Hàng trăm dự án “tắc” vì một thông tư

Hàng trăm dự án “tắc” vì một thông tư
TP - Trong lúc cả nước đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, thì thông tư 06 do Bộ Xây dựng ban hành hơn một năm nay vẫn chưa thể đi vào cuộc sống.

Sự chậm trễ này đã kéo theo cả trăm dự án với tổng mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng bị ách tắc. Thiệt hại cho nền kinh tế không thể tính được bằng tiền.

Bài 1: Cả chục ngàn tỷ đồng vốn “đắp chiếu”... chờ đơn giá!

Các dự án giao thông tê liệt!

Một lãnh đạo của Ban quản lý dự án giao thông 1 (PMU 1-Bộ GTVT) đưa ra ví dụ sinh động:

Theo kế hoạch dự án Tây Nghệ An đã phải được khởi công, và cũng theo kế hoạch năm 2006, dự án này phải giải ngân 80 tỷ đồng. Nhưng đó vẫn chỉ là... kế hoạch.

Dự án có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng bằng trái phiếu Chính phủ này đã bị tê liệt  từ cuối năm 2005. Tương tự, tại PMU1 còn có dự án cầu Pa uôn (công trình tránh ngập cho Thủy điện Sơn La) có trị giá 500 tỷ đồng và dự án ADB 5 (cải tạo đường giao thông tại 19 tỉnh miền Trung) cũng đang bị ách tắc.

Theo báo cáo của Ban này thì 6 tháng đầu năm 2006, Ban mới giải ngân được 14% so với kế hoạch.

PMU 18, nơi mà dư ba về vụ tiêu cực chưa tan, thì nay không khí thêm ảm đạm. Ba dự án lớn mà Ban này được giao chủ đầu tư đã bị đình trệ từ nhiều tháng nay.

Dự án Tây Thanh Hóa, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng đáng lẽ được khởi công quý 1-2/2006 nhưng nay dự án này mới duyệt được thiết kế kỹ thuật, còn dự toán thì lại chưa được lập. Dự án dậm chân tại chỗ hơn nửa năm nay.

Chung số phận còn có dự án Nam Quảng Nam (664 tỷ đồng), dự án nâng cấp mạng lưới đường bộ (2.000 tỷ đồng- Ban 18 làm chủ đầu tư) cũng không nhúc nhích.

Đặc biệt, dự án QL 37 (Thái Nguyên-Bắc Giang) dù đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật từ cuối năm 2005 nhưng nay vẫn chưa thể khởi công được vì chưa có dự toán.

Cũng không ngoại lệ, PMU 5 hiện đang có 3 dự án lớn bị ách tắc từ 3 tháng đến gần một năm. Đó là dự án: Cải tạo QL 70 (980 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ); Dự án nâng cấp mạng lưới tỉnh lộ (18 tỉnh- 1.600 tỷ đồng); Dự án đường 4D, 4C (1.000 tỷ đồng)...

Dự án ách tắc đang là hiện tượng phổ biến của ngành giao thông vận tải. Trao đổi với Tiền phong, ông Trương Tấn Viên, Vụ trưởng Vụ KHĐT-Bộ GTVT cho biết, từ đầu năm đến nay vụ chưa hề phê duyệt dự toán cho một dự án nào. Ngành giao thông mỗi năm đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản, sự đình trệ của các dự án thực sự đã đến lúc báo động đỏ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư bị ách tắc mà còn hàng trăm dự án thuộc các bộ, ngành, địa phương, với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng cũng trong tình trạng bị “tê liệt”.

Chỉ vì chưa có đơn giá ca máy!

Hàng trăm dự án “tắc” vì một thông tư ảnh 1

Cầu Do trên QL 1 đã quá yếu, vốn đầu tư cầu mới đã sẵn sàng nhưng bị ách tắc gần 1 năm vì chưa có giá ca máy 
Ảnh: P.S

Vì sao hàng trăm dự án với mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng bị “đắp chiếu”?

Tất cả xuất phát từ thông tư 06 ngày 15/4/2005 do Bộ Xây dựng ban hành để hướng dẫn phương pháp xây dựng đơn giá ca máy.

Theo thông tư này, thì UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập bảng giá ca máy phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương và hướng dẫn áp dụng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh...

Thông tư 06 ra đời thay thế cho Quyết định 1260/1998 (Ban hành bảng giá dự toán ca máy và thiết bị xây dựng).

Điều khác biệt giữa hai văn bản này là: Theo QĐ 1260 thì Bộ Xây dựng chủ trì ban hành định mức giá ca máy trên toàn quốc (tùy địa phương mà có thêm hệ số khác nhau).

Còn thông tư  06, việc ban hành giá ca máy được giao cho UBND các địa phương là 64 tỉnh thành. Tuy nhiên, sau hơn một năm ban hành thông tư 06, đến nay mới chỉ có gần chục tỉnh, thành ban hành được giá ca máy.

Do giá ca máy chiếm từ 15 đến 20% giá trị dự toán công trình nên khi chưa có giá ca máy thì dự toán chưa thể hoàn tất và vì thế dự án không thể phê duyệt được dự toán, không thể tổ chức đấu thầu, không giải ngân. Hàng chục ngàn tỷ đồng của hàng trăm dự án bị  “đắp chiếu” chỉ vì chưa có đơn giá ca máy!

Tình hình thực hiện các dự án trái phiếu Chính phủ 6 tháng đầu năm: Khối lượng thực hiện đạt 1.924 tỷ đồng, giải ngân ước đạt 1.825 tỷ đồng ( theo báo cáo của chủ đầu tư).

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước thì 5 tháng đầu năm 2006 mới giải ngân được 1.062 tỷ đồng.

Trong khi đó Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT 6.652 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện các dự án trong năm 2006.

------------------------

Bài 2: “Quả bóng” trách nhiệm: “Ban” đến bao giờ?  

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.