Kho bạc Nhà nước:

Hiện đại hóa công nghệ, tạo động lực cải cách hành chính trong lĩnh vực hoạt động

Hiện đại hóa công nghệ, tạo động lực cải cách hành chính trong lĩnh vực hoạt động
Để đạt mục tiêu "Xây dựng Kho bạc Nhà nước hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.

Đến năm 2020, các hoạt động Kho bạc Nhà nước được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử' theo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong những năm qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đã xây dựng và triển khai nhiều dự án, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ và công tác quản trị nội ngành; từ đó, thiết lập một cấu trúc tổng thể công nghệ thông tin phù hợp với Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước.

Những kết quả đạt được

1. Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), công cụ quản lý ngân sách nhà nước hữu hiệu

Hệ thống TABMIS là kết quả của quá trình triển khai Dự án Cải cách quản lý tài chính công của Bộ Tài chính do Kho bạc Nhà nước triển khai thực hiện. Từ năm 2006, Kho bạc Nhà nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Tài chính xây dựng quy trình nghiệp vụ, chuẩn bị cơ sở vật chất, phối hợp với nhà thầu quốc tế để xây dựng hệ thống theo định hướng cải cách mạnh mẽ và hướng tới thông lệ quốc tế về quản lý tài chính công. Đến cuối năm 2012, hệ thống TABMIS đã được triển khai thành công đến tất cả các cơ quan Tài chính, đơn vị Kho bạc Nhà nước trên toàn quốc, một số Bộ, ngành trung ương và đơn vị dự toán địa phương; từ đó, tạo thành xương sống cho hệ thống thông tin của Kho bạc Nhà nước nói riêng và Bộ Tài chính nói chung; đồng thời, góp phần mang lại đổi mới trong công tác quản lý ngân sách nhà nước.

Với mô hình tập trung, TABMIS đã giúp hỗ trợ lập các báo quản trị theo nhiều tiêu thức, phục vụ cho yêu cầu quản lý, điều hành ngân sách nhà nước của chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan. Ngoài ra, TABMIS cũng cung cấp thông tin nhanh, chính xác về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, đảm bảo sự đồng bộ về dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước giữa Kho bạc Nhà nước và các cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan.

Đối với Kho bạc Nhà nước, TABMIS góp phần hoàn thiện công tác kế toán ngân sách nhà nước, các quỹ và tài sản của Nhà nước được giao quản lý, các khoản viện trợ, vay nợ, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật; báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước cho cơ quan Tài chính cùng cấp và cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật. Từ khi hoàn thành triển khai TABMIS, Kho bạc Nhà nước đã chủ động về mặt số liệu, kịp thời phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành ngân sách nhà nước của cơ quan Tài chính và chính quyền các cấp.

Đối với cơ quan Tài chính các cấp (trung ương, tỉnh, huyện), công tác phân bổ dự toán ngân sách nhà nước trên TABMIS là một bước cải cách lớn, giúp các cơ quan quản lý, kiểm soát được việc phân bổ dự toán ngân sách các cấp sau khi được Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê duyệt, nâng cao trách nhiệm các bên trong quản lý điều hành ngân sách. Bên cạnh đó, cơ quan Tài chính các cấp cũng có thể chủ động trực tiếp khai thác các báo cáo về dự toán, thu, chi ngân sách nhà nước từ hệ thống (thay cho việc chỉ nhận báo cáo từ Kho bạc Nhà nước như trước đây).

Đối với các Bộ, ngành, Sở tham gia trực tiếp TABMIS (37 Bộ, ngành trung ương và 3 Sở của Hà Nội), công tác phân bổ dự toán ngân sách nhà nước được thực hiện trên TABMIS, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý phân bổ ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc.

2. Hiện đại hóa công tác quản lý thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, động lực cải cách nâng cao hiệu quả quản lý thu, nộp thuế

Kho bạc Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan có liên quan trong ngành Tài chính triển khai Dự án Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa cơ quan Thuế - Hải quan - Kho bạc Nhà nước - Tài chính từ năm 2006 theo mô hình phân tán (phần mềm ứng dụng tại từng địa phương). Đến năm 2009, dự án được nâng cấp từ mô hình phân tán sang tập trung (toàn quốc dùng chung một phần mềm ứng dụng) với các mục tiêu: thông tin nhanh số thu vào ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; giảm nguồn lực nhập cùng loại thông tin về chứng từ thu và khắc phục tình trạng không thống nhất về thông tin giữa các cơ quan, đơn vị; đáp ứng xu hướng hiện đại hóa công tác quản lý tài chính quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách; tạo tiền đề triển khai ủy nhiệm thu qua ngân hàng.

