Hàng hiệu giá rẻ lên ngôi

Hàng hiệu giá rẻ lên ngôi
Nếu như trước đây giới trẻ chỉ dám ngắm và lướt qua những cửa hàng sang trọng của Bossini, Giordano, Pierre Cardin, Elle... , thì nay có thể diện cả bộ đồ hiệu với giá không quá 1 triệu đồng.
Hàng hiệu giá rẻ lên ngôi ảnh 1
Khách hàng bỏ ra không quá 1 triệu đồng để mua trọn bộ quần áo, giày mũ. Ảnh: N.C.

Sau trào lưu xài hàng hiệu nhập lậu hay xách tay từ Hong Kong, Thái Lan, một loạt đại gia trong làng thời trang thế giới tràn vào Việt Nam - Bossini, Giordano, Valentino, Elle.

Tuy nhiên, với mức giá cắt cổ - hàng triệu đồng cho một chiếc áo hay đôi giày, những shop này chỉ dành riêng cho giới "quý tộc".

Hàng Trung Quốc nhập lậu dễ mặc, giá rẻ tràn ngập thị trường, nhưng người mua cũng nhanh chóng nhận ra, giá thành tỷ lệ thuận với chất lượng. 

Nắm bắt tâm lý của đại bộ phận người tiêu dùng trẻ tuổi, các nhà sản xuất trong nước đang đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Dọc các con phố mua sắm tại Hà Nội, hàng chục thương hiệu Việt nối nhau san sát.

Có thể kể ra Nino Max, Blue Exchange, Việt Thy, Foci, Hoàng Tấn và thương hiệu mới Made in Vietnam. Không chỉ xuất hiện tại các khu phố mua sắm, những thương hiệu này đã tràn đến Tràng Tiền Plaza, Vincom City Towers, Big C.

Dùng hàng hiệu Việt, khách hàng vẫn đảm bảo có gu riêng - Blue Exchange phá cách, Việt Thy dịu dàng, Nino Max khỏe khoắn nhưng vẫn thanh lịch... Chất liệu thì đa dạng, từ cotton, jeans đến khaki, thun.

Giá thành của hàng hiệu Việt phải chăng, một chiếc áo có thể dao động từ 70.000 đến 300.000 đồng, vì vậy nếu khéo chọn, khách hàng có thể mua trọn bộ quần áo, giày, mũ mà hết không quá 1 triệu đồng.

Xuất hiện sau cùng nhưng "Made in Vietnam" lại dễ dàng thu hút khách bởi nhãn mác và chất lượng Âu Mỹ. Bước vào một cửa hàng Made in Vietnam, khách có thể chọn sản phẩm của một loạt tên tuổi, từ Energie, Tommy đến Levis, Puma với giá 100.000-500.000 đồng. Một lợi thế khác của Made in Vietnam là bán cả quần áo trẻ em với giá chỉ 40.000-120.000 đồng một bộ.

Chạy đua mở rộng hệ thống phân phối

Đa phần những công ty sản xuất hàng hiệu Việt phân phối sản phẩm theo hình thức nhượng quyền. Hùng mạnh nhất là Blue Exchange với 20 cửa hàng tại TP HCM, 7 cửa hàng tại Hà Nội và hệ thống cửa hàng tại 19 tỉnh thành khác trên cả nước. Việt Thy cũng đã kịp hình thành gần 30 đại lý trong đó 5 cửa hàng đặt tại Hà Nội và 10 cửa hàng tại TP HCM.

So với các thương hiệu Việt khác, Made in Vietnam có xuất xứ lạ lẫm hơn cả. Nhân viên cửa hàng Made in Vietnam cho biết, hàng bán tại hệ thống này là của các hãng nước ngoài đặt gia công tại Việt Nam nhưng thừa hoặc bị lỗi, dù rất nhỏ, nên được bán trong nước. 

Tuy nhiên, do chưa đăng ký độc quyền thương hiệu nên tại Hà Nội hiện có đến gần 20 cửa hàng mang biển đỏ đen đặc trưng của Made in Vietnam. Các cửa hàng Made in Vietnam "nhái" cũng lấy nguồn hàng giống như Made in Vietnam "xịn" nhưng nguồn hàng ít hơn và tổ chức hoạt động kém phần quy củ. 

Mua quyền sử dụng các thương hiệu lớn của nước ngoài cũng là cách Việt hoá thương hiệu "xịn". Đi đầu phong trào này là An Phước. Sau khi mua quyền sử dụng thương hiệu của "ông lớn" Pierre Cardin năm 1997, An Phước tung ra thị trường sản phẩm mang 2 nhãn hiệu này.

Thay vì bỏ ra hàng triệu đồng cho một chiếc sơ mi sản xuất tại Pháp, khách hàng có thể mua áo hiệu Pierre Cardin "xịn" sản xuất tại Việt Nam tại 11 cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM với 400.000-800.000 đồng.

John Henry cũng theo bước Pierre Cardin, nhượng lại quyền sản xuất theo thiết kế và chất liệu của mình này cho một công ty tại TP HCM. Tại Hà Nội hiện đã có 4 shop hàng hiệu của John Henry với mức giá dễ chịu.

Khâu thiết kế vẫn vướng

Các công ty hàng hiệu Việt đều xác định đối tượng khách hàng chủ yếu là những người có thu nhập và thị hiếu tiêu dùng trung bình. Theo nhân viên thu ngân của Blue Exchange, lãi không thể cao bằng các shop hàng hiệu nước ngoài, nhưng bù lại, số lượng bán ra lớn khiến doanh thu vẫn ổn.

Ông Nguyễn Hải Khôi, Phó Giám đốc Công ty Việt Thy, cũng cho biết, với doanh số hàng năm 30.000-50.000 sản phẩm, doanh thu của công ty này cũng rất khả quan. 

Được nhiều khách hàng ưa chuộng, nhưng hàng hiệu Việt vẫn bị than là "nghèo" thiết kế. Một khách hàng cho biết, gọi là hàng hiệu nhưng khi ra đường vẫn có thể bắt gặp nhiều người mặc cùng mẫu mã như mình.

Theo nhà thiết kế Đỗ Thị Châu Giang, mẫu mã của các thương hiệu Việt đang dần có tính chuyên nghiệp nhưng mới phù hợp với khách hàng có gu thẩm mỹ trung bình. "Khâu thiết kế sẽ quyết định vị trí thương hiệu lớn hay nhỏ", nhà thiết kế này cho biết.

Việt Thy đang có kế hoạch mở rộng sản xuất để xuất khẩu sang Đức và Australia. Thiếu vốn, công ty này tính đến hợp tác với nước ngoài nhưng vẫn lo sợ sẽ bị đối tác với nguồn vốn hùng hậu hơn "nuốt chửng". "Ý tưởng kinh doanh hạn chế, vốn mỏng, lại chịu nhiều cạnh tranh, doanh nghiệp may mặc nhỏ như chúng tôi phải tính toán kỹ, chắc thắng 80% mới dám làm", ông Khôi cho biết. 

Theo Ngọc Châu
Vnexpress

MỚI - NÓNG