Hậu quả khi chủ đầu tư khoán trắng cho tư vấn giám sát

Hậu quả khi chủ đầu tư khoán trắng cho tư vấn giám sát
Khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng về sự kiện rút cốt thép của công trình xây dựng khu nhà tái định cư tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) thì sự cố cầu Văn Thánh 2 tại TPHCM lại xảy ra.

Vì sao có ban quản lý dự án, các nhà thầu danh tiếng trúng thầu và quá trình xây dựng được giám sát chặt chẽ bởi lực lượng tư vấn giám sát (TVGS) chuyên nghiệp mà các công trình xây dựng cơ bản vẫn rơi vào tình trạng “sờ đâu cũng thấy sai phạm”? Phải chăng quy chế về TVGS xây dựng công trình xây dựng cơ bản đã có những kẽ hở? 

Trước tiên, có thể thấy rằng, quyền hạn của các kỹ sư TVGS là rất lớn. Theo quy định hiện hành, TVGS có trách nhiệm quản lý chất lượng thi công, quản lý tiến độ thi công, quản lý giá thành thông qua việc xác nhận khối lượng bằng việc phát hành chứng chỉ thanh toán khối lượng thi công. Như vậy, TVGS hoàn toàn có thể thay mặt chủ đầu tư để điều chỉnh nhà thầu tại các công trường xây dựng và vì thế, nếu chủ đầu tư khoán trắng mọi việc cho lực lượng TVGS thì quyền lực của TVGS là số một.

Một kỹ sư tư vấn có thể điều chỉnh toàn bộ quá trình thi công của nhà thầu. Họ có thể làm chậm quá trình xác nhận mẫu thí nghiệm, từ chối ký vào chứng chỉ thanh toán mà nhà thầu tuyệt đối không thể khiếu kiện. Chẳng hạn, nếu nhà thầu không tỏ ra “biết điều”, mẫu bê tông được đem ra kiểm nghiệm trước khi trải thảm (ở các công trình đường) hoặc đổ cột, móng, nền (tại các công trình xây dựng dân dụng) có thể bị kỹ sư TVGS cố tình làm chậm quá trình xác nhận vài tiếng đồng hồ để cả một mẻ bê tông bị bỏ đi.

"Muốn được thông cảm, nhà thầu lại phải... 'biết điều" và những lần biết điều của nhà thầu đối với tư vấn càng nhiều, tiến độ, chất lượng công trình càng không đảm bảo"

Có trường hợp, vì một lý do nào đó, kỹ sư tư vấn không ký xác nhận để phát hành chứng chỉ thanh toán khối lượng đã hoàn công, mặc dù nhà thầu cần tiền thanh toán nhưng vẫn không dám đề nghị, chứ không nói đến chuyện khiếu kiện cho “ra nhẽ”.

Với quyền hạn được quy định là “có thể đình chỉ thi công khi thiết bị thi công không đúng chủng loại, không đủ số lượng theo hồ sơ thầu”, các TVGS thực sự là “ngáo ộp” đối với các nhà thầu năng lực yếu hoặc đang thi công nhiều công trình cùng chủng loại. Muốn được thông cảm, nhà thầu lại phải... “biết điều” và những lần biết điều của nhà thầu đối với tư vấn càng nhiều, tiến độ, chất lượng công trình càng không đảm bảo.

Không chỉ có thế, trong quy định về vai trò chức năng của TVGS còn nêu rõ: sẽ kiểm tra, xác nhận tiến độ thi công, tiếp nhận, đối chiếu và chỉ đạo nhà thầu xử lý các kết quả kiểm tra, giám định, phúc tra của các cơ quan chức năng và chủ đầu tư. Như vậy, chỉ cần quyết định của một cá nhân, có thể không phải là người có trình độ cao, cũng có thể ảnh hưởng tới tiến độ công trường.

Không có lực lượng TVGS, nhà thầu có thể làm ẩu, bớt xén vật liệu. Nhưng trang bị cho TVGS ngần ấy quyền hạn, chưa chắc chất lượng công trình được đảm bảo, thậm chí rất nguy hiểm khi nhà thầu móc nối với TVGS. Trường hợp vừa xảy ra tại công trường nhà di dân tại quận Thanh Xuân là một ví dụ. Ở đây, đơn vị tư vấn do chủ đầu tư chỉ định đã thuê tư vấn giám sát khác mà chủ đầu tư không hề hay biết.

Giải bài toán này như thế nào, điều đó là trách nhiệm của chủ đầu tư.

MỚI - NÓNG