VINASHIN đầu tư nhà máy thép lớn:

Hiệp hội Thép Việt Nam phản ứng

Hiệp hội Thép Việt Nam phản ứng
TP - Tám năm vẫn chưa hoàn thành được dự án nhà máy thép cán nóng thép tấm, công suất 350.000 tấn/năm, thì Tập đoàn kinh tế Vinashin lại vừa xin được đầu tư, nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm. Đề nghị này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng không khả thi.
Hiệp hội Thép Việt Nam phản ứng ảnh 1
Sau 8 năm Vinashin mới chạy thử mẻ thép đầu tiên

Dự án nhà máy cán nóng thép tấm của Cty TNHH một thành viên Thép Cái Lân - Vinashin ở Khu công nghiệp Cái Lân khởi công từ năm 2002, với công suất 350.000 tấn/năm. Đến nay, nhà máy mới chỉ chạy thử, chưa đi vào sản xuất hàng thương phẩm.

Tuy nhiên, mới đây Vinashin có tờ trình, gửi UBND tỉnh Quảng Ninh xin được nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm. Tờ trình của doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Ninh, soạn lại, trình lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, xin ý kiến.

Đầu tư để đón đầu?

Làm việc với phóng viên Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình cho biết, việc đề nghị nâng công suất nhà máy này lên 1 triệu tấn/năm là để đáp ứng nhu cầu thực tế sử dụng thép đóng tàu, tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của Vinashin.

Theo tờ trình, tổng mức đầu tư dự án nhà máy thép 1 triệu tấn/năm gần 3.000 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn sẽ huy động từ cổ đông, vay trong nước, nước ngoài, theo tỷ lệ vốn tự có của nhà đầu tư 15%, còn lại là vốn vay.

Theo ông Bình, thép dành cho đóng tàu là thép đặc biệt, và không phải ai cũng làm được. Hơn nữa, Vinashin chủ yếu đóng tàu xuất khẩu, phải cạnh tranh về giá, thời gian với thị trường thế giới.

Trong khi đó, chúng ta mua thép đóng tàu phần lớn từ các nước là những đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về công nghiệp đóng tàu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Thời gian qua, những nước này nâng giá thép tấm xuất khẩu cao hơn giá bán trong nước. Chẳng hạn Posco của Hàn Quốc bán trong nước một giá, nhưng xuất khẩu lại một giá khác; Trung Quốc cũng vậy.

“Nếu chúng ta không chủ động được thép đóng tàu, thì khó mà cạnh tranh được”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình,  thép dùng đóng tàu, không phải một loại mà hàng chục loại. Nếu đặt hàng số lượng ít, chẳng mấy khi họ làm cho mình trên dây chuyền của họ. Vì thế, nếu chúng ta làm, sẽ chủ động được. Làm được thép, sẽ tiết kiệm 10-20% so với giá nhập khẩu, thu về cả trăm triệu USD mỗi năm.

Mặt khác, nhà máy này sẽ cho ra sản phẩm thép tấm đóng tàu khổ rộng 3m, dài từ 6-18m. Với tấm thép khổ rộng, có thể đóng tàu khoảng 300.000 tấn, dạng tàu lớn nhất thế giới. Một tấm thép loại này, bằng 6 tấm thép hiện Vinashin vẫn nhập, sẽ giảm được nhiều đường hàn.

Hiện, Vinashin chỉ cần khoảng một nửa triệu tấn thép tấm. Nhưng sang năm 2013-2014, nhu cầu của Vinashin sẽ vượt qua 1 triệu tấn/năm, hết năm 2015 cần tới 2-2,5 triệu tấn.

“Lúc đó, cần thêm một nhà máy như ở Cái Lân. Trong tương lai, có ai đầu tư nữa thì quá tốt. Vì 1 triệu tấn so với nhu cầu của Vinashin vẫn chưa đủ”, ông Bình khẳng định.

Không thể tùy tiện

Trong bối cảnh Vinashin rất khó khăn về vốn, việc mở rộng nhà máy sẽ nâng tổng vốn dự án lên khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Như vậy, việc mở rộng có khả thi và mang lại hiệu quả, hay lại thêm một gánh nặng nợ nần? Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi VSA muốn VSA có ý kiến về vấn đề này.

Đáp lại, VSA, cho rằng, từ năm 2002, Vinashin đã đầu tư xây dựng nhà máy công suất 350.000 tấn/năm, nhưng mãi gần đây mới đưa vào chạy thử. Thông thường, với công suất nói trên, chỉ 2 năm là hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành.

Hơn nữa, công văn của UBND tỉnh Quảng Ninh có nêu quy mô nhà máy 1 triệu tấn/năm, chỉ cần đầu tư thêm lò nung số 2, sàn nguội số 2 và thiết bị làm nguội cường hóa để sản xuất thép cường độ cao.

