Hàng bình ổn Tết: Nơi ế ẩm, chỗ hút khách

Hàng bình ổn Tết: Nơi ế ẩm, chỗ hút khách
TP - Trong khi tại Đà Nẵng, chương trình bán hàng bình ổn được giám sát chặt chẽ nên khá hấp dẫn người mua, còn tại TP Hồ Chí Minh hàng bình ổn vẫn nhiều bất ổn...

> TP Hồ Chí Minh: Xếp hàng sắm Tết
> Hàng tết: Chợ cóc tăng, siêu thị giữ giá

Điểm bán thịt heo bình ổn giá tại chợ Cồn giảm hơn 30% so với giá thị trường. Ảnh: Nguyễn Huy
Điểm bán thịt heo bình ổn giá tại chợ Cồn giảm hơn 30% so với giá thị trường. Ảnh: Nguyễn Huy.

Đà Nẵng: Hàng bình ổn hút khách

Sáng 17-1, mặt hàng thịt heo bình ổn giá đã được Cty Thương mại Đắc Vinh triển khai tại 12 điểm chợ và 2 xe lưu động đến các KCN, vùng sâu Đà Nẵng. Ngay từ sớm, điểm bán thịt bình ổn khu vực chợ Cồn (Hải Châu, TP. Đà Nẵng) thu hút hàng trăm người dân. Theo bảng giá công ty niêm yết: thịt lợn mông 90.000 đồng/kg, thịt vai 80.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 90.000 đồng/kg…

Khảo sát cùng thời điểm này tại các quầy thịt lợn chợ Cồn, giá 1 kg thịt các loại được tiểu thương niêm yết, chênh lệch 40.000 đồng. Cụ thể, tại quầy thịt heo bò Thanh Tâm, 1 kg thịt mông có giá 130.000 đồng, thịt vai 120.000 đồng (cao hơn 30% giá bình ổn).

Theo chị Nguyễn Thị Cúc, cán bộ Phòng quản lý thương mại (Sở Công thương), giám sát điểm bán hàng bình ổn giá chợ Cồn: mức bình ổn thành phố đưa ra với mặt hàng thịt heo giảm 10 – 15% so với giá thị trường, nhưng thực tế thịt heo bình ổn giảm ở mức 25 – 30% do giá cả thị trường biến động mạnh. Để đảm bảo mức bình ổn trên, từ nhiều tháng trước Tết, TP Đà Nẵng chi 3,5 tỷ đồng hỗ trợ Cty Đắc Vinh mua hàng dự trữ, không tính lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, tại các điểm bán hàng bình ổn đều được miễn phí thuê mặt bằng.

Ngay ngày đầu tổ chức điểm bán bình ổn giá chợ Cồn tiêu thụ gần 2 tạ thịt heo. Chị Cúc cho hay: 30 tấn thịt heo bình ổn sẽ được bán tại các điểm trước Tết Nguyên đán 2012. Những ngày 27 – 29 âm lịch nhu cầu tăng mạnh, trung bình 6 – 7 tạ thịt bình ổn/ ngày/điểm.

Khảo sát tại các chợ, siêu thị lớn trên địa bàn, so với Tết năm ngoái, năm nay mặt hàng bình ổn tăng về số lượng, phong phú, đa dạng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh mặt hàng thịt heo, gạo bình ổn giá đang được triển khai bán thấp hơn giá thị trường từ 10 - 15%. Để chương trình bình ổn hiệu quả, năm nay tại các điểm bán đều có cán bộ Sở Công thương, QLTT giám sát triển khai.

Theo ông Lê Viết Tươi - Phó giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng: Năm nay, thành phố tạo điều kiện về kinh phí để các doanh nghiệp có thể yên tâm đưa hàng về địa bàn nông thôn, miền núi. Tính đến thời điểm này, đã có 10 doanh nghiệp, đơn vị và 8 chợ lớn (cùng 5.300 hộ tiểu thương) đăng ký dự trữ các mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị khoảng 475 tỷ đồng, tăng cao so với Tết Nguyên đán 2011.

>

Hàng bình ổn Tết: Nơi ế ẩm, chỗ hút khách ảnh 2

TP Hồ Chí Minh: Bình ổn vẫn bất ổn

Tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyên biệt của các doanh nghiệp, các mặt hàng bình ổn được bán đúng giá đã được thành phố phê duyệt, thấp hơn 10% so với giá thị trường. Tuy nhiên, chị Phương Thảo (nhà ở khu phố 4, P.Tân Thuận Tây, Q.7) cho biết, do không được giám sát chặt chẽ nên một số nơi bán hàng bình ổn ít được chú ý. Như một cửa hàng tiện lợi của một công ty thực phẩm nằm trên đường Trần Xuân Soạn, thấy treo bảng “Điểm bán hàng bình ổn” nhưng chỉ có lèo tèo vài ba mặt hàng, trong đó chủ yếu là gạo chất đống dưới nền nhà.

Còn tại một số chợ truyền thống, có điểm bán bình ổn nhưng cũng lèo tèo, giá cả còn cao hơn các sản phẩm cùng loại của hãng khác hoặc các cửa hàng không thuộc diện bình ổn. Chiều ngày 17-1, đại diện cửa hàng H.T, một đại lý phân phối của Ba Huân tại chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận) cho PV Tiền Phong biết giá trứng gà là 21.500 đồng/vỉ 10 quả và trứng vịt loại 1 có giá 31.000 đồng/vỉ 10 quả.

Trong khi, giá chốt hàng bình ổn trong dịp Tết Nhâm Thìn của thành phố là trứng gà, trứng vịt loại 1 tới tay người tiêu dùng lần lượt là 22.500 và 27.500 đồng/vỉ 10 quả.

Siêu thị bán 24/24 giờ vẫn quá tải

Tại hệ thống siêu thị Big C Hà Nội, từ hai tuần nay luôn quá tải khách từ sáng cho tới thông đêm. Theo thông tin từ phía Big C, siêu thị mở cửa bán hàng 24/24 giờ đến tối 27 Tết để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng. Siêu thị phải tăng thêm quầy thanh toán và bán hàng qua điện thoại, email để giảm tải.

Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên ngày 17-1, tại nhiều đại lý bánh kẹo trong nội đô Hà Nội giá các mặt hàng tăng từ 10 - 30% so với tuần trước. Cụ thể: bia Heniken: 370.000đồng/thùng (tăng 5.000 đồng/thùng), Cocacola: 175.000 đồng/thùng (tăng 10.000 đồng/thùng) hạt dẻ cười: 210.000 đồng/cân (tăng 32.000 đồng/cân), hạt bí: 200.000 đồng/cân (tăng 30.000 đồng/cân)...

Tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình), cam canh giá 70.000 đồng/cân (tăng 15.000 đồng/cân), táo Úc: 250.000 đồng/cân 5 quả (tăng 20.000 đồng/cân)...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.