Heo sỉ giảm giá mạnh, giá thịt vẫn cao

Người tiêu dùng mua heo ở chợ lẻ vẫn chịu mức giá cao
Người tiêu dùng mua heo ở chợ lẻ vẫn chịu mức giá cao
TP - Mặc dù giá thịt heo sỉ (heo hơi) đã giảm trung bình 20.000 đồng/kg so với cao điểm hồi tháng 5/2020, thế nhưng tại các chợ lẻ trên địa bàn TPHCM, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo với giá cao.

Theo Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (chợ sỉ thịt heo lớn nhất TPHCM), giá heo hơi ngày 27/8 giảm về mức dưới 80.000 đồng một kg. Theo đó, giá heo mảnh loại 1 còn 97.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng; loại 2 còn 88.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng so với tuần trước đó.

Trưa 27/8, tại chợ Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân, TPHCM), chị Thủy - một tiểu thương hàng thịt heo, chào giá thịt heo giảm từ 3.000-5.000 đồng so với hồi tuần trước. Cụ thể, giá ba rọi giá 160.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng; giò heo giảm còn 130.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng; nạc dăm còn 110.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng)… “Do tháng 7 âm lịch nhiều người ăn chay nên thịt heo giảm nhẹ. Tuy nhiên vẫn rất ít khách mua vì so ra, giá thịt thế này vẫn còn rất cao. Từ đầu tháng tới nay, có ngày tôi bán chưa tới 50 kg thịt. Nhiều người lựa chọn thực phẩm thay thế như thịt gia cầm, thủy hải sản… để hợp túi tiền hơn” - chị Thủy cho biết. 

Tại chợ Tân Định (Q.1), các loại thịt heo cũng giảm giá từ 3.000-5.000 đồng/kg, như thịt ba rọi ở mức 170.000-180.000 đồng/kg, sườn non 200.000-210.000 đồng/kg, xương đầu là giá thấp nhất từ 40.000-60.000 đồng/kg…  “Mức này là giảm nhiều nhất trong năm nay rồi, qua tháng chay có khi thịt heo không có giá này mà sẽ còn tăng lên” - bà Bảy (kinh doanh thịt heo, bò) dự đoán.
Trong khi đó, thịt heo của Vissan dao động ở mức 70.000-280.000 đồng/kg, thịt ba chỉ rút sườn và sườn non heo lần lượt đạt mức 250.000-280.000 đồng/kg. Thịt heo của Công ty thực phẩm tươi sống Hà Hiền, mức giá bán tại đây rơi vào khoảng 72.000-185.000 đồng/kg, sườn non bán ở ngưỡng 185.000 đồng/kg…

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, có 3 nguyên nhân lớn khiến giá heo hơi giảm sâu trong tuần gần đây. Đó là do tháng 7 âm lịch thương lái giảm thu mua heo, người dân ăn chay nhiều, lượng tiêu thụ thịt heo giảm; dịch COVID-19 quay trở lại ảnh hưởng đến sức mua trong khi nguồn cung heo tăng hơn so với các tháng trước; cuối cùng là lượng heo Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam ngày càng nhiều, song song đó, các công ty chăn nuôi có thị phần lớn phát triển đàn rất nhanh.
Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) xác nhận, giá heo hơi trên thị trường đã giảm trong những ngày gần đây nhưng Vissan vẫn mua vào ở mức 83.000 - 84.000 đồng/kg. Đây cũng chính là mức giá heo hơi cơ sở mà Vissan đăng ký giá bán lẻ trong chương trình bình ổn thị trường hồi giữa tháng 6 vừa qua.

