Bức tranh kinh tế quý I:

Hàng loạt doanh nghiệp lỗ ngàn tỷ, le lói ngành dược, thực phẩm

Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ hơn 2.300 tỷ đồng trong quý 1/2020
Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ hơn 2.300 tỷ đồng trong quý 1/2020
TP - Đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế gần như “đóng băng”.Nhiều doanh nghiệp lỗ hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong quý 1.Trong bức tranh u ám của nền kinh tế, chỉ le lói một số doanh nghiệp trong ngành hàng thực phẩm hay dược có lãi.

Lỗ hàng nghìn tỷ đồng 

Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rơi vào cảnh thua lỗ trong quý 1/2020.Trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp ở hầu hết ngành nghề từ sản xuất, bất động sản, hàng không, dầu khí…đều rơi vào thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng.  

Là doanh nghiệp nhà nước quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam), trong quý 1/2020, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lỗ sau thuế 2.332 tỷ đồng. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên tồn kho dầu thô và sản phẩm tăng cao, giá dầu Brent trong quý I lao dốc hơn 70% từ 68,34 USD/thùng vào ngày 3/1/2020 xuống còn 17,68 USD/thùng vào ngày 31/3/2020 càng làm cho hàng tồn kho càng tăng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này bị lỗ trong quý 1/2020.

“BSR chịu tổn thất hàng nghìn tỷ đồng. Khách hàng liên tục thông báo giãn, hoãn thời gian nhận hàng, đề nghị chậm thanh thoán; thậm chí khách hàng Skypec đã thông báo không nhận sản phẩm Jet A1 từ 13/3 cho đến hết tháng 4/2020, do các chuyến bay trong nước và quốc tế giảm mạnh. Trong khi đó, BSR phải tiếp nhận sản lượng dầu thô từ mỏ Bạch Hổ tăng so với kế hoạch khoảng 2 triệu thùng trong 5 tháng đầu năm 2020. Thực tế này càng làm cho mức tồn kho của nhà máy tăng cao”, đại diện BSR cho biết.

“Doanh nghiệp Việt Nam có khả năng linh hoạt tốt, nhưng sức chống chịu lại rất yếu.Về mặt tài chính, doanh nghiệp không có dự trữ. Khi xảy ra dịch bệnh, nhiều công ty không còn dòng tiền, không có thu nhập”.
TS Nguyễn Đình Cung, 
nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương


Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cũng lỗ ròng hơn 537 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi hơn 38 tỷ đồng). Tổng lỗ lũy kế đến cuối quý 1 tăng lên gần 1.200 tỷ đồng. 

Trong quý I năm 2020, hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, địa ốc có kết quả kinh doanh, lợi nhuận sa sút vì COVID-19. Báo cáo tài chính Công ty Nhà Từ Liêm (Lideco) ghi nhận, lợi nhuận quý 1 giảm 72% còn 10 tỷ đồng. Đại diện công ty cho biết, lợi nhuận giảm do doanh thu giảm 69%, hoạt động bán hàng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Hai doanh nghiệp thầu xây dựng lớn trong nước như: Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Coteccons đều có kết quả lợi nhuận thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình giảm 95% còn 5,5 tỷ đồng, thấp nhất 7 năm. Còn Coteccons có lợi nhuận thấp nhất 5 năm, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước, đạt 123 tỷ đồng.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, HĐQT chỉ đặt mục tiêu doanh thu 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng (bảo toàn các nguồn lực khi vượt qua khủng hoảng COVID-19). Kế hoạch này tương đương giảm lần lượt 31% và 72% so với con số mục tiêu ban đầu, đồng thời thấp hơn 25% doanh thu và 52% lợi nhuận thực hiện năm trước. 

