Hậu WTO: Ngành Hàng hải bị tác động mạnh nhất

Hậu WTO: Ngành Hàng hải bị tác động mạnh nhất
TP - Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Về giao thông vận tải thì ngành hàng hải bị tác động mạnh nhất.

Việc Việt Nam chọn mức cam kết thứ 3 (trong 4 mức cam kết mở cửa thị trường hàng hải) được giới vận tải biển cho rằng: Ngành hàng hải gần như mở toang cánh cửa.

Hậu WTO: Ngành Hàng hải bị tác động mạnh nhất ảnh 1
Giao vận hàng tại Cảng Sài Gòn

Ông Dương Chí Dũng - Tổng GĐ Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - cho biết: Vinalines có đến 60% đội tàu tham gia vận tải quốc tế.

Hiện nay, nhiều “đại gia” hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam như hãng vận tải biển Maersk (Đan Mạch), nhà vận chuyển container lớn nhất thế giới được phép thành lập Cty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (Maersk cũng đồng thời là nhà đầu tư trong lĩnh vực cảng biển tại Việt Nam).

Các “đại gia” vận tải của Nhật Bản như MOL, NYK, K’Lines…bằng những cách khác nhau cũng đã có mặt từ lâu tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cảng biển nổi tiếng như PSA (Singapore),Hutchinson (Hồng Công-Trung Quốc), APM (Đan Mạch), SSA (Mỹ)… đã liên doanh với Vinalines, hiện đại hóa và khai thác đầu tư một số cảng biển lớn tại Việt Nam.

Theo cam kết gia nhập WTO, các nhà đầu tư nước ngoài có thể kinh doanh hàng hải theo hình thức bắt buộc là liên doanh hoặc BOT. Trường hợp liên doanh, phần vốn bắt buộc của Việt Nam phải là 51%, phần còn lại của nước ngoài.

Theo ông Dũng, để giảm tác động tiêu cực sau gia nhập WTO, đồng thời thực hiện lộ trình trở thành Tập đoàn Hàng hải vào năm 2007, Vinalines đã chú trọng việc kinh doanh đa ngành, đa sở hữu. Trong đó, vận tải biển, quản lý và khai thác cảng, dịch vụ hàng hải đóng vai trò chủ lực trong ngành hàng hải Việt Nam.

Theo hướng phát triển này, Vinalines sẽ phát triển các đội tàu vận tải biển chuyên dụng như tàu container, tàu chở dầu 50 nghìn tấn và tàu chở hàng rời cỡ lớn (khoảng 150 nghìn tấn) đi châu Âu, châu Mỹ.

10 tháng qua, tổng doanh thu của Vinalines  đạt khoảng 9 nghìn tỷ đồng (trong đó khối vận tải đạt hơn  4 nghìn tỷ, khối cảng khoảng 1 nghìn tỷ , khối dịch vụ khoảng 5 trăm tỷ, khối liên doanh cổ phần hơn 3 nghìn tỷ); sản lượng hàng thông qua cảng khoảng 33 triệu tấn (tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái).

Sự cạnh tranh vận tải biển hậu gia nhập WTO thực tế là sự cạnh tranh giữa các “đại gia” nước ngoài trên sân nhà Việt Nam. Bên cạnh đó, cảng biển của Việt Nam tuy nhiều nhưng bố trí chưa hợp lý và ít cảng nước sâu để đón tàu có trọng tải lớn. Hiện, Việt Nam có 266 cảng biển bố trí tại 24 tỉnh, thành.

Trong số này chỉ có 9 cảng lớn, lại không đủ khả năng đón tàu trọng tải 50 nghìn tấn. Dự kiến, năm 2010 sẽ có khoảng 200 triệu tấn hàng thông qua các cảng biển Việt Nam. 10 năm kế tiếp, số lượng này có thể sẽ là 350 triệu tấn hàng hóa.

Việt Nam gia nhập WTO, xu thế chung giá dịch vụ hàng hải sẽ giảm, do các hãng nước có kinh nghiệm và phương tiện tốt hơn chúng ta nhiều. Điều này buộc chúng ta phải bằng mọi cách nâng cao chất lượng và hạ giá thành dịch vụ.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.