Hiệu quả từ mô hình sản xuất khép kín được dự án LIFSAP hỗ trợ

Hiệu quả từ mô hình sản xuất khép kín được dự án LIFSAP hỗ trợ
Chuỗi gà đồi Sóc Sơn hiện được đánh giá là một trong số không nhiều những chuỗi sản xuất thành công ở Hà Nội hiện nay. Thành công này của chuỗi gà đồi Sóc Sơn không thể không kể đến những hỗ trợ mang tính đột phá của Dự án LIFSAP giúp khép kín quy trình sản xuất và kích thích sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, hành động của người chăn nuôi.

Mắt xích quan trọng giúp khép kín chuỗi gà đồi Sóc Sơn

Chúng tôi đến thăm cơ sở giết mổ, sơ chế, đóng gói gia cầm của anh Nguyễn Văn Đông ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội khi các công nhân của cơ sở vừa kết thúc công việc sau một đêm nhộn nhịp thường ngày ở lò mồ có quy trình giết mổ gia cầm an toàn này. Gần 300 con gà đã được giết mổ, sơ chế, bao gói hợp vệ sinh lập tức được các công nhân đưa vào phòng lạnh, sẵn sàng đưa đến các đơn vị tiêu thụ.

Anh Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch Hội chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, cũng là chủ của cơ sở giết mổ này cho biết, Gà đưa đến cơ sở giết mổ có nguồn gốc từ các hộ chăn nuôi của hội, các hộ chăn nuôi được hướng dẫn và giám sát quy trình chăn nuôi trong quá trình thực hành chăn nuôi theo đúng quy trình chăn nuôi VietGAP. Sản phẩm sau giết mổ hiện đang được tiêu thụ tại một số trường học, nhà hàng trên địa bàn huyện Sóc Sơn và một số chuỗi cửa hàng tiện ích, các siêu thị trong các quận nội thành Hà Nội. Thời gian qua, mặc dù giá gia cầm trên thị trường xuống khá thấp, nhưng gà đồi Sóc Sơn vẫn giữ được mức giá tương đối ổn định.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Đông không giấu được niềm vui khi chuỗi sản xuất gà đồi Sóc Sơn do anh làm Chủ tịch Hội ngày càng thành công. Anh Đông khẳng định, sự thành công của chuỗi gà đồi Sóc Sơn có đóng góp rất lớn của Dự án LIFSAP. Bởi lẽ Dự án LIFSAP đã giúp hội chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn khép kín quy tình sản xuất theo một chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ đến tiêu thụ. Góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm chăn nuôi Gà đồi Sóc Sơn theo một chuỗi giá trị.

Anh Đông nhớ lại, trước đây, mặc dù chuỗi gà đồi Sóc Sơn đã được tổ chức sản xuất rất tốt nhưng lại thiếu hạ tầng sơ chế giết mổ nên sản phẩm chỉ được bán theo phương thức truyền thống là bán gà lông cho một số nhà hàng và một phần lớn sản phẩm chăn nuôi phải bán qua thương lái. Việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, bị tư thương ép giá và thường rơi vào cảnh “được mùa thì rớt giá”.

Hiệu quả từ mô hình sản xuất khép kín được dự án LIFSAP hỗ trợ ảnh 1

Anh Đông cũng cho biết, chính Hội chăn nuôi và tiêu thụ Gà đồi Sóc Sơn cũng nhận thấy nếu sản phẩm chăn nuôi của hội không được quản lý theo một quy trình khép kín thì sản phẩm không thể chinh phục được các thị trường tiêu thụ khó tính như: các trường học, bếp ăn tập thể, các siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện ích.

Anh cũng nói thêm: Trong bối cảnh hiện nay, không có cách nào khác là người nông dân phải nỗ lực để tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, được kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất tới tiêu dùng. Nếu không sản xuất theo chuỗi, sản phẩm không được kiểm soát tốt về chất lượng thì sản phẩm đó sẽ không thể đứng vững trên thị trường. Nhưng chính anh Đông và Hội cũng rất lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng cơ sở giết mổ từ kỹ thuật đến nguồn vốn và quản lý vận hành cơ sở.

Năm 2016, được sự quan tâm và giới thiệu của UBND huyện Sóc Sơn, Dự án LIFSAP Hà Nội đã tiếp cận và hỗ trợ Hội chăn nuôi tiêu thụ Gà đồi Sóc Sơn mà chủ đầu tư là anh Đông xây dựng khu  giết mổ gia cầm như: bản thiết kế cơ sở giết mổ đảm bảo quy trình giết mổ an toàn, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở (30.000USD), tập huấn quy trình giết mổ cho cán bộ và công nhân giết mổ; đào tạo, tập huấn quản lý cho các chủ cơ sở giết mổ. 

Kích thích sự thay đổi tư duy, hành động của người chăn nuôi

Mặc dù kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ từ Dự án LIFSAP không đủ tổng mức đầu tư  (chỉ đạt 24% tổng mức đầu tư) nhưng những hỗ trợ từ dự án đã mang lại ý nghĩa lớn cho anh và Hội chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn. “Nhận thấy sự tư vấn, hỗ trợ của Dự án rất có hiệu quả nên anh em đã dồn tâm huyết để đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối tốt” – anh Nguyễn Văn Đông nói.

Theo anh Đông, những hỗ trợ của Dự án LIFSAP ngoài việc khép kín chuỗi sản xuất của Hội thì còn mang lại hiệu quả sâu rộng hơn đó là việc giúp người chăn nuôi gắn bó chặt chẽ với nghề vì “giờ đây người nông dân đã có thể sống với nghề”. 

“Rõ ràng, những hỗ trợ của LIFSAP đã góp phần quan trọng giúp thay đổi nhận thức của nông dân, kích thích người sản xuất phải làm việc một cách nỗ lực hơn” – anh Nguyễn Văn Đông kết luận. 

MỚI - NÓNG