Hiệu quả từ các dự án cấp điện tại Gia Lai: Áo mới thôn buôn

Hiệu quả từ các dự án cấp điện tại Gia Lai: Áo mới thôn buôn
Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của ngành Điện, lưới điện quốc gia đã vươn xa đến từng thôn, bản vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Có điện, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt kinh tế - xã hội có nhiều đổi thay, nhất là diện mạo vùng nông thôn.

Ánh sáng văn minh của người đồng bào

Những ngày cuối năm 2015, chúng tôi có dịp trở lại một số thôn, buôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai – khu vực được hưởng thụ từ Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên. Mỗi nơi chúng tôi đi qua, chứng kiến sự đổi thay về đời sống của người dân và diện mạo nông thôn, chúng tôi càng thấu hiểu giá trị mà ánh sáng điện mang lại.

Nhớ lại khoảng thời gian chưa có điện, ông Nguyễn Trúc - Chủ tịch UBND xã Ia Vê, huyện Chưprông bùi ngùi: “Đời sống của bà con vất vả, khó khăn, thiếu thốn đủ thứ”. Vì vậy, khi Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện của 5 tỉnh Tây Nguyên được khởi công vào năm 2008 đã thổi một luồng gió mới cho đồng bào nơi đây. Mục tiêu của Dự án là đưa điện lưới quốc gia về 1.300 thôn, buôn với số vốn trên 1.300 tỷ đồng, trong đó 85% là vốn ngân sách, 15% là vốn của EVN. Sau khi dự án hoàn thành góp phần to lớn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị cho 5 tỉnh Tây Nguyên.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, dự án cấp điện cho 326 thôn (buôn, làng), với khoảng 25.964 hộ dân, tổng giá trị thực hiện 357 tỷ đồng (trung bình khoảng 13 triệu đồng/hộ). Những con số thống kê khô khan, nhưng để thực hiện được đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì của cả tập thể bao thế hệ, từ lãnh đạo đến từng cán bộ, công nhân Công ty Điện lực Gia Lai (trước đây là Điện lực Gia Lai). Còn nhớ năm 2008 – 2009, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã gặp không ít khó khăn do giá cả vật tư, thiết bị có nhiều biến động gây ảnh hưởng lớn đến việc bố trí nguồn vốn ngân sách; địa bàn thực hiện trải dài trên diện rộng, hầu hết các thôn buôn trong vùng dự án nằm ở vùng sâu, vùng xa nên giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Trúc cho biết thêm: “Từ khi có điện lưới quốc gia, người dân được tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp cận với khoa học kỹ thuật… Chính “ánh sáng văn minh” đã làm thay đổi suy nghĩ và cách làm của người dân, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Cái đói, cái nghèo vì vậy cũng được đẩy lùi”.

Được biết, hiện xã Ia Vê có hơn 120 ha hồ tiêu, 980 ha cà phê và 100 ha cao su tiểu điền, chưa kể các loại cây trồng khác và hoa màu. Nhiều hộ đồng bào Jrai giàu lên như nhà ông Rơ Mah Chun ở làng O Ngol, xã Ia Vê với 600 trụ tiêu và 1 ha cà phê, mỗi năm thu về gần 200 triệu đồng. Còn anh Rơ Manh Chao, thôn 4, xã Ia Vê phấn khởi: “Bây giờ nhà nào cũng có ti vi, khá giả hơn thì có máy bơm phục vụ tưới tiêu, cà phê... Điều mà làm tôi vui nhất là bà con biết sử dụng điện để làm kinh tế, đầu tư máy xay lúa để phục vụ cho bà con trong làng”.

Nối dài những bờ vui

Rời Chưprông, chúng tôi tiếp tục ghé thăm các thôn, bản được hưởng lợi từ Dự án nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Mục tiêu của dự án mà ngành Điện kỳ vọng là “người dân chưa có điện thì được dùng điện, người dân có điện rồi thì đầu tư để người dân có nguồn điện tốt hơn và an toàn hơn”.

Anh Trần Văn Tiên - làng Chuet 2, phường Thắng Lợi (TP. Pleiku, Gia Lai) cho biết: Ở gần trung tâm thành phố, chúng tôi may mắn là được dùng điện sớm hơn bà con ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng lưới điện không đảm bảo an toàn, có hộ dân ở xa đường điện trục chính đến vài trăm mét, do đó người dân sử dụng dây điện chắp vá, câu móc trên hàng rào, gây mất an toàn, nhất là vào mùa mưa bão. Điện vào giờ cao điểm không đủ tải nên các vật dụng trong gia đình như bóng điện, máy bơm nước, tivi, nồi cơm điện, quạt... dễ bị cháy, hư hỏng do nguồn điện yếu. Từ khi có dự án, những tồn tại trên đã được khắc phục. Nếu trước đây lưới điện chưa được nâng cấp thì việc dùng điện để bà con sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, giờ lưới điện được nâng cấp như thế này việc xay xát, bơm nước tưới cây trồng, phát triển ngành nghề dịch vụ của bà con thuận lợi hơn.

Đến Làng Mo, xã Đăk Tơ vel, nơi dự án vay vốn KfW được triển khai đưa vào sử dụng 3 năm, chúng tôi gặp anh Alớt đang bơm nước tưới cà phê. Anh Alớt vui vẻ: “Điện bây giờ khỏe lắm! Trong làng, bà con sử dụng điện xay lúa, bơm tưới cây công nghiệp... không còn sử dụng bình ắc-quy hay máy nổ như trước kia, tình trạng muốn bơm được nước để dùng phải thức dậy từ 1 - 2 giờ sáng, cơm nấu mãi không chín đã không còn”.

Nói về hiệu quả của dự án, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Điện lực Pleiku, Công ty Điện lực Gia Lai cho biết: “Người dân trong vùng hưởng lợi của 2 dự án vay vốn ADB và KfW đều vui mừng đón nhận kết quả hoàn thành dự án, bởi do lưới điện được cải tạo, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân”.

Rõ ràng, các dự án cung cấp điện và cải tạo lưới điện khu vực nông thôn mà Công ty Điện lực Gia Lai nói riêng và ngành Điện nói chung đã và đang thực hiện đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Gia Lai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Dự án cấp điện thôn buôn chưa có điện tỉnh Gia Lai:

- Cấp điện cho 326 thôn (buôn, làng), với 25.964 hộ dân;

- Quy mô: 479 km đường dây trung áp; 532,506 km đường dây hạ áp; 251 TBA với tổng dung lượng 15.402 KVA;

- Tổng mức đầu tư: 357 tỷ đồng (trung bình khoảng 13 triệu đồng/hộ).

Dự án nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trên địa bàn tỉnh Gia Lai:

- Đầu tư trên địa bàn 80 xã thuộc 15 huyện, thị xã; cấp điện cho khoảng 19.245 hộ dân;

- Quy mô: 110 km đường dây trung áp, 336 km đường dây hạ áp, 79 TBA với tổng dung lượng 9.065 kVA;

- Tổng mức đầu tư: 211 tỷ đồng.

Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) trên địa bàn tỉnh Gia Lai:

- Đầu tư trên địa bàn 56 xã thuộc 11 huyện, thị xã; cấp điện cho khoảng 12.378 hộ dân;

- Quy mô: 42 km đường dây trung áp, 215 km đường dây hạ áp, 47 TBA với tổng dung lượng 4.775 kVA;

- Tổng mức đầu tư: 118 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG