Hiệp ước chống XK hàng nhái: Vừa làm vừa… canh chừng

Hiệp ước chống XK hàng nhái: Vừa làm vừa… canh chừng
TP - Vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà không ít DN làm hàng xuất khẩu VN phải nhấp nhổm và vừa làm, vừa…canh chừng khi thời điểm Hiệp ước chống xuất khẩu hàng nhái được ký kết ngày càng đến gần.
Hiệp ước chống XK hàng nhái: Vừa làm vừa… canh chừng ảnh 1
Các doanh nghiệp ngành may dễ  “vướng” vào Hiệp ước chống xuất khẩu hàng nhái  Ảnh: Minh Quân

“Nếu không khéo, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị nước ngoài kiện”- Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hội dệt may, thêu đan TPHCM cảnh báo, đồng thời cho biết dệt may là một trong những mặt hàng dễ bị làm nhái, giả nên các doanh nghiệp trong ngành này cũng lo lắng nhất.

Từ trước đến nay, phần lớn các doanh nghiệp dệt may đều làm gia công cho các đối tác nước ngoài và làm theo mẫu mã, thương hiệu của khách hàng. Và người chịu trách nhiệm pháp lý về thương hiệu cũng là khách hàng.

Tuy nhiên, theo ông Kiệt, các doanh nghiệp trong nước thường lơ là việc thẩm định, kiểm tra xem khách hàng có phải là chủ sở hữu hợp pháp của các nhãn hiệu đang được đặt hàng sản xuất hay không; thậm chí cứ thấy có khách đến đặt hàng là nhận ngay. Vì vậy không ít doanh nghiệp đã gặp phải phiền toái do sự lơ là gây ra.

Trước đó đã từng xảy ra những trường hợp các khách hàng ở một số nước châu Âu (ngoài Liên minh châu Âu) đến Việt Nam đặt làm hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng để đem về tiêu thụ tại chính nước họ.

Khi bị phát hiện, tuy là “nạn nhân” nhưng dù ít hay nhiều các doanh nghiệp Việt Nam vẫn liên đới chịu trách nhiệm và chịu ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm ăn.

Theo Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap), tình trạng cơ sở sản xuất của nước này sang nước khác đặt làm hàng nhái, giả nhằm tránh sự kiểm soát của hàng rào thuế quan và cơ quan chống buôn lậu là khá phổ biến, kể cả doanh nghiệp trong nước ra nước ngoài đặt làm hàng nhái, giả các thương hiệu nổi tiếng trong nước rồi tuồn về bán.

Ông Nguyễn Hiếu Liêm - Phó Tổng Giám đốc Cty dệt may Thành Công (TPHCM) cho rằng, những doanh nghiệp nhỏ hoặc mới tham gia làm hàng xuất khẩu thường bị “dính” vào chuyện nhận làm hàng nhái, giả vì họ ít kinh nghiệm lẫn hiểu biết về đối tác. 

Theo ông Diệp Thành Kiệt, vì dễ làm nên rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ cũng “nhảy vào” làm hàng nhái, giả những nhãn hiệu nổi tiếng trong khi đó việc phát hiện lại không dễ dàng. “Trường hợp các chủ sở hữu nhãn hiệu nước ngoài không tìm ra được nhà sản xuất nhái, giả nhãn hiệu của mình thì họ có quyền kiện Chính phủ vì hành vi cho lưu hành hàng nhái, giả”- Ông Kiệt nói.

Và thực tế việc khiếu kiện này đã xảy ra tại Thái Lan. Trung Quốc là nước cũng đã từng bị cảnh báo về tình trạng làm hàng nhái, giả. Ngoài ra, ông Kiệt còn cảnh báo, các nước tham gia ký Hiệp ước sẽ cùng có biện pháp cứng rắn với nước có hàng giả, nhái. Lúc đó, không chỉ một doanh nghiệp mà tất cả các doanh nghiệp khác cùng ngành đều phải gánh chịu hậu quả.  

Doanh nghiệp lúng túng

Hiệp ước đa quốc gia có tên gọi “Điều ước ngăn chặn phổ biến hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ” dự kiến sẽ được ký kết trong tháng 12/2007 với sự tham gia của Nhật Bản, Mỹ, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sỹ, Mêhicô và New Zealand. Trong tương lai hiệp ước này sẽ được phổ biến tới 150 nước thành viên WTO. Hiệp ước này cấm xuất khẩu hàng nhái và cho phép hải quan tịch thu hàng nhái đồng thời công khai danh tính các doanh nghiệp, cá nhân buôn bán hàng nhái.

(Nguồn: Trung tâm thông tin thương mại- Bộ Công Thương)

Ông Nguyễn Hiếu Liêm nói rằng, để tránh rơi vào tình trạng “sống dở, chết dở”, các doanh nghiệp Việt Nam nên yêu cầu các đối tác nước ngoài xuất trình đầy đủ các cơ sở chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu hàng hóa đặt làm.

Có cùng quan điểm đó, song ông Kiệt vẫn không khỏi lo ngại về những tình huống bất khả kháng. Ông nói: Thông thường, khi cần xác minh một nhãn hiệu nước ngoài đã được bảo hộ tại Việt Nam hay chưa, doanh nghiệp có thể nhờ cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ để kiểm tra.

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài chỉ đặt sản xuất hàng mà không bán hàng tại Việt Nam nên không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước muốn kiểm tra quyền sở hữu trí tuệ nhãn hàng của đối tác nước ngoài cũng không dễ, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về các doanh nghiệp. Và không phải đợi đến giờ G, các doanh nghiệp trong nước phải ý thức và tuân thủ theo Hiệp ước chống phổ biến hàng giả, vi phạm SHTT ngay từ bây giờ nếu không muốn gánh lấy thiệt hại.   

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.