Hệ quả của sự lạnh lùng, vô cảm…

Hệ quả của sự lạnh lùng, vô cảm…
TP - Tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang diễn ra quá chậm. Năm 2007, có 82 DNNN được CPH, chỉ đạt 21% kế hoạch do Chính phủ đề ra.
Hệ quả của sự lạnh lùng, vô cảm… ảnh 1

Nhà máy xi măng Yên Bình (Yên Bái) của Cty CP Yên Bình (trong đó Tổng Cty Vinaconex là cổ đông lớn nhất) vừa vào sản xuất. Ảnh: P.N.B

Theo các đại biểu dự hội thảo “Tháo gỡ vướng mắc hành chính trong CPH DNNN” (do Trung tâm thông tin DN, Báo DN nguyệt san và Cty truyền thông&hoạt động xã hội – MaS tổ chức ngày 20/3/2008 tại Hà Nội), một nguyên nhân hàng đầu làm chậm quá trình CPH là việc hành chính hóa quan hệ kinh tế vào tiến trình CPH DNNN cũng như hệ thống văn bản hành chính, thủ tục rườm rà, chồng chéo.

“Hệ quả sự lạnh lùng, vô cảm...” - Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Cty tư vấn VFAM Việt Nam - kêu lên như vậy, trước đông đảo đại diện các nhà quản lý, luật sư, tổ chức kinh tế, hiệp hội và hàng trăm DN đã, đang vướng mắc về hành chính trong quá trình CPH.

Sự lạnh lùng, vô cảm đó là của một bộ phận cán bộ, công chức, quan chức; nó như căn bệnh nan y đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị. Người ta thừa biết cả đấy, nhưng cứ làm thế và làm được, bởi đất nước này còn thiếu cơ chế hành xử, mà cơ chế thì không từ trên trời rơi xuống.

Luật gia Cao Bá Khoát - GĐ Cty TNHH tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự - cho rằng chính sách và quy trình CPH ở nước ta đang còn dựa trên tư duy cũ.

Từ khâu xây dựng phương án CPH, tổ chức bán cổ phần cho đến việc hoàn tất thủ tục chuyển DN thành Cty cổ phần còn rất nhiều bất cập: Khởi đầu là quy trình CPH chưa sát thực tế, còn rườm rà, phức tạp không đáng có, nên thời gian CPH bị kéo dài (Để thực hiện CPH, bình quân mỗi DN phải mất hơn một năm, mỗi Tổng Cty phải gần hai năm);

Tiếp đó là các khâu lựa chọn tổ chức tư vấn, xác định giá trị DN, bán đấu giá cổ phần lần đầu, bán cổ phần cho người lao động, xác định nợ phải trả, chuyển nợ đến hạn phải trả thành cổ phần, khái niệm về cổ đông sáng lập, cổ phần bán cho công đoàn, việc can thiệp hành chính không đúng thẩm quyền của cơ quan nhà nước..., đâu cũng trúc trắc, làm khó cho DN CPH.

Luật gia Vũ Xuân Tiền thắc mắc: Việc CPH quá ì ạch, kế hoạch CPH DNNN không hoàn thành, mà sao không cán bộ, quan chức nào bị khiển trách?

Theo ông Tiền, rào cản lớn nhất và quan trọng nhất từ cơ chế hành chính đối với việc CPH DNNN ở chỗ khung pháp lý cho quá trình CPH không đủ mạnh; rào cản lớn thứ hai là cơ chế chủ quản đối với các DN trong hoạt động kinh doanh;

Thứ ba là sự thay đổi quá nhanh và quá nhiều trong quy trình CPH các DNNN;

Thứ tư là sự lúng túng trong việc phải đồng thời đạt được những mục đích trái nhau trong CPH DN; thứ năm là sự thờ ơ, vô cảm của không ít cán bộ, công chức, quan chức trong việc tháo gỡ khó khăn cho các DN trong quá trình CPH.

Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng VN Phạm Sỹ Liêm cho rằng, việc tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc hành chính cần thực hiện trên cơ sở xem xét thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống hành chính. Luật gia Cao Bá Khoát đề xuất: “Quan trọng nhất là phải hoàn thiện pháp luật về CPH.

Cần quy định đơn giản hơn về trình tự, thủ tục thực hiện một số khâu trong quy trình CPH. Đặc biệt các cơ quan có thẩm quyền phải phối hợp chặt chẽ, thống nhất hướng dẫn và xử lý những vướng mắc của DN CPH đảm bảo khách quan, minh bạch, đúng pháp luật; tránh tình trạng lạm dụng quyền lực để nhũng nhiễu DN, cản trở tiến trình CPH DN;

Lãnh đạo các DN cổ phần phải hiểu rõ mục tiêu CPH là chuyển đổi DNNN sang loại hình DN nhiều chủ sở hữu, huy động vốn từ mọi nguồn, đổi mới công nghệ và phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và các cổ đông khác”.  

MỚI - NÓNG