Vụ Doanh nghiệp 'mắc cạn' vì quy định vênh nhau:

Hàng chục nghìn tấn quặng trong 35 tàu bị tạm giữ không được xuất khẩu

Số quặng của Cty Bảo Nguyên và phương tiện bị tạm giữ hơn 1 năm qua
Số quặng của Cty Bảo Nguyên và phương tiện bị tạm giữ hơn 1 năm qua
TPO - Theo nguồn tin của Tiền Phong, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã có kết luận giám định khẳng định lô quặng trong 35 tàu của Cty CP vận tải và thương mại Bảo Nguyên bị tạm giữ hơn 1 năm qua là quặng thô, không được xuất khẩu.

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản khẳng định quặng thô

Ngày 2/12, theo nguồn tin của Tiền Phong, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã có kết luận giám định liên quan tới lô hàng quặng bauxit trên 35 tàu của Cty CP vận tải và thương mại Bảo Nguyên  (viết tắt là Cty Bảo Nguyên, trụ sở tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) bị tạm giữ ở cảng Cẩm Phả, Quảng Ninh từ cuối tháng 10/2019 tới nay.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, ngày 15/9/2020, cục có buổi làm việc với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản về kết quả giám định các mẫu quặng bauxit nêu trên.

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết đã phối hợp với Trung tâm phân tích, thí nghiệm Địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (có số Vilas: 032) phân tích mẫu theo 3 phương pháp: phân tích khoáng vật; rơnghen và phân tích hóa.

Theo kết luận, kết quả phân tích dưới kính hiển vi điện tử cho thấy kiến trúc, cấu tạo của quặng vẫn được bảo tồn và các khoáng vật thường bị thấm nhuộm sét và keo hydroxit sắt dày đặc bề mặt.

Các kết quả phân tích khoáng vật, mẫu rơnghen cho thấy tất cả các mẫu mang đến ngoài chứa khoáng vật đặc trưng của bauxit như diaspor, gipxit còn chứa khá nhiều khoáng vật khác đi kèm với hàm lượng khá cao đặc biệt là nhóm khoáng vật sét, thạch anh, feldspat.

Kết quả phân tích hóa cho thấy hàm lượng Al2O3 trung bình 48,7%. Hàm lượng này thấp hơn hoặc tương đương hàm lượng trung bình của quặng bauxit nguyên khai của khu vực miền Bắc Việt Nam, là loại bauxit trầm tích (bauxit diaspor) tuổi Permi muộn mà trên thế giới hàm lượng này thường đạt 50-61%.

“Điều này phù hợp với hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư thể hiện chất lượng quặng bauxit thô (nguyên khai) tại mỏ Léo Cao của Công ty Bảo Nguyên khi chưa qua chế biến đã có hàm lượng AL2O3 là 48,61-52,59%”, báo cáo của Cục Điều tra chống buôn lậu.

Mặt khác, theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, bằng mắt thường cho thấy các mẫu mang đến còn nguyên rễ cây và có dạng dăm, cục với kích thước lộn xộn rất khác nhau từ hạt nhỏ như sét, bột, cát sạn đến dăm, cuội, tảng, với các tảng đạt trên 20cm lẫn nhiều đất, sét; trên bề mặt các tảng, dăm có tập hợp khoáng vật sét bao phủ.

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản khẳng định có đầy đủ cơ sở kết luận rằng đây là quặng bauxit thô và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

Đề nghị khởi tố, điều tra

Trước đó, phản ánh tới báo chí, Cty Bảo Nguyên cho hay, năm 2009, công ty này được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ Léo Cao (Lạng Sơn). Năm 2014, Bộ Công thương cho phép Cty Bảo Nguyên được phép xuất khẩu tinh quặng bauxite hàm lượng nhôm ôxít lớn hơn hoặc bằng 49%. Từ năm 2015, Cty Bảo Nguyên đã nhiều lần xuất khẩu quặng bauxit qua cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Ngày 17/10/2019, Cty Bảo Nguyên mở tờ khai hải quan làm thủ tục xuất khẩu lô hàng 42.000 tấn tinh quặng bauxite, vận chuyển trên 35 tàu thủy đến khu vực Hòn Nét (thuộc Cảng Cẩm Phả, Quảng Ninh). Trước khi xuất khẩu, Cty Bảo Nguyên gửi mẫu của lô hàng đến Vinacontrol (là đơn vị có phòng thí nghiệm đạt chuẩn Vilas - Hệ thống công nhận phòng thí nghiệm Việt Nam do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp) để phân tích.

Ngày 18/10/2019, Vinacontrol trả kết quả thể hiện hàng đủ điều kiện xuất khẩu (tỷ lệ nhôm ô xít lớn hơn hoặc bằng 50%, vượt hàm lượng ghi trên giấy phép xuất khẩu do Bộ Công Thương cấp cho Cty Bảo Nguyên).

Ngày 22/10/2019, khi Cty làm các thủ tục xuất khẩu lô hàng thì bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Cục ĐTCBL), Tổng cục Hải quan tạm giữ.

Ngày 26/12/2019, Cục ĐTCBL mời đại diện Cty Bảo Nguyên xuống làm việc và thông báo lô hàng trên bị tạm giữ với lý do được xác nhận là “quặng bauxite dạng thô”. Như vậy, lô hàng bị tạm giữ cho tới nay đã hơn 1 năm.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, phiếu kết quả thử nghiệm của Vinacontrol do Cty Bảo Nguyên tự lấy mẫu gửi giám định, không có cơ quan Hải quan chứng kiến việc lấy mẫu, vi phạm quy định khoản 1 Điều 5 Thông tư số 41/2012/TT-BCT (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 12/2016/TT-BCT) nên không có giá trị làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu trên.

Đáng chú ý, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc tăng cường hiệu lực thi hành chính sách, pháp luật về khoáng sản cũng nêu rõ: “Không xuất khẩu khoáng sản thô”.

“Việc Cty Bảo Nguyên viện dẫn một văn bản năm 2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương-PV) trả lời Hải quan phân biệt quặng và tinh quặng theo Thông tư số 02/2006/TT-BC là văn bản đã hết hiệu lực thi hành. Hiện nay, theo Thông tư 41/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 12/2016/TT-BCT), sản phẩm chế biến từ quặng bauxit phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng đối với Hydroxit nhôm - Al(OH)3 thì AL2O3>=64%; Alumin thì AL2O3>=98%”, Cục Điều tra chống buôn lậu nêu rõ và khẳng định việc Hải quan không cho phép thông quan, tạm giữ hàng hóa là đúng quy định của pháp luật.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, hiện toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, đề nghị khởi tố vụ án để điều tra, xử lý theo quy định.  

MỚI - NÓNG