“Nếu công văn của UBND tỉnh Quảng Ninh đúng, thì luận chứng kinh tế kỹ thuật khi xây dựng dự án là rất sơ sài, cần phải làm lại và phải lập hội đồng kỹ thuật để phê duyệt dự án, vì Vinashin là doanh nghiệp nhà nước không thể đầu tư tùy tiện”, Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường nhận định.

Mặt khác, cũng theo ông Cường, Vinashin trước đây từng rục rịch ký thỏa thuận với một số đối tác để xây dựng một số nhà máy thép nhưng đều không thực hiện được. Ngay cả nhà máy cán nóng thép tấm Cửu Long-Vinashin, công suất 300.000 tấn/năm tại Hải Phòng cũng đang hoạt động cầm chừng.

Như vậy, Vinashin đề nghị nâng công suất nhà máy lên 1 triệu tấn/năm tại Quảng Ninh để làm gì? “Vinashin là tập đoàn kinh tế nhà nước, nên khi bỏ một đồng vốn ra cũng phải thận trọng. Chúng tôi nghi ngờ về tính hiệu quả của dự án này”, ông Cường nói. 

Ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Vinashin: Đói vốn vẫn phải làm

Vinashin đang thiếu vốn, sao không hoàn thiện công suất 350.000 nghìn tấn trước, mà đã xin lên 1 triệu tấn, thưa ông?

Xin ở đây là xin chủ trương, để chuẩn bị trước cho bước sau, chứ không phải bây giờ. Chúng tôi phải hoàn thiện dây chuyền 350.000 tấn trước, chạy ra sản phẩm, bán lấy tiền, có lợi nhuận lại tiếp tục đầu tư.

Đầu tư phải tính, một năm nữa, nhu cầu thép sẽ lên cao. Muốn 2 năm nữa có thép thì 1 năm nữa phải xây dựng, và phải chuẩn bị bây giờ. Nhà máy đang chạy cán nguội, cuối tháng 3, sẽ thử chạy cán nóng.

Khi nào sẽ thực hiện công suất 1 triệu tấn/năm?

Phải hết năm nay. Để nhà máy ra sản phẩm tốt rồi, chúng tôi mới chuẩn bị, thiết kế các thiết bị cụ thể, chế tạo, lắp đặt. Cũng phải 2 năm nữa.

Nếu nâng công suất, sẽ phải đầu tư thêm bao nhiêu vốn?

Tăng khoảng 20-30%, tức cùng lắm tổng vốn lên khoảng 3.000 tỷ đồng. Vì thực tế, nhà xưởng, hạ tầng, băng chuyền, băng cán... đã xong hết, chỉ cần thêm lò và hệ thống băng nguội nữa là được.

Khó khăn về vốn thế này, Vinashin xoay xở vốn ra sao?

Nếu không có thép, chúng tôi còn khó khăn hơn. Đây là cái gốc để giải quyết khó khăn. Khi có thép, ngành đóng tàu sẽ tăng thêm sức cạnh tranh, có những hợp đồng, lợi nhuận tốt hơn, từ đó giải quyết khâu vốn.

Còn khó khăn về vốn mà không làm gì nữa thì đồng nghĩa với việc càng ngày càng chết. Trong lúc khó khăn, chúng tôi phải tập trung  vào cái gì làm ra được tiền.

Xem thép là cái gốc, tại sao Vinashin lại kéo dài dự án tới 8 năm nay, thưa ông?

Lại cũng là vấn đề vốn. Lúc đó, còn có cái cần hơn thép. Chẳng hạn làm một cái triền tàu, đà tàu, cần cẩu để đóng tàu cần hơn; phải đóng được tàu cái đã thì mới dùng đến thép chứ.

Chưa làm được thép thì trước mắt đi nhập cái đã. Giai đoạn này là cần thép, tiếp bước nữa là cần động cơ, có thế mới cạnh tranh được.

Nhưng chính nhà máy cán thép tấm nóng Cửu Long -Vinashin ở Hải Phòng công suất 300.000 tấn/năm cũng đang hoạt động cầm chừng?

Đúng, có một dây chuyền cán tấm nóng với khổ 1,6m và 1,8m, loại này dùng đóng tàu 5.000 - 6.000 tấn. Nhưng nhu cầu thị trường đến đâu thì cán đến đấy. Vấn đề là nhu cầu đóng tàu trong nước ít, vừa rồi phải xuất khẩu nhiều.

Hơn nữa, thép chất lượng thấp của Trung Quốc, nhiều loại tàu bé của tư nhân sử dụng nhiều. Giá thép mình làm ra, rẻ hơn so với thép nhập chất lượng 10-20% nhập.

Dự án này, sao Vinashin không trình lên Thủ tướng mà để UBND tỉnh Quảng Ninh làm việc đó?

Ở đâu cũng thế thôi, đầu tư tại tỉnh thì phải trình lên tỉnh, và tỉnh phải trình lên TƯ.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.