Hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn: Thêm liều thuốc bổ

Hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn: Thêm liều thuốc bổ
TP - Tin Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ lãi suất bốn phần trăm cho các khoản vay trung và dài hạn được nhiều doanh nghiệp (DN) và ngân hàng (NH) đánh giá sẽ có tác động tốt hơn khoản hỗ trợ lãi suất vốn vay ngắn hạn từ hai tháng nay.
Hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn: Thêm liều thuốc bổ ảnh 1
Các khoản vay trung, dài hạn vừa được Chính phủ quyết định hỗ trợ lãi suất bốn phần trăm  Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Chi nhánh TPHCM  của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết nhiều lãnh đạo các ngân hàng tỏ ra vui mừng vì sắp tới đầu ra có cơ sở để tăng mạnh.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình nhận định nhiều doanh nghiệp chưa dám vay vốn vì thời hạn hết tháng 12/2009 trước đây quá ngắn, nay có thể tính toán để vay do được nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay bốn phần trăm/năm trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng. Việc hỗ trợ lãi suất này được thực hiện từ ngày 1/4/2009 đến ngày 31/12/2011.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng tin rằng nếu Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn và triển khai sớm quyết định trên, trong vòng 2-3 tháng tới, số tiền cho vay hỗ trợ lãi suất sẽ vượt xa con số gần 205.000 tỷ đồng hiện nay.

Theo ông Hưởng, thời gian 24 tháng đủ để nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch cho phương án kinh doanh trong dài hạn và họ sẽ mạnh tay vay hơn. Chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại thừa nhận trong tình hình đầu ra nhiều ngân hàng đang khó khăn như hiện nay, quyết định trên của Chính phủ là mối lợi kép cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng khi bên có vốn còn nơi đẩy tiền cho vay dễ dàng hơn.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Hiệu phó  Đại học Kinh tế TP HCM) đánh giá ngoài doanh nghiệp và ngân hàng thì nền kinh tế sẽ có tác động tốt từ việc hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn do một khi đầu kéo là doanh nghiệp và ngân hàng  mạnh lên thì kinh tế sẽ nhanh hồi phục.

Các chuyên gia kinh tế còn khẳng định người tiêu dùng sẽ hưởng lợi gián tiếp do doanh nghiệp giảm được chi phí nhiều hơn vì có nguồn vốn lãi suất thấp.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TPHCM thừa nhận đơn hàng mới là quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp trong lúc này nhưng nếu được hỗ trợ lãi suất với thời hạn dài, họ cũng sẽ tận dụng để sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh. Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, quy mô càng lớn vay càng nhiều càng có lợi.

Tổng Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cho biết Cty ông tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng từ việc được hỗ trợ lãi suất trong hai tháng qua. Nếu kéo dài thêm cả năm, số tiền lên đến gần 2,5 tỷ đồng, đủ để hỗ trợ cho nhiều công nhân đang gặp khó khăn, giữ chân nhân lực giỏi, chi thêm các khoản phúc lợi và mua thêm bảo hiểm cho người lao động.

Còn bà Trần Kiếm Anh, Chủ tịch HĐQT Cty Hoàng Anh (Q.5- TPHCM) tiết lộ các sản phẩm nhựa do Cty bà sản xuất đã giảm được chi phí 3-5 phần trăm từ việc được hỗ trợ lãi suất, nếu Chính phủ kéo dài hỗ trợ lãi suất hơn thì Cty bà sẽ còn có thể giảm tiếp giá thành.

Nhiều doanh nghiệp cho hay vượt được qua khủng hoảng hay không thì sức mình vẫn là chính nhưng có thêm liều thuốc hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn sẽ đỡ khó khăn hơn.

Không ít ngân hàng và doanh nghiệp vẫn vướng với cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất như không được đảo nợ với các khoản vay lãi cao trước 1/2/2009, nhiều mặt hàng nhập khẩu lẽ ra được hưởng hỗ trợ lãi suất nhưng ngân hàng chưa duyệt, hàng tiêu thụ nhưng chưa được thanh toán không được hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn vay…

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc hỗ trợ lãi suất sau hai tháng được xem như một liều thuốc tốt góp phần giúp nền kinh tế vượt qua sóng gió và doanh nghiệp bớt khó khăn hơn.

Vì vậy, với quyết định hỗ trợ lãi suất các khoản vay trung và dài hạn vừa ra đời, có thêm cơ sở để hy vọng kinh tế Việt Nam hồi phục sớm hơn dự báo. 

MỚI - NÓNG