn (ngày cao điểm, khoảng 150 xe tải trọng từ 15-25 tấn) là vì đã hợp đồng chặt chẽ với các chủ hàng bên Trung Quốc để mua hàng, nên việc trả lại hàng nếu có là do kém chất lượng, chứ không như nhiều chủ hàng khác, thấy lợi nhuận cao xuất hàng tù mù.

Theo Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng, từ đầu năm tới nay, tại các cửa khẩu biên giới ở Lạng Sơn, lượng hàng hóa là hoa quả, nông sản xuất sang Trung Quốc có xu hướng tăng. Với thuế suất 0% cũng như nhu cầu tiêu thụ lớn của phía bên kia, ngày càng đông chủ hàng Việt Nam chọn hướng kinh doanh này.

Liên quan tình trạng ùn tắc, Hải quan Lạng Sơn chỉ rõ nguyên nhân: Do thương nhân kinh doanh mang tính tự phát, không có tính ổn định dẫn đến tình trạng khi được giá bán thì đồng loạt đưa hàng cùng một lúc đến cửa khẩu, khi bị ép giá hàng bán chậm và lưu lại bãi tập kết tại cửa khẩu.

“Vấn đề ở chỗ là các chủ hàng không có đầy đủ thông tin. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ để hợp đồng với các thương nhân bên Trung Quốc sao cho cung- cầu tương ứng. Nếu không có những giải pháp triệt để thì dù Hải quan và các lực lượng như Công an, Biên phòng có căng hết sức thì câu chuyện ùn tắc khi thông quan vẫn tiếp diễn”- Ông Trưởng nhấn mạnh.

 “Mặt hàng rau quả nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn liên tục tăng về số lượng và kim ngạch. Nếu năm 2008 khoảng 200 xe/ngày thì những tháng đầu năm 2010 lên tới 300 – 400 xe/ngày. Tuy nhiên, do thương nhân Việt chủ yếu xuất hoa quả theo loại hình biên giới (có hàng mang sang bán) chứ không theo thông lệ quốc tế, có các hợp đồng ngoại thương; hơn nữa, nông sản xuất khẩu không qua bảo quản, chế biến, nên nhiều xe hàng sang rồi không bán được bị ép giá lại ngậm ngùi quay lại” - Trong một báo cáo mới đây gửi Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu rau quả, Cục Hải quan Lạng Sơn nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
TPO - “Con đường văn sĩ” chuyển tải hàng trăm trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn 1938 đến 1945. Mộng văn chương, quá trình thai nghén tác phẩm và thêm cả những chuyện đời thường cũng được Nguyễn Huy Tưởng nêu trong nhật ký. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - tiết lộ từ bé đã đọc nhật ký của cha, trong đó có cả những chuyện riêng tư của cha mẹ.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.