Hàng loạt doanh nghiệp lùi cổ phần hóa

Hàng loạt doanh nghiệp lùi cổ phần hóa
TP - Hàng loạt doanh nghiệp (DN) lớn có kế hoạch cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2008 đã và đang có nhiều khả năng phải hoãn sang năm 2009.

Ngoài lý do quá trình chuẩn bị chưa xong thì việc thị trường chứng khoán sụt giảm cũng khiến các “đại gia” chưa muốn IPO vào thời điểm này.

Ngoài Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xin lùi thời hạn cổ phần hóa sang năm 2009 thì mới đây nhiều DN lớn như:Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), VMS Mobifone, Vinaphone, Vietnam Airlines… cũng để ngỏ khả năng sẽ dời việc hoàn tất cổ phần hóa và IPO sang năm 2009.

Riêng NH Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) thì Chủ tịch HĐQT Huỳnh Nam Dũng từ tháng 4/2008 đã khẳng định sẽ đảm bảo đúng lộ trình cổ phần hóa và IPO trong năm nay nhưng cho đến đầu tháng 8/2008 vẫn chưa có thời gian cụ thể dù CTCK Bảo Việt đang xúc tiến quá trình này khá tích cực.

Trong số những DN trên thì nhiều DN lẽ ra phải cổ phần hóa và IPO từ năm 2007, thậm chí các cơ quan liên quan đến việc cổ phần hoá MHB đã từng bị Thủ tướng phê bình và yêu cầu kiểm điểm vì làm quá chậm.

Lý do chính mà Vinatex xin hoãn là “thời điểm phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng hiện nay không thuận lợi” và nhiều đối tác, nhà đầu tư (NĐT) lớn không mặn mà lắm với lời chào mời của Vinatex.

Tổng giám đốc Mobifone Lê Ngọc Minh cũng cho rằng, IPO vào thời điểm nào là tùy thuộc vào thị trường, nhưng trong thời điểm TTCK đang sụt giảm như hiện nay thì nhiều khả năng Cty này phải hoãn sang năm 2009.

Vinaphone được Bộ Thông tin- Truyền thông xác định sẽ cổ phần hóa và IPO sau Mobifone nên chắc chắn mạng di động này cũng sẽ phải chờ sang năm 2009.

VietinBank đã trình Chính phủ phương án cổ phần hoá từ tháng 4/2008, theo đó sẽ bán khoảng 25% cổ phần cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhưng theo nguồn tin của chúng tôi thì đến nay cũng vì lý do thời điểm không thuận lợi nên NH này chưa xác định thời điểm IPO.

Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam, nhận định: “Với mức cầu hiện nay, nếu tiến hành IPO các DN trên thì không hiệu quả về thu hút vốn của nhà đầu tư, giá cổ phần của các DN này sẽ bị đánh giá thấp do không còn hấp dẫn NĐT như trước đây”.

Giám đốc một DN lớn cũng thừa nhận: “Dù xác định cổ phần hóa và IPO không chỉ vì vốn mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh, công nghệ, quản lý, nhân lực… nhưng nếu chỉ bán được cổ phần cao hơn hoặc bằng giá khởi điểm nhưng vẫn ế ẩm như nhiều DN IPO trong 7 tháng qua thì DN cũng sẽ thiệt thòi lớn”.

Theo kế hoạch, 400 doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải tiến hành cổ phần hoá trong năm 2008, trong đó có 45 Tổng Cty Nhà nước, nhưng khả năng chỉ có 10 tổng Cty có khả năng hoàn thành cổ phần hoá và IPO trong năm 2008, số còn lại phải lùi sang năm 2009.

Bên cạnh lý do TTCK sụt giảm thì nguyên nhân chính vẫn là các DN này chuẩn bị đề án, xây dựng phương thức, định giá… chậm và gặp thủ tục rắc rối.

Như tại Vietnam Airlines ngoài những “lúng túng” do các bước tiến hành thận trọng tránh để thất thoát tài sản Nhà nước và phải hấp dẫn nhà đầu tư thì tài sản, đất đai do Tổng Cty này quản lý khai thác rải rác khắp Bắc, Trung, Nam nhưng nhiều nơi không có sổ đỏ, chứng từ gốc nên việc định giá khá khó khăn.

Nhiều DN khác có quá nhiều thành viên trực thuộc như Vinatex nên quá trình cổ phần hóa cũng phải đòi hỏi nhiều thời gian. Tình trạng này cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cổ phần hoá 53 tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước đến 2010 và toàn bộ lộ trình cổ phần hoá DN Nhà nước.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.