Hỗ trợ thiết bị đảm bảo nước sạch cho người vùng lũ ở Hà Tĩnh

Sau lũ, nhiều tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ bà con vùng lũ Hà Tĩnh các thiết bị và kỹ thuật xử lý nước sau lũ.
Sau lũ, nhiều tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ bà con vùng lũ Hà Tĩnh các thiết bị và kỹ thuật xử lý nước sau lũ.
Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) sẽ tài trợ 100% chi phí sửa chữa công trình phụ cùng hệ thống lọc nước tại 20 trường học và 1.000 bồn chứa nước, thiết bị lọc nước cho người dân 10 xã vùng lũ Hà Tĩnh.

Theo Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT), đợt bão lũ vừa qua, Hà Tĩnh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, nhiều khu vực bị ngập lụt nặng như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Hương Khê…nên ảnh hưởng đến cấp nước nông thôn.

Toàn tỉnh có 3 hệ thống đường ống đã bị hỏng và hệ thống bơm hoạt động không tốt. Khoảng 44.780 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 11.346 hộ bị ảnh hưởng thuộc vùng công trình cấp nước tập trung.

Mới đây, đoàn công tác của Ban Quản lý dự án WASH – Trung tâm Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN&PTNT), Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, UNICEF Việt Nam và Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh vừa hoàn thành chuyến khảo sát địa điểm để triển khai các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở Hà Tĩnh.

 Theo đó, các hoạt động hỗ trợ sẽ triển khai ở 10 xã: Thạch Thắng, Tượng Sơn, Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà); Cẩm Duệ, Cẩm Quang, Nam Phúc Thăng, Cẩm Hưng, Yên Hòa (Cẩm Xuyên); Ích Hậu và Phù Lưu (Lộc Hà).

Tiêu chí chọn là trường học, hộ dân để hỗ trợ thuộc các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt và điều kiện kinh tế còn khó khăn. Ngoài ra, ở đây không có nguồn nước sạch để sử dụng sinh hoạt, có nhu cầu thực sự cho các thiết bị chứa và xử lý nước.

Bên cạnh đó còn ưu tiên lựa chọn các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có phụ nữ làm chủ, hộ có trẻ em và trẻ em khuyết tật; các trường học có công trình nước sạch, vệ sinh bị ảnh hưởng nặng sau đợt thiên tai, bão lũ và có nhu cầu cần khắc phục, cải tạo…

Sau quá trình khảo sát, lựa chọn, UNICEF đã thống nhất hỗ trợ 100% chi phí sửa chữa 22 công trình vệ sinh tại 20 trường học (chi phí sửa chữa mỗi công trình là 50 triệu đồng), hỗ trợ 12 trường học mỗi trường 1 hệ thống lọc nước uống RO trị giá 87 triệu đồng.

Riêng với 5 xã bị ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2020 (Tượng Sơn, Lưu Vĩnh Sơn, Cẩm Duệ, Nam Phúc Thăng và Yên Hòa), UNICEF sẽ hỗ trợ 335 bồn chứa nước và 665 thiết bị lọc nước bằng gốm. Các đơn vị, hộ dân được thụ hưởng phải cam kết sử dụng tốt các thiết bị được hỗ trợ này tối thiểu là 2 năm.

Theo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh, Trung tâm đã chủ động phối hợp, sớm lựa chọn đúng đối tượng hỗ trợ. Dự kiến, đoàn công tác sẽ hoàn thành việc sửa chữa công trình vệ sinh, nước sạch; lắp đặt bồn chứa nước, thiết bị lọc nước cho các trường học và hộ dân trên địa bàn trong năm 2020.

Hỗ trợ thiết bị đảm bảo nước sạch cho người vùng lũ ở Hà Tĩnh ảnh 1 Các công trình cấp nước ở Hà Tĩnh hoạt động thông suốt để cấp nước cho người dân

Từ đây, sẽ có nhiều người dân Hà Tĩnh được sử dụng nguồn nước sạch, công trình vệ sinh đảm bảo quy chuẩn, qua đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng”.

Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh, thời gian qua, các nhà máy cấp nước tập trung đã nỗ lực đảm bảo sự thông suốt, liên tục trong quá trình cấp nước đến cho người dân, đặc biệt là ở những thời điểm căng thẳng như hạn hán, lũ lụt.

Đặc biệt, sau đợt lũ lịch xử xảy ra từ ngày 18 – 21/10, 100% quân số của Trung tâm được triệu tập, phân công trực đảm bảo an toàn và vận hành hiệu quả 7 công trình cấp nước tập trung ở 5 huyện, gồm: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Can Lộc, Thạch Hà và Hương Khê, không để gián đoạn việc đưa nước sạch đến cho nhân dân vùng lũ.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh đã đầu khắc phục, sửa chữa 642 điểm hư hỏng trên toàn hệ thống mạng lưới đường ống và một số hư hỏng nhỏ tại các hộ gia đình để hạn chế tình trạng thất thoát nước.

Theo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có 23 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và 13 hệ thống nối mạng với công trình cấp nước đô thị, với tổng công suất thiết kế 19.820 m3/ngày đêm, công suất khai thác thực tế 13.620 m3/ngày đêm (đạt 68,71%)…

Trong số 23 hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đang hoạt động, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 7 công trình, UBND cấp xã quản lý 16 công trình; riêng 13 hệ thống nối mạng do doanh nghiệp quản lý (Công ty Cổ phần cấp nước Hà Tĩnh).

Đến nay có 5/23 công trình hoạt động bền vững, 8/23 công trình hoạt động tương đối bền vững và 10 công trình kém bền vững.

MỚI - NÓNG