Hàng loạt dự án giải ngân chậm

Hàng loạt dự án giải ngân chậm
TP - Bộ KH&ĐT cho biết, khối lượng thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA đối với các dự án mới khởi công tiến độ rất thấp.  Thậm chí có dự án mới giải ngân được 3,8% kế hoạch.
Hàng loạt dự án giải ngân chậm ảnh 1

Dự án cầu Vĩnh Tuy khối lượng thực hiện chỉ bằng 19,6% kế hoạch
Ảnh: P.K.S

Chẳng hạn như: dự án quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, khối lượng thực hiện và giải ngân mới chỉ dừng ở mức 14,8% kế hoạch; dự án xây dựng cảng Cái Mép - Thị Vải, khối lượng thực hiện chỉ bằng 2,2% và giải ngân mới đạt 3,8% kế hoạch; hay dự án mạng viễn thông nông thôn miền Trung cũng chỉ mới giải ngân được 8,2% kế hoạch...

Tại Hà Nội, một số công trình trọng điểm nhóm A triển khai chậm, như: dự án cầu Vĩnh Tuy khối lượng thực hiện chỉ đạt 19,6% kế hoạch; tuyến đường 5 kéo dài (Cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long) khối lượng thực hiện mới đạt 8,2% kế hoạch.

Trong khi đó, nhiều dự án mới đang hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư và tổ chức đấu thầu, thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Điển hình như: tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội; Nhà máy cung cấp nước sạch từ nguồn nước sông Hồng giai đoạn 1 (150.000 m3/ngày đêm); dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2; hạ tầng kỹ thuật và xử lý nước thải khu vực xung quanh Hồ Tây...

Tại TP Hồ Chí Minh, khối lượng thực hiện vốn đầu tư 6 tháng đầu năm được 2.893,2 tỷ đồng, đạt 45,2% so với kế hoạch thành phố giao, giải ngân được 2.105,2 tỷ đồng (chỉ bằng 32,9%) so với kế hoạch đề ra. Hiện, thành phố vẫn còn 2 dự án chưa có khối lượng thực hiện gồm: dự án xây dựng khu dân cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) và dự án xây dựng tuyến ống cấp nước Nhà Bè - Cần Giờ.  Các dự án thủy sản cũng trong tình trạng tương tự.

Đâu là nguyên nhân?

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, sở dĩ nhiều dự án của các bộ, ngành, địa phương đang lâm vào tình trạng giải ngân chậm là do tình trạng bố trí vốn cho các dự án nhóm B (thực hiện quá 4 năm), dự án nhóm C (quá 2 năm) còn khá lớn, nhất là ở các địa phương. Số dự án nhóm C quá thời gian quy định của các địa phương cao hơn so với năm 2005 (882 dự án so với 655 dự án năm 2005).

Việc phân bổ giao kế hoạch vốn đầu tư tại một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc theo quyết định của Chính phủ. Một số địa phương bố trí vốn đầu tư thấp hơn kế hoạch đầu tư của Chính phủ, làm giảm nguồn vốn đầu tư phát triển, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương…

Thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm đạt 173,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch năm, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2005 và bằng 40,6 % GDP; trong đó, NSNN ước đạt 39,5 nghìn tỷ đồng, bằng 48,4% kế hoạch năm, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn ODA giải ngân ước đạt 720 triệu USD, bằng 41% kế hoạch giải ngân của cả năm 2006; vốn tín dụng đầu tư ước thực hiện là 9,6 nghìn tỷ đồng, bằng 26,7% kế hoạch; vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện là 28,5 nghìn tỷ đồng; bằng 48,3% so với kế hoạch năm; vốn đầu tư của khu vực tư nhân và dân cư có tốc độ tăng cao nhất, ước đạt 61,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48,5% kế hoạch.

(Nguồn: Bộ KH&ĐT)

MỚI - NÓNG