Chương trình xúc tiến thương mại trong nước:

Hàng thiết yếu đang tăng giá

Hàng thiết yếu đang tăng giá
TP - Sau khi Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp, siêu thị cam kết không tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết nguyên đán, phóng viên Tiền Phong khảo sát việc thực hiện cam kết này tại một số đô thị lớn.

Ngày 24 Tết, theo khảo sát của PV Tiền Phong, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm - Đức Viên, Hà Đông, Kim Giang, Đồng Tâm... giá các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, bò, gà; tôm, cá; các loại rau xanh đang ở mức cao, và xu hướng tăng lên từng ngày.

Một tiểu thương ở chợ Đồng Tâm cho biết: “Nghe ngóng thấy giá chợ khác lên cao, chúng tôi cũng nâng giá”.

Hiện mức giá các loại thịt đã tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg so với 2 ngày trước đây.

Hàng thiết yếu đang tăng giá ảnh 1
Cuối năm, người tiêu dùng đổ xô vào siêu thị (ảnh chụp tại Big C chiều 24 Tết) - Ảnh: Phạm Anh

Giá thịt lợn thăn 75.000 - 78.000 đồng/kg, thịt mông 65.000 đồng/kg; thịt bò bắp 135.000 - 150.000 đồng/kg; thịt gà ta 80.000 - 90.000 đồng/kg, gà công nghiệp 55.000 - 60.000 đồng/kg; tôm he 120.000 đồng/kg, tôm sú 230.000 đồng/kg….

Các loại rau xanh, tùy từng loại cũng tăng từ 1.000 - 3.000đồng/kg (mớ, củ, cây) như cải bắp 5.000 - 6.000 đồng/kg, su hào 6.000 đồng/củ, súp lơ 4.000-5.000/cây...

Bánh chưng giảm nhiệt

Trái với không khí mua sắm ở các siêu thị, chợ, ở phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội), chuyên bán giò, chả, nem, bánh chưng…lượng khách thưa vắng, lâu lâu mới có một người đến mua.

Chủ cửa hàng nổi tiếng bánh chưng Bà Lũy cho biết, Tết năm nay nắng nóng, khách đặt bánh rất ít.

Hiện giá bánh chưng trung bình 20.000-25.000 đồng/cái, giò bò từ 140.000-150.000 đồng/kg, giò lụa khoảng 140.000 đồng/kg…

Tại cửa hàng bà Giang, bán giò chả Ước Lễ, lượng khách đặt giảm hẳn. “Tết năm nay nắng thế này, mấy người đặt đâu, 24 Tết bán vẫn còn chậm lắm”. Chủ cửa hàng than vãn

Các mặt hàng phục vụ cho dịp Tết như bia, rượu cũng tăng từ 5.000 -10.000 đồng/thùng, két. Giá mộc nhĩ, đỗ xanh, hành cũng nhấp nhổm tăng. 

Dù giữa trưa nhưng siêu thị Big C kín hết bãi đỗ xe. Hơn 70 quầy thu ngân của siêu thị này hoạt động không ngớt, khách xếp hàng đông nghịt ở khu vực thanh toán. Loa truyền thanh của siêu thị liên tục thông báo, đề nghị khách hàng cẩn thận, có một số đối tượng xấu trà trộn vào siêu thị.

Đại diện Big C cho biết, do đúng vào ngày Chủ nhật cuối tuần của năm, nhiều người tranh thủ mua sắp Tết. Tết năm nay, siêu thị tăng 30% lượng hàng so năm ngoái; hiện các mặt hàng bánh kẹo, mứt, ô mai, bia, thực phẩm khô, tươi sống tiêu thụ mạnh...

Tại các siêu thị đã “lĩnh ấn” bán hàng bình ổn giá của Sở Công Thương Hà Nội sau khi nhận được khoản tiền hỗ trợ lãi suất của Thành phố như Hapro, Intimex, Fivimar..., lượng khách cũng tăng đột biến.

Mức giá bán một số mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, bánh kẹo, thịt các loại… được các siêu thị bán thấp hơn giá thị trường 3 - 5%. Tuy nhiên, đại diện một số siêu thị cũng thừa nhận, việc nói giá thấp hơn giá thị trường là khó so sánh.

Bà Đinh Thị Nga - Trưởng phòng Quản lý Siêu thị - Tổng Cty CP Intimex Việt Nam cho biết: Intimex có 5 điểm tại Hà Nội đều tham gia bình ổn giá 9 mặt hàng hàng thiết yếu, triển khai từ giữa tháng 1 hết giữa tháng 3.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng GĐ Cty CP Nhất Nam – Hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, hệ thống siêu thị có tham gia 13 điểm bình ổn, từ 25-1 đến qua Tết giá ổn định, không điều chỉnh, thay đổi từng ngày như ngoài chợ.

Đà Nẵng: Giá tăng từ 20 - 30%

Những ngày giáp Tết, tại các siêu thị, chợ lớn ở TP Đà Nẵng giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng từ 20 -30 % so với trước đây. Sở Công Thương cũng thừa nhận, khảo sát tại các chợ, siêu thị trên địa bàn như chợ Hàn, chợ Cồn, hầu hết giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết đều đang tăng dần.

