Hạt lúa vươn tới “hệ thống kháng rầy”

Hạt lúa vươn tới “hệ thống kháng rầy”
TP - Năm 2008, hạt lúa chịu những biến động chưa bao giờ có, đầu năm, giá cao khắp nơi tranh mua, cuối năm giá sụt giảm. Thị trường đỏng đảnh thúc đẩy hạt lúa Việt Nam quyết liệt bước vào giai đoạn phát triển mới.

Xin bắt đầu với nỗi niềm hạt lúa IR50404. Nhập vào nước ta từ Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế lừng danh năm 1991 để chống lại dịch rầy nâu, thay thế các giống lúa đã hoàn thành sứ mạng giúp dân tộc ta thoát nạn đói triền miên lịch sử: IR8, IR1561, NN3A, MTL58… Và IR50404 nhanh chóng đưa nước ta trở thành cường quốc xuất khẩu gạo.

Đây là giống thấp cây, kháng rầy mạnh, ngắn ngày, cho năng suất cao trong mọi điều kiện thổ nhưỡng. Hạt gạo bạc bụng vì có hàm lượng Amilo cao, tuyệt vời cho làm bánh, bún, hủ tiếu, nhưng nấu cơm thì bị quy cho chất lượng thấp. Khi thị trường cần gạo chất lượng cao, nó hóa ra thừa. Hậu quả của lối sản xuất “hái lượm”, thiếu quan tâm nghiên cứu thị trường.

Từ trước đến nay, sản xuất và kinh doanh lúa gạo ở nước ta nặng tư duy giải quyết cái ăn, chống đói, chưa vươn tới tầm đáp ứng nhu cầu của thị trường, làm giàu. Đây quả là sự chậm chạp đáng kinh ngạc sau 20 năm xuất khẩu gạo.

Hiện nay, quá trình sản xuất hạt lúa từ chọn giống, gieo cấy, thu hoạch đến bảo quản và lưu thông vẫn manh mún, lạc hậu tương tự nghìn xưa. Hầu hết nông dân phải tự bươn chải lo toan kể cả bảo quản sau thu hoạch, cho nên khi lúa dư thừa, ứ đọng thì mới thấy thiếu kho tàng.

Việc cơ giới hóa trong thu hoạch cũng bộc lộ rõ sự “hái lượm”. Hầu hết máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL do nông dân mày mò làm ra, bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ 20.

Đến đầu năm 2004, máy gặp đập liên hợp “made in Việt Nam” do nông dân sản xuất chính thức ra thị trường. Tuy nhiên, như những nông dân thông minh này đã nói: Họ cực quá nên nghĩ cách làm cho bớt cực.

Máy gặt đập liên hợp của nông dân chắp vá như cuộc đời họ, có những chi tiết ở hai chiếc máy của một cơ sở làm ra nhưng không lắp được cho nhau. Bởi vậy, năm 2005, máy gặp đập liên hợp sản xuất hàng loạt của Trung Quốc tràn vào và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ĐBSCL, hiện nay hơn 90%.

Hạt lúa vươn tới “hệ thống kháng rầy” ảnh 1
Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Hệ thống chuyên gia

Đã đến lúc nông dân phải trở thành các chuyên gia trong nghề trồng lúa. Nghĩa là sản xuất phải theo quy trình khoa học chặt chẽ để đảm bảo chất lượng hạt lúa cao và an toàn. Một số nơi ở ĐBSCL đang ráo riết áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu thực hành sản xuất tốt (Global GAP - Good Agricultural Practice).

HTX Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang) được công nhận đạt chuẩn Global GAP tháng 9/2008 khi tuân thủ 140 điều quy định. Toàn bộ lúa của HTX được Cty TNHH ADC ký hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn thị trường 20%.

Ở tỉnh An Giang, 665 nông dân tại các huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân và TP Long Xuyên đăng ký sản xuất lúa Nhật theo tiêu chuẩn khoa học trên 1.387 ha và Cty Liên doanh Angimex - Kitoku đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Các cấp quản lý cũng đang xáp vào hạt lúa một cách chuyên nghiệp hơn. Tỉnh An Giang đang triển khai đầu tư 3,4 tỷ đồng thực hiện chương trình chất lượng thương hiệu gạo xuất khẩu từ năm 2008 đến năm 2011. Tập trung vào đặc sản: Nàng Nhen Bảy Núi, gạo thơm Châu Phú, nếp Phú Tân, thực hiện theo tiêu chuẩn Global GAP.

Tỉnh Bạc Liêu đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo một bụi đỏ Hồng Dân, giữa năm 2008 được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Với 18.722 ha ở huyện Hồng Dân và Phước Long, mới đây Sở KH-CN Bạc Liêu ký với Trung tâm Đối ngoại tỉnh Đồng Nai cung cấp 25.000 tấn gạo với giá 15.000 đ/kg.

Tỉnh Sóc Trăng sau khi lai tạo thành công các giống lúa đặc sản ST3, ST5, ST10 được thị trường ưa chuộng, đã quy hoạch 50.000 ha vào năm 2010 ở bốn huyện: Mỹ Tú, Kế Sách, Ngã Năm, Thạnh Trị.

Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng đang tìm cách thoát khỏi lối “mua xô” để mua gạo theo phẩm cấp. Theo đó là quá trình đầu tư kho bãi, trung tâm giao dịch, hệ thống phân phối. Tổ chức các tổng công ty kinh doanh lương thực từ trên xuống như trước nay cũng đang có ý kiến cần xem xét, đổi lại là xây dựng từ dưới lên để gắn với nông dân, bám sát nhu cầu thị trường, đảm bảo kinh doanh có chiến lược ổn định.

Các khâu, các lĩnh vực trong quá trình sản xuất và kinh doanh lúa gạo đi vào chiều sâu với đội ngũ chuyên gia lành nghề. Khi đó, làm lúa không chỉ có “giống kháng rầy” mà còn có “hệ thống kháng rầy” đảm bảo cho tam nông phát triển bền vững.

Năm 2008, xuất khẩu gạo đạt gần 4,5 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,5 tỷ USD, tăng hơn năm trước 1 tỷ USD và chưa phải năm xuất lượng lớn nhất (năm 2005 đạt 5,16 triệu tấn) nhưng là năm có kim ngạch cao nhất.
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.