Hàng xa xỉ nhập khẩu vẫn tăng mạnh

Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vẫn hút khách trong thời bão giá Ảnh: Hồng Vĩnh
Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vẫn hút khách trong thời bão giá Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 18% trong năm 2011. Theo Bộ Công Thương, trong ba tháng đầu năm, nhập siêu cả nước ở mức trên 3 tỷ USD, trong đó các mặt hàng xa xỉ chiếm tới gần 40%. Còn tính chung, giá trị của hàng xa xỉ và hàng thuộc diện cần kiểm soát nhập khẩu chiếm tới hơn 60% giá trị nhập siêu.

>> Hàng ‘sang’ vẫn ùn ùn nhập khẩu

Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vẫn hút khách trong thời bão giá Ảnh: Hồng Vĩnh
Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vẫn hút khách trong thời bão giá.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu quý I năm 2011 ước đạt 19,25 tỷ USD. Nếu không kể dầu thô, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ còn 8,9 tỷ USD. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá quý I năm 2011 đạt 22,27 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2010.

Bóc tách các số liệu nhập khẩu cho thấy, trong số 6 nhóm mặt hàng thuộc diện cần kiểm soát, chỉ trong quý I các doanh nghiệp đã chi tới 46 triệu USD để nhập khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc. Riêng các mặt hàng rau quả ngoại, đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị, đã cần tới lượng ngoại tệ lên tới 55 triệu USD.

Nhập khẩu đá quý, kim loại quý cũng tăng khá mạnh, 363 triệu USD. Tổng số ngoại tệ các DN chi để nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ và xe gắn máy xấp xỉ 1 tỷ USD.

Đáng chú ý, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu các hàng thuộc diện xa xỉ cần hạn chế nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm cũng lên tới 1,36 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới gần 40% giá trị nhập siêu của cả nước. Riêng lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng các loại lên tới 1,19 tỷ USD.

Đặc biệt, tổng lượng xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ được các hãng, nhà phân phối nhập khẩu về trong 3 tháng đầu năm lên tới 11.125 chiếc, tăng 3.900 chiếc so với tháng 2. Trong khi đó cùng kỳ năm 2010, tổng lượng xe ô tô dưới 9 chỗ nhập vào nước ta chỉ ở mức 5.943 chiếc. Xe máy nguyên chiếc các loại nhập về trong thời gian này cũng lên tới 24.169 chiếc.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, nhập khẩu hàng hóa quý I tăng do nhiều mặt hàng có khối lượng và giá nhập khẩu tăng. So với cùng kỳ năm 2010, hầu hết các nhóm mặt hàng là nguyên liệu phục vụ sản xuất và hàng tiêu dùng đều tăng trên 20% do nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng sản xuất.

Tuy nhiên, những mặt hàng thuộc nhóm cần hạn chế nhập khẩu như nhóm hàng tiêu dùng, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi và linh kiện, xe máy nguyên chiếc và linh kiện chỉ tăng 4,8%. Trong khi đó, nhóm hàng nhập khẩu cần phải kiểm soát như sản phẩm từ thép, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, hàng hoá khác tăng hơn 18,6%.

Các mặt hàng xa xỉ chiếm tới gần 40% giá trị nhập siêu 3 tháng đầu năm Ảnh: Nguyễn Hiền
Các mặt hàng xa xỉ chiếm tới gần 40% giá trị nhập siêu 3 tháng
đầu năm. Ảnh: Nguyễn Hiền.

Tăng thuế nhập khẩu, ưu tiên hàng trong nước

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cho rằng việc nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ ở các nền kinh tế đang phát triển như nước ta là bình thường. Nếu cấm hẳn nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ thì rất dễ bị quy vào việc vi phạm cam kết WTO.

“Khi có cầu ắt có cung, áp dụng mức thuế với các mặt hàng xa xỉ cũng chỉ hạn chế được một phần nhu cầu của những người có tiền. Việc áp dụng và thực hiện nghiêm quy định sử dụng hàng trong nước trong mua sắm công tại các doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết”- Ông Ánh nói.

Ở khía cạnh khác, theo ông Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu thương mại cách tiêu dùng của người dân Việt Nam hiện nay chịu ảnh hưởng khá mạnh của việc mua sắm theo phong trào. Nhiều người không thuộc diện thu nhập cao nhưng vẫn cố bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua xe gắn máy ngoại nhập, thay điện thoại di động đời mới. Theo ông, tăng thuế sẽ có tác dụng hạn chế đáng kể nhu cầu một số loại sản phẩm xa xỉ nhất định.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, có nghịch lý là dù một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu khá tốt nhưng tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu lại rất cao. Điều này cho thấy ta mới làm gia công là chủ yếu, chưa tạo được hàm lượng giá trị gia tăng cao. Điển hình như máy tính và thiết bị máy tính xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng rất lớn, trên 5 tỷ USD.

Để hạn chế nhập siêu, Bộ Công Thương đã đề ra một số biện pháp, trong đó có việc phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu. Bộ cũng vừa công bố danh sách 93 mặt hàng thuộc diện không khuyến khích nhập khẩu.

Theo đó, các mặt hàng hạn chế nhập khẩu được mở rộng hơn nữa, gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, quần áo, hàng may mặc phụ trợ và các mặt hàng dệt khác. Những hàng thuộc diện xa xỉ như ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá, kim loại quý, gỗ và các mặt hàng từ gỗ... cũng thuộc danh mục này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG