Hàng hóa tăng giá theo xăng

Hàng hóa tăng giá theo xăng
Việc điều chỉnh giá xăng ngày 30/8 đã tạo nên sức ép lớn, buộc nhiều ngành hàng phải điều chỉnh giá bán với mức tăng tương ứng.

Vận tải là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu nhưng với 2 lần tăng giá xăng trước, ngành này đã thực hiện chủ trương giảm lãi, ổn định giá. Tuy nhiên, với lần tăng giá xăng này, sức chịu đựng đã quá ngưỡng. Hiện nhiều hãng taxi đã thống nhất điều chỉnh giá cước với mức tăng thêm là 500 đồng/km.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: “Ngay từ khi xăng dầu tăng giá vào trung tuần tháng 8 vừa qua tôi đã khẳng định: khi nào giá xăng tăng vượt ngưỡng 15.000 đồng/lít, ngành vận tải sẽ tính chuyện tăng giá. Việc điều chỉnh tăng giá cước là chuyện "cực chẳng đã" bởi lẽ gây rất nhiều tốn kém cho DN. Chưa kể, nếu giá xăng tăng chưa kịp ổn định lại hạ, DN trót tăng cũng sẽ lại gặp khó khăn trong việc hạ giá; mà không hạ, hành khách sẽ quay lưng với DN”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho biết: “Trong tình thế giá xăng dầu liên tục biến động theo chiều hướng tăng thì buộc giá cước cũng không thể đứng yên được. Vì chi phí xăng, dầu chiếm tới 40- 45% tổng chi phí ngành vận tải”.

Tuy nhiên, việc tăng giá cước vận tải, cước taxi cũng phải tuân theo một số thủ tục, như phải in lại vé theo giá mới, điều chỉnh lại đồng hồ tính tiền nên việc tăng giá đồng loạt được diễn ra vào ngày 8/9 này.

Sức ép lên hàng tiêu dùng

Các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu nhận được một số đơn đề nghị tăng giá của các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị đầu mối. Tuy nhiên theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, GĐ đối ngoại BigC Việt Nam cho biết: “Có rất nhiều lý do để các nhà cung cấp đề xuất tăng giá nhưng trong tất cả các trường hợp này, BigC đều thẩm định kỹ lưỡng qua nhiều cấp. Ngay cả trường hợp tăng giá hợp lý nhưng mức tăng quá cao, chúng tôi sẽ điều chỉnh nhưng không gây sốc bằng cách giảm lãi, đặc biệt là với những mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, mắm, trứng gà...".

Đại diện hệ thống siêu thị Fivimart cũng cho rằng: Việc tăng giá là khó tránh khỏi do mức tăng giá xăng dầu đợt này khá cao 1.000 đồng/lít. Những đợt tăng giá xăng trước đó, các doanh nghiệp sản xuất vẫn cố kiềm chế giá nhưng với mức tăng giá xăng lần này dễ xảy ra chuyện nhích giá của nhiều mặt hàng. Chưa kể các doanh nghiệp, siêu thị còn phải chịu sức ép của Tháng khuyến mại do Sở Công Thương phát động vào tháng 11 tới và bắt buộc phải tham gia.

Ngoài thị trường tự do, với lợi thế không phải chịu sức ép quản thúc về giá nên ngay khi xăng dầu tăng giá ngày 30/8 vừa qua, các mặt hàng dân dụng ngoài chợ đã được các tiểu thương tự ý điều chỉnh giá để giảm lỗ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, bán gia cầm ở chợ Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự: “Ngày nào tôi cũng đi từ huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc lên đây 70km, tính hai chiều mất hơn 100km, chỉ tính tiền xăng đi về đã mất gần 60.000 đồng. Không tăng giá thì lỗ vốn. Chưa kể hiện giá ngan, gà tam hoàng tăng từ 70.000 đồng/kg lên 75.000 đồng/kg; gà ta tăng từ 90.000 đồng/kg lên 95.000 đồng/kg”. 

Theo Mai Hạnh
Gia đình Xã hội

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.