Hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái (đứng thứ hai hàng đầu từ phải sang) thăm dự án trồng nấm công nghệ cao.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái (đứng thứ hai hàng đầu từ phải sang) thăm dự án trồng nấm công nghệ cao.
TP - Chỉ tính riêng từ năm 2008-2014, Hà Nội đã triển khai 616 đề tài nghiên cứu và 56 dự án sản xuất thử nghiệm mang lại hiệu quả ứng dụng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh. Nhiều cơ chế, chính sách về phát triển KHCN được ban hành thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học tham gia…

Khai thông chính sách


Nhằm tạo môi trường phát triển khoa học công nghệ (KHCN) của thành phố, thời gian qua Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn quan tâm, đầu tư cho KHCN. Từ năm 2008 đến nay, Sở KH&CN đã tích cực tham mưu cho Thành phố ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách để tạo môi trường và điều kiện để phát huy tiềm lực KH&CN trên địa bàn Thành phố, nâng cao năng lực nội sinh, hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN, góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống, gồm 17 văn bản (có 01 Nghị quyết của HĐND, 5 Chương trình của Thành ủy; 6 Quyết định và 5 kế hoạch của UBND thành phố). Điển hình đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định 95 ngày 24/8/2009 về ban hành Quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án, đề án khoa học và công nghệ của thành phố. Quy chế đã xây dựng được quy trình chuẩn trong quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (từ khâu xét chọn, thẩm định, cấp kinh phí, kiểm tra, nghiệm thu) đảm bảo chất lượng, khoa học, hiệu quả, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và giảm phiền hà, sách nhiễu. 

Tham mưu ban hành Quyết định số 6252 ngày 28/12/2012 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN thành phố Hà Nội đến năm 2020. Chiến lược được ban hành là cơ sở để định hướng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm và 5 năm của Thành phố; hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển khoa học và công nghệ; nâng cao nhận thức của các cấp về vai trò, vị trí quan trọng của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và hội nhập quốc tế.

Gần đây nhất là Nghị quyết số 04 của HĐND thành phố ngày 12/7/2013 về “Chính sách ưu đãi áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KHCN, cùng các nhà KHCN tham gia thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô theo quy định tại Luật Thủ đô”. Nghị quyết đã đề xuất những đột phá về cơ chế, chính sách trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như trong thuê chuyên gia trong và ngoài nước tham gia thực hiện các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô.

Thu hút chất xám, tài năng

Nhờ việc ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách nêu trên, Hà Nội đã thu hút được đông đảo các nhà nghiên cứu, khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia vào sự phát triển Thủ đô. Tăng cường các mối quan hệ và sự phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu của trung ương đóng trên địa bàn. Ngành KHCN Hà Nội đã chủ động thu hút, khai thác nguồn lực trí tuệ của đội ngũ trí thức các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp của Hà Nội và trung ương đóng trên địa bàn tham gia nghiên cứu khoa học. 

Thành lập và phát huy vai trò của các Ban chủ nhiệm chương trình KHCN cấp thành phố gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ các trường, viện, cơ quan trung ương, sở, ngành, các nhà doanh nghiệp có trình độ, chuyên môn cao, có uy tín khoa học, đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực KH&CN cụ thể. Các Ban chủ nhiệm đã phát huy vai trò tư vấn trong việc lựa chọn nhiều đề tài, dự án có hàm lượng khoa học và tính ứng dụng cao, tránh trùng lặp.

Thành phố đã khuyến khích các sở, ban ngành, quận, huyện và doanh nghiệp tham gia đặt hàng và trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vào giải quyết các bức xúc thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn mình quản lý. Để thực sự nâng cao hiệu quả thu hút chất xám, tri thức, Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, đổi mới việc xét duyệt các đề tài nghiên cứu. Khi xét duyệt các nhiệm vụ ứng dụng KHCN phải làm rõ các nội dung, định hướng sản phẩm, mục tiêu phải đạt (chất lượng, sản phẩm, năng suất), có địa chỉ ứng dụng cụ thể sau khi kết thúc đề tài, dự án.

Những đề tài phục vụ cuộc sống

Trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, từ năm 2008 đến năm 2014, thành phố đã triển khai 616 đề tài nghiên cứu và 56 dự án sản xuất thử nghiệm. Hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án vào thực tiễn ngày càng tăng. Kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học: sản phẩm mới, quy trình công nghệ mới, các thiết bị, máy móc; mô hình và kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp; kỹ thuật mới trong điều trị ngành y tế; hệ thống các tiêu chuẩn, phương pháp và giải pháp mới trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…đã góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ và năng suất chất lượng trong các ngành, lĩnh vực, cũng như năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao ảnh 1 TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội đang trao đổi với chuyên gia Đức về vận hành thiết bị hút bùn hồ Hoàn Kiếm

Điển hình trong lĩnh vực văn hóa xã hội đã nghiên cứu, biên soạn và xuất bản 18 tập Bách khoa thư Hà Nội và 14 tập Bách khoa thư Hà Nội mở rộng. Lĩnh vực y tế đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thiết bị tự động pha dịch điện giải đậm đặc đơn nguyên tại chỗ cấp cho điều trị thận nhân tạo. Đề tài đã ứng dụng phương pháp trộn dịch bằng kỹ thuật giao thoa được thực hiện đầu tiên ở Việt Nam. Đã tiết kiệm cho mỗi bệnh nhân ít nhất 14 triệu đồng/năm. Nếu áp dụng cho trên 70.000 bệnh nhân suy thận mãn trên cả nước thì sẽ tiết kiệm được lượng tiền rất lớn.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Thành phố đã tham gia đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm một số loại đèn Led panel dùng trong chiếu sáng dân dụng và chiếu sáng công cộng với thiết kế mỏng, sang trọng. Đèn Led Panel đã được ứng dụng rộng rãi trong chiếu sáng thương mại, dân dụng, các tòa nhà văn phòng, khách sạn. Đèn Led Panel không chứa thủy ngân, không tạo tia tử ngoại, tiết kiệm tới 30% điện năng so với bộ đèn huỳnh quang nên rất an toàn và thân thiện môi trường. 

Ngoài ra, trong lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, giá trị gia tăng lớn. Nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp mang lại hiệu quả cao như: Đề tài xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp đã mang lại sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm. Đề tài ứng dụng “Hệ thống quản lý chuỗi bán hàng thông minh ứng dụng công nghệ thông tin” đã được ứng dụng tại Tổng Công ty thương mại Hà Nội. Đề tài nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trong bể xử lý sinh học tích hợp năm chức năng đã góp phần thay thế các giải pháp công nghệ lạc hậu, từng bước thay thế công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị nhập khẩu…

”Để KH&CN thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đóng vai trò động lực quan trọng thúc đẩy KTXH phát triển thì các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc quan điểm đường lối của Đảng, coi KH&CN là quốc sách hàng đầu”, TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội nói. 

Đến năm 2020, KHCN góp phần đáng kể vào tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 50%GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 12-17%/năm (giai đoạn 2011-2015) và trên 20 (giai đoạn 2016-2020). Giá trị giao dịch của thị trường KHCN tăng trung bình từ 16-18%/năm. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến năm 2020 tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt 45%. Hình thành 150 doanh nghiệp KHCN vào năm 2015 và đến năm 2020 là 350 doanh nghiệp KHCN…(Trích Chiến lược phát triển KH&CN của Hà Nội đến năm 2020)

MỚI - NÓNG