Hàng nghìn giấy phép con sắp thành đồng nát?

TS Nguyễn Đình Cung ví điều kiện kinh doanh tại Việt Nam như mang lưới điện thành phố, không biết cắt cái nào, để cái nào. (Ảnh minh họa tuoitre.vn).
TS Nguyễn Đình Cung ví điều kiện kinh doanh tại Việt Nam như mang lưới điện thành phố, không biết cắt cái nào, để cái nào. (Ảnh minh họa tuoitre.vn).
TPO - Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ ngày 1/7, khi Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực, những ngành nghề, điều kiện kinh doanh không quy định trong luật sẽ đương nhiên bị bãi bỏ.

Thông tin trên được TS Nguyễn Đình Cung đưa ra tại Hội thảo Điều kiện kinh doanh – kinh nghiệm quốc tế và thách thức với Việt Nam, diễn ra sáng 6/4.

Theo TS Cung, khi thống kê các quy định về điều kiện kinh doanh, tổ công tác đã tập hợp được gần 900 trang, với khoảng 6.000 điều kiện cụ thể.

 “Chưa kể thủ tục, thời gian để đáp ứng đủ giấy phép, nếu liệt kê hết phải gấp 5-6 lần cái 900 trang này”, TS Cung nói. Điều kiện nhiều vậy, nhưng theo ông Cung, không hiểu nhiều thế để làm gì, tại sao lại đưa ra? Hàng loạt câu hỏi mà không hiểu tại sao, cũng không hề có luận cứ khoa học hay thực tiễn nào để giải thích. “Đọc rất nhức đầu vì không hiểu nổi”.

Ngoài ra, ông Cung cho biết, mỗi năm Quốc hội ban hành khoảng 20 bộ luật, Nghị định khoảng 100, Thông tư khoảng 700. Trong khi luật và nghị định không đổi, nhưng thông tư đổi liên tục. Trong khi, thông tư cũng là văn bản quy phạm pháp luật, chứa đựng chính sách, thay đổi quá nhiều tạo rủi ro cho người kinh doanh và đầu tư.

Ông Cung dẫn chứng kinh doanh xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải có 1 kho chuyên dùng với sức chứa ít nhất 5.000 tấn thóc; 1 cơ sở xay, xát gạo với công suất 10 tấn thóc/giờ. Ngoài ra, kho và cơ sở xay xát phải nằm ở địa bàn có vựa lúa xuất khẩu hoặc cảng biển mới được cấp giấy chứng nhận…

“Việc doanh nghiệp có kho hay không ảnh hưởng gì tới an ninh quốc gia, cộng đồng… Như vậy, điều kiện này là không phù hợp. Nhưng tại sao vẫn có?” ông Cung tự đặt câu hỏi và trả lời: “Những doanh nghiệp đang đáp ứng điều kiện đó lại rất thích, vì nó khiến các doanh nghiệp mới khó tham gia thị trường, giảm cạnh tranh. Doanh nghiệp lại rất ghét cạnh tranh”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng thương mại và công nghiệp Việt (VCCI) cho rằng, cần kiểm soát quy trình ban hành và đặt ra giấy phép kinh doanh mới. 

Ông dẫn chứng, vừa qua các doanh nghiệp ngỡ ngàng khi Chính phủ ban hành nghị định quy định điều kiện kinh doanh lĩnh vực in ấn. Trong đó có những quy định không hiểu đặt ra làm gì, như nhập khẩu máy cắt giấy phải xin giấy phép tại Hà Nội, thời gian mất 40 ngày, ai được lợi từ giấy phép này?

Theo TS Cung, giờ các bộ ngành đã có nhiều kinh nghiệm trong làm chính sách, cũng có “độ trơ” hơn, những phê bình, nhắc nhở giờ chẳng ăn thua gì. “Mười mấy năm trước khi có phê bình, nhắc nhở các bộ ngành đều lưu tâm, nhưng giờ không còn thấy điều ấy.

Thậm chí, các bộ ngành đưa ra cái vô lý, có cũng được, bỏ cũng chả sao để mọi người phản đối, rồi về bỏ đi và nói đã tiếp thu, có cả mẹo như vậy”, ông Cung nói.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, ông Cung cho biết, tới đây điều kiện nào không phù hợp với mục tiêu Hiến pháp, Luật Đầu tư sẽ đương nhiên bãi bỏ. Sau đó, những điều kiện nào do cơ quan không đủ thẩm quyền ban hành (chỉ Quốc hội và Thường vụ Quốc hội mới được ban hành điều kiện kinh doanh) cũng tự động bãi bỏ…

MỚI - NÓNG