“Nói heo hơi giảm là so với mức đỉnh thời gian trước, thực tế giá heo hơi vẫn còn rất cao dẫn đến giá thịt heo cao. Vissan là đơn vị bán lẻ, rất muốn giá heo thấp nhưng căn cứ tình hình thực tế khó hy vọng giá sẽ giảm sâu từ nay đến cuối năm. Trong tháng 7 âm lịch, người dân ăn chay nhiều nên giá thịt giảm, nhưng sau đó có thể sẽ tăng khi hết tháng vì nguồn cung dù có cải thiện nhưng chưa thể được như trước khi có dịch tả heo Châu Phi” - ông An dự báo.

Dè dặt tái đàn

 Mặc dù thủ phủ heo Đồng Nai công bố hết dịch tả heo châu Phi nhưng các hộ chăn nuôi vẫn rất dè dặt và chật vật khi tái đàn. “Đây là lần tái đàn lần thứ 5 của tôi. Bốn lần trước, heo được 60-70kg thì đều mắc dịch trở lại. Chúng tôi đang tự mày mò, khắc phục từ từ, vừa tái đàn vừa nghe ngóng” - anh Nguyễn Hữu Thái (H. Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) có 20 năm trong nghề chăn nuôi heo ngao ngán.

Anh Thái cho biết, mỗi lần tái đàn đều nhập chuồng từ 300-400 con heo với tổng số tiền từ 1,3-1,5 tỷ đồng. Trong đó heo con có giá từ 3 đến 4,6 triệu đồng/con. Nhà cửa, đất đai anh đều cầm hết cho ngân hàng để gầy lại đàn nhưng  chưa thành công. “Gần đây công ty cám cho vay lãi suất 0%, nhưng mình phải lấy cám của đơn vị này. Thực ra tái đàn thành công thì rất mau lấy lại vốn. Nếu lần tái đàn thứ 5 này thành công, đến Tết chúng tôi có heo xuất chuồng” - anh Thái kỳ vọng.

Hiện tại, vùng Gia Kiệm - nơi nuôi heo nhiều nhất của tỉnh Đồng Nai gần như không còn heo để bán cho thương lái. Dù giá heo hơi tăng cao nhưng người dân vẫn không dám tái đàn ồ ạt do chưa có vắc xin dịch tả heo châu Phi. “Chúng tôi vừa mua 10 con heo hậu bị (heo mẹ) với khá khoảng 15 triệu đồng/con, đắt gấp 3 lần trước khi có dịch bệnh, vừa phối giống và đang chờ kết quả” - bà Thu Minh, hộ nuôi heo ở Gia Kiệm nói.

Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến hết tháng 6/2020, sau hơn 3 tháng công bố hết bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn, tổng đàn heo của tỉnh chỉ đạt 2,03 triệu con, giảm hơn 18% so với thời điểm chưa xảy ra dịch, nên nguồn cung thịt heo trên địa bàn bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, giá heo thịt trong 1 tuần nay xuất tại cửa chuồng đã giảm 15-18 nghìn đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Theo Cục này, nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành khoảng 71.000 đồng/kg heo hơi, nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg. 

Bộ NN& PTNT cho biết, từ tháng 10/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn đã cho phối giống và tăng đàn heo thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ đến đầu năm 2020 mới tái đàn, như vậy dự kiến đến đầu quý 4/2020 mới đảm bảo cơ bản nhu cầu thịt heo. 

Tăng nhập lợn giống, lợn thịt 

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) vừa cho biết, có 40 lượt doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhập khẩu 5 triệu con lợn sống từ Thái Lan. Hiện các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 97.300 con lợn thịt từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm. Ngoài ra, có 15 doanh nghiệp nhập khẩu trên 16.500 con lợn giống các loại, chủ yếu từ các nước Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Đài Loan…Theo số liệu đăng ký, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu tiếp đến hết năm 2020 gần 400 nghìn con giống bố mẹ.

Với số lượng lợn giống nhập khẩu và số lượng tự sản xuất trong nước, Việt Nam sẽ chủ động được số lượng giống thay thế theo chu kỳ sản xuất, đáp ứng được lợn giống cho sản xuất từ năm 2021-2024.

Nam Khánh

MỚI - NÓNG