Hàng Việt trên biển của kỹ sư lớp bảy

Hàng Việt trên biển của kỹ sư lớp bảy
TP – Lặng lẽ, ông già mới học xong lớp bảy ngày ngày biến ước mơ của mình thành hiện thực trên những chuyến tàu ngư dân ra biển lớn. Nơi đó, ngư cụ mang thương hiệu “Nguyễn Văn Xê” đang dần thay thế hàng Trung Quốc, Đài Loan. Ngư dân gọi ông là kỹ sư lớp bảy.
Hàng Việt trên biển của kỹ sư lớp bảy ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Xê

Khó ngờ rằng, người đàn ông đen sạm, gầy gò ấy lại có một cuộc đời thú vị đến vậy. Ông Nguyễn Văn Xê (57 tuổi) là người Đà Nẵng gốc, sinh tại phường Xuân Hà (quận Thanh Khê). Nhưng tuổi thơ khốn khó cùng gia cảnh bần hàn khiến cuộc đời ông lưu lạc từ Nam chí Bắc.

“Tui nhớ là học chỉ đến lớp 6 lớp 7 chi đó rồi bỏ ngang. Chơi hai năm, cha tui sợ hư thế là ổng cho đi học vô tuyến điện tử ở một cửa hàng chữa ti vi, điện lạnh quanh năm ế ẩm trên đường Phan Chu Trinh” – ông Xê hồi tưởng.

Làm ở cửa hàng điện tử được 5 tháng thì ông chán, bỏ đi học đờn. “Nhiều người qua lại ngó nghiêng, tưởng rằng thằng Xê này điên. Nhưng rồi nghe tui đờn ghi ta, tỉa bài nào cũng ngọt lịm. Ai cũng mê”. Cùng thời gian mày mò học nhạc trên radio, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Xê còn lao vào học vẽ...

Bỏ Sài Gòn về Đà Nẵng từ năm 1970, ông Xê lại bắt đầu kiếm tiền bằng nghề vẽ chân dung, làm thiệp. Rồi đêm đêm lại mang đàn ra hát. Bởi tiếng hát này, cô gái hàng xóm Lê Thị Diệm mê hát nên mê người. Năm 1977, chàng Xê cưới cô hàng xóm, dừng cuộc sống lang bạt và bắt đầu hành trình vẽ chân dung kiếm tiền nuôi vợ con.

Vẽ vời ca hát đến năm 1991 thì ông Xê phải dắt díu vợ con lên tận huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) làm kinh tế mới. “Trụ được hai năm đành dắt díu nhau về phường Xuân Hà, xin ông già được khoảnh đất nhỏ, cất tạm cái lều trú ngụ. Tui nản lắm, tưởng đời coi như xong rồi” – Ông Xê nhớ lại.

Made in Hải Linh trên biển lớn

Hàng Việt trên biển của kỹ sư lớp bảy ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Xê trong cơ sở sản xuất Hải Linh

Anh Nguyễn Thái Phương – con trai cả ông Xê ngồi kế bên, góp vui câu chuyện là bước ngoặt của cả gia đình: “Cả nhà không có chi ăn, hai anh em đành lên Kim Liên làm pháo. Cạnh nhà có người bạn đi biển, một lần đem rường câu mực Trung Quốc mà họ nhặt được trên biển về cho cha xem. Xem xong, ông nhảy dựng, nói nhà ta có cơ thoát nghèo rồi. Thiệt tình tui cũng chẳng hiểu mô tê gì”.

Ông Xê kể: “Tui thấy cái rường câu mực của Trung Quốc họ làm rất đơn giản. Nhưng khi mực cắn câu sẽ mất thời gian gỡ và số mực câu cũng không hiệu quả. Thế là tui mày mò vẽ ra cái khuôn làm rường mới, nhiều lưỡi hơn và đặc biệt, khi mực cắn câu, chỉ cần một động tác rũ, mực sẽ tự động rơi ra, không cần tỉ mẫn gỡ từng con mà mực cũng không hề xây xát”.

Nhờ số tiền vay 1 triệu đồng khuyến khích nông dân làm ăn từ chính quyền, ông thuê người chế khuôn theo bản vẽ, mua dây điện và 5kg inox hì hục làm thử nghiệm. “Vui lắm, hồi đó làm cả ngày được ba chục cái rường câu mực mà tivi truyền hình đến quay ầm ầm, rồi có cả nhà báo viết nữa. Là vì lần đầu tiên người Việt Nam mình làm ra cái rường câu mực cải tiến, hơn cả hàng Trung Quốc” - ông Xê nhớ lại.

Chiếc rường câu mực của ông Xê ngay từ đầu đã được ngư dân Đà Nẵng chuộng dùng. Dần dần, ngư dân của các tỉnh bạn cũng tìm mua. Sau vài năm, nhận thấy thời cơ đến, ông Xê vay mượn, rồi cầm cố nhà cửa, tự mình đi khắp nơi, từ Hải Phòng đến Phan Thiết rồi Cà Mau chào hàng.

Ngư dân khắp nơi lúc đầu e dè, sau thấy rõ ràng hiệu quả nên đồng loạt bỏ dùng rường câu mực Trung Quốc sang dùng hàng của ông Xê. Căn nhà nhỏ của ông ngày ngày tiếng máy rền chát chúa.

Ngư dân đến lấy hàng, ra vào đông như trẩy hội. Từ năng suất 30 rường/ngày, đến nay cơ sở ông đã có thể làm ra 500 – 600 rường/ngày. Mỗi ngày ông thu lãi từ 3 – 5 triệu.

Kinh tế gia đình bắt đầu khá giả. Nợ trả xong, lưng vốn trong tay kha khá ông Xê bắt đầu nghĩ đến những mặt hàng ngư cụ khác, với giấc mộng đánh bật hàng Trung Quốc, Đài Loan ra khỏi những chiếc tàu ngư dân Việt trên biển lớn. Từ thành công ban đầu là chiếc rường câu mực, đến nay, cơ sở sản xuất ngư cụ mang tên Hải Linh của ông đã có những loại đèn lưới cản, đèn báo hiệu tàu… đều do ông Xê chế tạo.

“Đèn lưới cản Trung Quốc vừa đắt tiền, vừa tốn điện nhưng vào nước khi thả xuống biển. Tôi mày mò chế tạo ra lại đèn lưới cản không vào nước, chỉ sáng ban đêm, có chức năng dụ (nhử) cá. Còn đèn báo hiệu trên lưới của tôi cũng không vào nước, lại có nhiều màu khác nhau để phân biệt chủ lưới trên biển” – ông Xê cho biết.

Ông Xê ao ước: Nói thiệt, giờ ngư dân miền Trung đều dùng rường câu mực, đèn lưới cản của tui cả rồi. Các cửa hàng ngư cụ họ cũng không nhập hàng Trung Quốc nữa. Nhưng tui vẫn ước một ngày nào đó, hàng Việt không chỉ đánh bật hàng ngoại trên tàu ta mà còn tràn sang tàu bạn”. Rồi ông ngậm ngùi: Tiếc là lực chưa đủ!

Cơ sở sản xuất ngư cụ Hải Linh của ông Nguyễn Văn Xê ở tổ 13 phường Xuân Hà còn là nơi tạo việc làm cho những đứa trẻ là con em nạn nhân trong bão Chan Chu. Hiện có 11 em đang làm việc ở đây với mức lương từ 1,5 – 2 triệu/tháng.

MỚI - NÓNG