Đến tháng 4/2013, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiến hành triển khai nâng cấp đồng bộ và toàn diện hệ thống trao đổi thông tin giữa ngành Thuế - Hải quan - Kho bạc Nhà nước - Tài chính. Cùng với sự thành công của dự án, Kho bạc Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan trong ngành Tài chính triển khai phối hợp thu và ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng thương mại, áp dụng các hình thức thu, nộp ngân sách nhà nước văn minh, hiện đại như ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua ngân hàng thương mại, nộp ngân sách nhà nước qua Internet, ATM. Với việc triển khai hiện đại hóa công tác thu ngân sách nhà nước và phối hợp thu, ủy nhiệm thu và xây dựng các hệ thống thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước đã tạo ra được hệ thống kết nối thông suốt giữa người nộp thuế - ngân hàng - Kho bạc - cơ quan Thuế - cơ quan Hải quan, điện tử hóa công tác thu ngân sách và hỗ trợ tích cực người nộp thuế, hỗ trợ thông quan điện tử, đảm bảo việc chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời.

3. Phát triển và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, động lực cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước

Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, từ năm 2016, Kho bạc Nhà nước đã triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại 5 tỉnh thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh) và sau đó triển khai mở rộng từ tháng 2/2018. Tính đến 31/12/2019, số đơn vị quan hệ ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, thành phố, quận, thị xã là 26.570; số đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp huyện là 28.130; tính chung, tổng số đơn vị quan hệ ngân sách đã tham gia dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước là 54.700/96.968 đơn vị, đạt tỷ lệ 56%.

Về cơ bản, hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã hoạt động thông suốt, đảm bảo an toàn và dễ dàng cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi tham gia. Từ đó, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chỉ thực hiện giao nhận hồ sơ và thực hiện thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến (đơn vị không phải đến giao dịch trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước), góp phần tạo sự công khai, minh bạch trong quá trình giao dịch với Kho bạc Nhà nước; đồng thời, tạo sự hài lòng, thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, là một bước tiến quan trọng đến mục tiêu Kho bạc điện tử vào cuối năm 2020.

4. Kho dữ liệu thống kê, phân tích nghiệp vụ Kho bạc

Với mục tiêu tổng quát là xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính đòi hỏi quy trình nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước phải được nâng cao, để đáp ứng yêu cầu của xu thế phát triển công nghệ thông qua điện tử hóa/số hóa. Trong thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng và triển khai hệ thống kho dữ liệu của Kho bạc Nhà nước nhằm cung cấp nhanh các báo cáo phục vụ điều hành của Kho bạc Nhà nước và cung cấp dữ liệu cho kho dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính.

Hệ thống kho dữ liệu của Kho bạc Nhà nước được triển khai từ tháng 12/2018, bao gồm: (i) nhóm báo cáo theo chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước; (ii) nhóm báo cáo nhanh về tình hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu dự toán (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) theo chế độ báo cáo của Bộ Tài chính về số liệu thu, chi ngân sách nhà nước; (iii) nhóm báo cáo theo hệ thống chỉ tiêu và chế độ báo cáo thống kê hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước; (iv) nhóm báo cáo phân tích cho phép người sử dụng có thể khai thác, thiết lập các thông tin quản lý theo nhu cầu người dùng (người dùng có thể tự thiết lập các loại báo cáo theo từng chủ đề theo dõi của cá nhân hoặc có thể chia sẻ các báo cáo đó cho người sử dụng khác). Qua đó, đáp ứng nhu cầu tổng hợp, phân tích thông tin đa dạng trong từng giai đoạn của mỗi cấp quản lý.

5. Hệ thống tổng kế toán nhà nước, cung cấp thông tin về tài chính nhà nước

Để thực hiện chức năng mới và quan trọng của hệ thống Kho bạc Nhà nước là tổng kế toán nhà nước, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng và triển khai hệ thống tổng kế toán nhà nước từ tháng 6/2019 để tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước từng địa phương và toàn quốc. Đến cuối năm 2019, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc lập báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân để báo cáo Hội đồng nhân dân. Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc cho năm tài chính 2018 dự kiến sẽ được trình Quốc hội phê chuẩn vào tháng 5/2020.

Hệ thống tổng kế toán nhà nước có khả năng ghi nhận thông tin, công khai, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế và tổng hợp, trình bày hệ thống thông tin tài chính nhà nước dưới hình thức báo cáo tài chính của Chính phủ hoặc từng địa bàn (chính quyền địa phương), phù hợp với thông lệ quốc tế, do được công khai về tình hình tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước được quản lý tại các đơn vị; kết quả hoạt động (thường xuyên, đầu tư, tài chính) của Chính phủ, của cơ quan đơn vị (từ Trung ương đến địa phương); nguồn lực tài chính và nghĩa vụ hiện hữu của Nhà nước; các thông tin thuyết minh và tình hình chi tiêu ngân sách nhà nước của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, hiệu quả sử dụng tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Từ đó, bước đầu giúp chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý có thêm thông tin đánh giá về hiệu quả điều hành ngân sách nhà nước và kết quả hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm, thông tin về tổng tài sản, tổng nghĩa vụ phải trả của Nhà nước,... phục vụ cho quá trình quản lý, điều hành.