Hàng thiết yếu đang tăng giá ảnh 2
Mua hàng Tết ở Đà Nẵng -  Ảnh: Nguyễn Huy

Tại chợ Hàn, chợ Cồn thịt bò có giá từ 120 - 150 ngàn đồng/kg, thịt lợn có giá từ 60 - 80 ngàn đồng /kg, cá thu giá từ 160 - 200 ngàn đồng/kg…

Các mặt hàng thành phẩm như heo quay, nem tré, nem chả cũng tăng từ 20 - 30 ngàn đồng. Tại các siêu thị, sức mua tăng mạnh và giá cả cũng đang tăng theo.

Cụ thể, các loại gạo tăng 1.000 đồng/kg; bột giặt tăng 5.000 đồng/kg; mặt hàng bia, rượu, nước giải khát có gas và không gas, bột ngọt, hạt nêm, trứng gia cầm... tăng từ 20 - 30% so với trước.

Trong khi đó, nhiều mặt hàng chủ lực những năm trước đây như: hạt dưa, lạp xưởng, bò khô, bánh, mứt chế biến thủ công, ... đều ế ẩm.

Lý do được các tiểu thương cho biết, thời gian gần đây liên tục có thông tin về những sản phẩm phục vụ Tết có chứa chất gây ung thư hoặc được sản xuất từ nguồn nguyên liệu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm khiến người tiêu dùng e dè trước những mặt hàng không rõ nguồn gốc.

Thay vào đó, giá các loại hạt khác như hạt dẻ, hướng dương, hạt bí... tăng từ 20 – 50 ngàn đồng/kg.

Ngoài ra, giá cả bánh kẹo ngoại nhập so với bánh, kẹo sản xuất trong nước không cao lắm, nên sự lựa chọn của người đi sắm Tết vẫn quan tâm đến những mặt hàng ngoại nhập nhiều hơn. 

Trong tháng 1-2010, theo Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng, đã có 72 đơn vị kinh doanh bị phạt tiền 52,4 triệu đồng do không niêm yết giá rõ ràng.

Để ổn định giá cả trong dịp Tết, UBND thành phố đã lên danh mục 19 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá; chỉ đạo dự trữ 20 tấn thịt và 100 tấn heo hơi; tổ chức 10 điểm bán hàng cố định trên địa bàn và 2 xe lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên giá cả những ngày sát Tết vẫn được đẩy lên cao.

TPHCM: Giá siêu thị đứng, chợ tăng

Tại TPHCM, theo ghi nhận của Tiền Phong, lượng người đến siêu thị sắm Tết cũng đông hơn ở chợ.

Bà Lê Quang Thục Quỳnh, Giám đốc marketing hệ thống siêu thị Sai Gon Co.op cho biết, từ 1-2 đến nay, Co.op Mart đã đón lượng khách tăng 50% so với tuần trước đó. Các sản phẩm thiết yếu như dầu, gạo, nước mắm, giỏ quà, bánh kẹo, quần áo may sẵn... hầu như không tăng giá.

Ngoài các siêu thị, Saigon Co.op còn tổ chức gần 200 điểm bán hàng bình ổn giá với sáu nhóm hàng: Gạo nếp, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, trái cây.

Bà Quỳnh cam kết: “Các mặt hàng sẽ giữ giá cho đến hết Tết”. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Siêu thị Maximark Cộng Hòa (Tân Bình, TPHCM), sức mua từ đầu tháng 2 tại siêu thị này cũng tăng 30%.

Trong khi đó, nhiều chợ như Bà Chiểu, Bến Thành, Tân Định, An Đông… một số mặt hàng hút khách đã tăng giá như bánh kẹo, trái cây, hoa cúng, quần áo, thực phẩm...

Từ 23 Tết, các chợ hoa Tết tại trung tâm TPHCM như 23-9, Gia Định, Lê Văn Tám… cũng tấp nập khách xem và mua hoa.

Năm nay có rất nhiều loại hoa, kiểng đẹp, lạ mắt, độc đáo và đắt tiền từ Đà Lạt, ĐBSCL, miền Trung, Hà Nội và ngoại thành TPHCM đổ về các chợ.

Không ít gốc mai 50 - 60 năm tuổi treo giá bán từ 150 - 200 triệu đồng, đào Nhật Tân cũng về TPHCM nhiều từ 6-2 với giá cao nhất khoảng 50 triệu đồng/cây. Mai và đào giá khoảng 2-5 triệu đồng/cây hiện đang bán chạy nhất.

Ngoài ra còn có địa lan chậu chín nhánh giá 5 triệu đồng, lan Hồ Điệp từ 1-9 triệu đồng /chậu, mai chiếu thủy bon sai 1,5 triệu đồng/chậu …

Các chợ cũng cho thuê hoa trưng Tết với giá 5-20 triệu đồng/10 ngày Tết tùy chậu lớn nhỏ và công chăm sóc.

MỚI - NÓNG