Le lói ngành dược, thực phẩm 

Giá thịt lợn hơi và thịt thành phẩm đạt đỉnh từ cuối năm 2019 và đến thời điểm hiện tại vẫn duy trì mức cao. Nhiều doanh nghiệp và lãnh đạo ngành nông nghiệp đều thừa nhận giá thịt lợn tăng mạnh chủ yếu do nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, bởi tổng đàn lợn thịt đã giảm mạnh sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lan rộng tại Việt Nam vào năm 2019. Vì vậy, dễ hiểu khi quý 1/2020, trong khi hàng loạt doanh nghiệp lao đao, lợi nhuận giảm sút mạnh vì ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều đơn vị chăn nuôi lợn, sản xuất thịt lợn lại lội ngược dòng, lợi nhuận sau thuế tăng từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong quý 1, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) doanh thu thuần từ thịt tươi sống, thực phẩm chế biến... tăng hơn 20% lên trên 1.453 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 19%, lên hơn 46,4 tỷ đồng. Tập đoàn Dabaco (Bắc Ninh) lãi kỷ lục 340 tỷ đồng trong quý 1, tăng gấp 17 lần so với cùng kỳ. Doanh thu của Dabaco cũng tăng trưởng hơn 90% lên gần 3.250 tỷ đồng. Dabaco giải trình mức tăng trưởng trên do công ty hoàn thành và đưa vào hoạt động một số dự án”, Dabaco thông tin.

Tương tự, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mitraco, đơn vị chuyên nuôi lợn siêu nạc, sản xuất và kinh doanh lợn thương phẩm, lợn giống… cũng nhờ giá lợn tăng vọt đã có doanh thu quý 1/2020 đạt hơn 93 tỷ đồng, tăng gần 34% so với quý 1/2019. Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) báo cáo quý 1/2020 đạt doanh thu 633,4 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả công ty báo lãi sau thuế gần 50 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp ngành dược đã báo  lãi lớn trong quý 1/2020. Tiêu biểu như Công ty CP Dược phẩm Hậu Giang có doanh thu thuần đạt 858 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 196 tỷ đồng, tăng 28%; lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Theo đại diện Công ty CP Dược Hậu Giang, nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao trong tình hình dịch bệnh COVID-19 giúp công ty có lãi trong quý 1.

Tương tự, doanh thu quý 1/2020 của Công ty CP Dược phẩm Imexpharm cũng tăng trưởng 11%, đạt 303 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 13%, đạt 51 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của Công ty CP Dược phẩm Hà Tây cho thấy, doanh thu thuần của công ty tăng 29% so với quý 1/2019, đạt 519 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của công ty trong quý 1 đạt tới 76 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. 

DN cạn dòng tiền lâm vào thua lỗ 

Nhìn vào kết quả sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong quý 1, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân  có khả năng linh hoạt tốt, nhưng sức chống chịu lại rất yếu. 

“Về mặt tài chính, doanh nghiệp không có dự trữ. Khi xảy ra dịch bệnh, nhiều công ty không còn dòng tiền, không có thu nhập. DN Việt vẫn trong tâm thế bị lệ thuộc, chưa đứng được ở vị trí chi phối thị trường nên khi một mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thì ngay lập tức, họ chịu tác động mạnh. Ngoại trừ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có thể chịu tác động xấu ít hơn, thì một số ngành đang phải chịu tác động trực tiếp, rất mạnh và ngay lập tức, điển hình là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả vận chuyển hàng không”, ông Cung phân tích.

Theo ông Cung, điểm tựa cho nền kinh tế Việt Nam vươn lên là kinh tế vĩ mô và lòng tin của cả nước nhờ chống dịch thành công. Khủng hoảng do COVID-19 gây ra, khác hẳn với những cuộc khủng hoảng từ trước đến nay. Khủng hoảng lần này xảy ra khi kinh tế vĩ mô ổn định, giúp nâng cao sức chống chịu. Chính nhờ có sự cải thiện đó, Việt Nam mới có được những công cụ, lực lượng để hỗ trợ doanh nghiệp và triển khai hoạt động an sinh xã hội. Điều này trái ngược hoàn toàn với khủng hoảng năm 2008-2009, 2011, bởi khi ấy, kinh tế vĩ mô của nước ta đang trong tình trạng bất ổn.

“Cho đến nay, dịch bệnh chưa tác động đến hệ thống tài chính. Các ngân hàng trong nước tương đối tốt, an toàn. Ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Đây chính là một trong những cứu cánh cho DN trong thời gian tới”, ông Cung đánh giá.

MỚI - NÓNG