Hàng Việt bứt phá

Hàng Việt bứt phá
TP - Đầu năm 2010, lần đầu tiên chúng ta tổ chức đánh giá hàng Việt Nam chất lượng cao trong con mắt người nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam trong sáutháng.
Hàng Việt bứt phá ảnh 1
Gạo thương hiệu Tứ Quý tại hệ thống siêu thị Maximart TP Hồ Chí Minh

Kết quả thật ấn tượng khi những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao được đánh giá chất lượng ở mức điểm 3,7, theo thang điểm từ một là bình thường, đến năm là rất tốt. Đã tới lúc hàng Việt có thể bứt phá, chiếm lĩnh thị trường.

Thống kê dân số mới nhất của Việt Nam cuối năm 2009 cho thấy, cả nước có trên 86 triệu dân, ngoài ra còn có trên 4 triệu người Việt đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài.

Hơn nữa, thị trường này còn có ý nghĩa hơn khi tính đến mức thu nhập quốc dân trung bình hiện nay là hơn 1.000 USD/người/năm, trong đó trên 2/3 là chi tiêu cho các nhu cầu ăn uống, ở, mặc, học tập, chữa bệnh, giải trí và đi lại.

Những nhu cầu chi tiêu này hoàn toàn có thể chỉ dùng hàng Việt, nếu hàng nội có đủ hàng hoá và có sức cạnh tranh so với hàng ngoại. Chỉ tính riêng trong số 10 tỷ USD hàng cơ kim khí mà Việt Nam hiện phải nhập hằng năm, có tới 60% là hàng mà trong nước sản xuất được.

Còn trên 4 triệu người Việt sinh sống ở hơn 100 nước, với tổng thu nhập trên 40 tỷ USD/năm (trong đó hơn 50% số người và tài sản tập trung ở Mỹ, Canada, Pháp, Nga), bằng gần 1/2 GDP trong nước, nhu cầu hàng Việt trong ăn uống và sinh hoạt gia đình và cá nhân khác cũng là phân khúc thị trường khổng lồ, xét cả về tiềm năng và hiện thực trực tiếp tiêu thụ và giúp tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Đặc biệt, với khẩu vị và thói quen gia truyền, về tâm linh và tính cấp thiết, hàng Việt còn luôn được ưu tiên trong danh mục mua sắm tổng thể và cơ bản cho ăn uống hằng ngày, nhất là đón tết cổ truyền của tất cả người Việt, dù là đang sống trong nước hay định cư ổn định ở nước ngoài.

Chiến lược thị trường nội

Thực tiễn trong nước và thế giới đã, đang và sẽ còn tiếp tục chứng tỏ, nền kinh tế hàng hóa (nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ thông thường) luôn gắn chặt với sự phát triển quy mô thị trường bản địa.

Đa phần các doanh nghiệp trong nước sẽ khó kinh doanh một cách hiệu quả hoặc mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của mình nếu không bán được hàng hóa và dịch vụ trước hết cho người tiêu dùng trong nước.

Thấu hiểu điều này, từ trước đến nay, cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và hàng loạt quốc gia dù đang phát triển hay đã phát triển khác trên thế giới đều không ngừng đề cao vai trò của thị trường trong nước và không ngừng cổ vũ cho chủ trương sản xuất hàng trong nước chất lượng cao.

Họ cũng không ngần ngại xây dựng và triển khai nhiều chương trình hành động quốc gia, sử dụng nhiều hàng rào kỹ thuật và tổ hợp các biện pháp đủ loại phục vụ mục tiêu chung đặt ra…

Với tinh thần đó, chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà Bộ Chính trị phát động năm 2009 là hết sức đúng đắn, kịp thời.

Năm mặt hàng được người nước ngoài chọn mua và đánh giá chất lượng cao nhất: Sữa tươi Vinamilk; Càphê Trung Nguyên; Bút bi Thiên Long; Bánh ngọt Kinh Đô; Áo sơmi Việt Tiến, An Phước, Nhà Bè, May 10.

Nhìn chung, trong tất cả hàng hoá từng dùng, những người nước ngoài này đều tự so sánh chất lượng và độ an toàn của hàng Việt cao hơn hàng Trung Quốc.

Những người sống tại Việt Nam thời gian dài đều có nhận xét, nhiều món hàng của Việt Nam đã cải thiện đáng kể so với trước đây, như bộ bát đĩa sứ sản phẩm của Minh Long, bút Thiên Long và Bến Nghé, sữa, bánh kẹo, sách vở, quần áo, giày dép, đồ đạc chất liệu tre, gỗ trang trí trong nhà, v.v.

TS.Nguyễn Minh Phong
Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.