Hiện đại hóa công nghệ, tạo động lực cải cách hành chính trong lĩnh vực hoạt động ảnh 1
 

6. Hệ thống thanh toán tập trung, dự báo luồng tiền, công cụ phục vụ cho hoạt động cải cách, quản lý ngân quỹ nhà nước

- Về hệ thống thanh toán tập trung: Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng, làm cơ sở cho việc dồn ngân quỹ nhà nước về quản lý tập trung tại Ngân hàng Nhà nước ở Trung ương; ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng để tạm ứng cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh và gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó, đ được sử dụng để tạm ứng cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh và gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó, đã đáp ứng kịp thời, đầy đủ mọi nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch; đồng thời, gắn kết quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý ngân sách và quản lý nợ, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, việc điện tử hóa các giao dịch thanh toán đã thay thế hoàn toàn phương thức thanh toán thủ công, đảm bảo việc thanh toán được nhanh hơn, chính xác và an toàn hơn; giảm đáng kể lao động thủ công trong công tác thanh toán; giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, tạo cơ sở hướng tới xây dựng Kho bạc Nhà nước không giao dịch bằng tiền mặt vào năm 2020.

- Về hệ thống dự báo luồng tiền: Hệ thống đã được Kho bạc Nhà nước triển khai và đi vào hoạt động từ tháng 01/2019. Với việc thu thập dữ liệu từ các đơn vị thuộc ngành Tài chính kết hợp với dữ liệu thu thập được từ các hệ thống khác để xác định, dự báo số thu, chi ngân quỹ nhà nước theo từng quý, tháng, tuần và ngày, phục vụ cho việc quản lý ngân quỹ nhà nước chủ động, an toàn và hiệu quả.

7. Về công tác quản trị nội ngành

Cùng với hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước còn quan tâm đến hiện đại hóa công tác quản lý, quản trị nội ngành trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, vào các hoạt động quản lý tài chính, kế toán nội bộ, quản lý tài sản, quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng, cổng thông tin nội bộ, quản lý văn bản điều hành (eDocTC), trao đổi thông tin thông qua hệ thống thư điện tử nội bộ,... Đến nay, nhiều hệ thống ứng dụng đã trở thành công cụ làm việc không thể thiếu, thành thói quen làm việc của mỗi cán bộ, công chức của Kho bạc Nhà nước như giao việc, xử lý văn bản.

II. Lộ trình thời gian tới

Trong thời gian tới, cùng với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử và hình thành Chính phủ số, Kho bạc Nhà nước đang nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số, từng bước xây dựng và hình thành Kho bạc số giai đoạn 2020 - 2030. Cụ thể, dự kiến cấu trúc tổng thể công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 như sơ đồ sau:

qua hệ thống văn bản điều hành (eDocTC), trao đổi, cộng tác qua hệ thống thư điện tử và hệ thống trao đổi trực tuyến,. Hiện đại hóa công tác quản lý, quản trị nội ngành đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước.Dự kiến lộ trình triển khai trong thời gian tới:

- Giai đoạn 2021 - 2023: (i) thực hiện cải cách công tác thu ngân sách nhà nước theo mã định danh của từng khoản thu; (ii) xây dựng và triển khai dịch vụ phân bổ ngân sách nhà nước trực tuyến (chuyển đổi từ phân bổ trong mạng nội ngành Tài chính sang phân bổ trên cổng trực tuyến trên mạng internet).

- Giai đoạn 2022 - 2025, thực hiện kết nối liên thông dữ liệu giữa ngành Tài chính và ngành Kế hoạch đầu tư trong quá trình mua sắm công và chi ngân sách nhà nước (kiểm tra trực tuyến dự toán trước khi đấu thầu qua mạng, ký hợp đồng điện tử và cam kết chi trung hạn, thực hiện dành dự toán cho khoản chi đã có cam kết, thực hiện hóa đơn điện tử,...).

- Giai đoạn 2023 - 2030, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện những cải cách về kế toán nhà nước như đưa vào ban hành chuẩn mực kế toán công áp dụng tại Việt Nam; hoàn thiện kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp và kế toán ngân sách nhà nước để hình thành kế toán nhà nước; xây dựng và triển khai cổng dịch vụ kế toán nhà nước, kho dữ liệu kế toán nhà nước và nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).