Hỗ trợ 25.000 đồng/kg khi tiêu hủy lợn 'dính' dịch tả lợn châu Phi

Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện đã lan ra 60 tỉnh thành trên cả nước
Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện đã lan ra 60 tỉnh thành trên cả nước
TPO - Nhà nước sẽ hỗ trợ 25.000 đồng/kg đối với lợn thịt, lợn con các loại và 30.000 đồng/kg đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định 793 về cơ chế, chính sách, đối tượng, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, HTX sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF): lợn con, lợn thịt các loại là 25.000 đồng/kg lợn hơi, đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác là 30.000 đồng/kg lợn hơi.

Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chăn nuôi nhỏ và vừa (DNNVV)- không bao gồm DNNVV là công ty con, hoặc công ty có vốn chi phối của DN lớn) theo mức: 8.000 đồng/kg với lợn con, lợn thịt các loại và mức 10.000 đồng/kg với lợn nái, lợn đực đang khai thác.

Mức hỗ trợ tối đa cho các DN không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bảo hiểm (nếu có).

Hỗ trợ DNNVV và các chủ hộ nuôi giữ lợn giống cụ, kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con lợn đến ngày 31/12/2019, nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.

Về ngân sách hỗ trợ, đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, ngân sách Trung ương hỗ trợ 80% mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ thiệt hại.

Đối với các địa phương còn lại, với các tỉnh, thành có tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương từ 50% trở lên sẽ chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện; còn dưới 50% sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại sẽ do ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% phần hỗ trợ. Ngoài ra, các phương huy động thêm 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để hỗ trợ thiệt hại do ASF.

Trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần Ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực địa phương (gồm 50% nguồn dự phòng ngân sách dịa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự phòng tài chính địa phương, ngân sách Trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện…

Thủ tướng cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, hoặc trình HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định mức hỗ trợ kinh phí cho cán bộ thú y và những người tham gia phòng, chống dịch mức không thấp hơn ngày công lao động phổ thông tại địa phương (200.000 đồng/người/ngày làm việc; 400.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết)…

Thủ tướng cũng đền nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp, giám sát việc thực hiện hỗ trợ theo quyết định trên.

Các chính sách trên chỉ có hiệu lực đến 31/12/2019. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi có trách nhiệm tổng kết, báo cáo Thủ tướng và đề xuất hỗ trợ kinh phí trong giai đoạn tiếp theo (theo có).

Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, sáng 28/6, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch đang lan rất nhanh và chưa có dấu hiệu chững lại, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. 

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện 60 tỉnh, thành trên cả nước và đến nay đã 3 triệu con lợn bị tiêu hủy, trong tổng số 28,5 triệu con trên cả nước.

MỚI - NÓNG