Hàng tết: Chợ cóc tăng, siêu thị giữ giá

Năm nay nhiều hệ thống siêu thị cam kết không tăng giá dịp Tết. Ảnh L.N
Năm nay nhiều hệ thống siêu thị cam kết không tăng giá dịp Tết. Ảnh L.N
TP - Tuy chưa đến cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán, nhưng tại các cửa hàng nhỏ lẻ và chợ cóc đã rục rịch tăng giá, trong khi nhiều siêu thị cam kết giữ giá để hút khách hàng.

> Ớn lạnh hàng Tết
> Mở rộng mạng lưới phân phối hàng bình ổn

Năm nay nhiều hệ thống siêu thị cam kết không tăng giá dịp Tết. Ảnh L.N
Năm nay nhiều hệ thống siêu thị cam kết không tăng giá dịp Tết.
Ảnh L.N.

Tăng giá vì rét

Hôm qua, khi phóng viên khảo sát tại các chợ cóc ở Hà Nội, nhiều mặt hàng như: thịt, cá, rau xanh đã đua nhau tăng giá. Tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) giá rau xanh tăng từ 10 - 20%; rau muống 7.000 đồng/mớ, cải xoong 9.000 đồng/mớ, rau cần 4.000/mớ; cải thảo 18.000 đồng/cân. Giá thịt lợn ba chỉ: 90.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/cân), thịt nạc vai 90.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/cân), thịt nạc thăn 110.000 đồng/cân (tăng 10.000 đồng/kg)...

Lý do tăng giá được các tiểu thương giải thích do rét hại, nguồn cung bị hạn chế. Với đà này, nếu rét hại kéo dài không biết giá thực phẩm tại các chợ cóc sẽ tăng đến đâu?

Ngược với Hà Nội, tại TP HCM, từ tháng 1-2012, nhiều hộ trồng rau xanh và hợp tác xã sản xuất rau xanh ở Hóc Môn, Củ Chi đã tăng tốc sản xuất để đảm bảo cung ứng đủ lượng rau xanh phục vụ Tết.

Ông Nguyễn Xuân Hoài - chủ cơ sở sản xuất rau củ quả ở Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn cho biết, năm nay lượng rau phục vụ cho nhu cầu Tết tăng mạnh nên cơ sở đã chuẩn bị từ cách đây một tháng. Ông Hòa cho biết do nguồn cung dồi dào nên sẽ không có biến động giá cả mặt hàng này vào dịp Tết.

Ông Nguyễn Hoàng, chủ nhiệm hợp tác xã rau Tân Phú Trung, huyện Củ Chi cho biết, giữa năm hợp tác xã chỉ có 7ha trồng rau nhưng đến gần Tết diện tích trồng rau tăng lên 12ha. “Tăng diện tích rau để đảm bảo cung ứng lượng hàng cho dịp Tết nhưng chúng tôi cam kết không tăng giá”- ông Hoàng cho biết.

Nguồn rau củ quả ở thị trường TPHCM chỉ cung ứng khoảng 60% nhu cầu của người dân, 40% còn lại đến từ các tỉnh. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thời điểm này mỗi ngày tiếp nhận gần 400 tấn, tăng 7 tấn/ngày đêm.

Siêu thị cam kết giữ giá

Bà Nguyễn Thanh Huyền - Phòng truyền thông siêu thị Big C cho biết, siêu thị chuẩn bị hàng từ giữa năm, thịt nguội 600 tấn, các loại mứt, kẹo truyền thống hơn 200 tấn.

Còn bà Vũ Thị Hậu - Phó Giám đốc siêu thị Fivimart cho hay: “Hàng thực phẩm tươi sống được siêu thị đặt hàng với các nhà cung cấp từ 3 tháng trước Tết. Nếu năm nay không có thiên tai, dịch bệnh nên lượng cung thịt, cá, rau xanh sẽ ổn định đảm bảo đủ nguồn cung cho trước và sau Tết”.

Tại TP HCM, nhiều siêu thị cũng đưa ra cam kết giữ giá ổn định. “Dù các cơ sở chăn nuôi tăng giá nhẹ nhưng giá bán trong hệ thống siêu thị của chúng tôi không tăng do hiện đã dự trữ 24.000 tấn hàng, trong đó có 9.000 tấn lương thực, 7.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.000 tấn thực phẩm chế biến và 7.000 tấn rau củ quả”, Đại diện hệ thống siêu thị Co.opMart nói.

Tại hệ thống siêu thị Lotte Mart cũng đã chuẩn bị hàng Tết từ cuối tháng 11 chủ yếu là bia, lạp xường, nước ngọt, bánh kẹo và các loại mứt. Đơn vị này cho biết, giữ cam kết với khách hàng giá không thay đổi trong dịp Tết. Hệ thống Maximark cũng chuẩn bị được nguồn hàng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và cam kết không tăng giá bán.

Hàng Việt lên ngôi

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng không chỉ tại các chợ, đại lý nhỏ lẻ mà ngay tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố hàng Việt ở thế áp đảo. Người tiêu dùng có khuynh hướng chọn mua sản phẩm có đầy đủ bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng của các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.

Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã dự trữ một lượng hàng hóa, dịch vụ trên 900 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, hàng điện máy, đồ gia dụng, thời trang, ăn uống giải khát... đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng thực phẩm truyền thống và thiết yếu được sản xuất trong nước như: giò, chả, bánh chưng, gà ta, thịt trâu bò, gạo đặc sản, dầu ăn, rượu bia, bánh mứt kẹo, thuỷ hải sản và rau xanh.

Để thu hút khách hàng Hapro sẽ bán hàng tại các gian ngoài trời theo mô hình quầy hàng Tết từ ngày 5-1 đến 21-1-2012, với khoảng 100 gian hàng. “TCty còn có 40 chuyến bán hàng lưu động các mặt hàng tươi sống và một số mặt hàng thực phẩm chế biến truyền thống tại các quận trước và sau Tết và tổ chức 6 điểm bán hàng theo mô hình “chợ Tết” tại ngoại thành”.

Theo ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, năm nay hàng Việt cho thị trường Tết đang chiếm khoảng 80% trong hệ thống siêu thị, gồm cả hàng liên doanh. Tuy nhiên, theo ông Phú nguy cơ hàng ngoại “lấn chiếm” đang hiện hình.

Không để sốt giá và khan hàng

Trao đổi với Tiền Phong, Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, dự kiến, tổng mức bán lẻ của tháng Tết trên địa bàn TP tăng từ 20 - 22% so với các tháng bình thường.

Nhằm không để sốt giá và khan hàng trong dịp Tết Nhâm Thìn, lần đầu tiên Sở Công thương tổ chức “Trung tâm thương mại lưu động bán hàng bình ổn giá” tại 9 điểm từ ngày 9- 1 đến 18 - 1: tại công viên hồ Đền Lừ - P. Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai; Phố Thân Nhân Chung, thị Trấn Sóc Sơn; Trung tâm TDTT Thanh Trì; Nhà thi đấu TDTT Gia Lâm; sân Vận động thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ; Nhà văn hoá huyện Ba Vì, thị trấn Tây Đằng; xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ; Trung tâm TDTT huyện Thạch Thất; thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà.

Còn theo Sở Công thương TPHCM, đến nay đã có 22 doanh nghiệp tham gia chương trình cung ứng hàng tết với khả năng cung ứng 30 - 40% nhu cầu, ba chợ đầu mối TPHCM cung ứng 40 - 50% nhu cầu, còn lại là các doanh nghiệp khác, nên đảm bảo cho nhu cầu của người dân trong dịp Tết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG