Hoa “độc” Đà Lạt cháy hàng

Nghệ nhân Đoàn Văn Quỳnh trong vườn địa lan.
Nghệ nhân Đoàn Văn Quỳnh trong vườn địa lan.
TP - Tết năm nay, các loài địa lan, lan hồ điệp mới lạ, cao cấp, một số cây trái hiếm như chanh yên, đào bạch, đào thất thốn… rất hút hàng, cung không đủ cầu.

Giá địa lan tăng 30-50%

Nghệ nhân Đoàn Văn Quỳnh, Trưởng ban giám sát Hiệp hội Hoa Đà Lạt và là chủ vườn lan Anh Quỳnh (phường 8), cho hay, giá địa lan vụ Tết năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 30 - 50%, trong đó loài địa lan New Zealand giống mới màu xanh nhạt, cánh dài đạt mức giá cao nhất, từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/cành.

Theo chủ vườn lan Lê Văn Thi (phường 5), địa lan vàng SJC và vàng hoàng hậu giá thấp hơn một chút (trên dưới 1,3 triệu đồng/cành), kế đến là cam lửa 900.000 đồng/cành, vầng trăng 700.000 - 800.000 đồng/cành...

Cách đây hai tuần vẫn còn nhiều người hỏi mua các loại địa lan cao cấp nói trên, nhưng hầu hết các vườn đều không còn hoa. Nguyên nhân là những năm qua, địa lan bị bệnh thối rễ chết hàng loạt khiến sản lượng giảm mạnh. Mặt khác, khoảng 50% địa lan Đà Lạt đã nở rộ một vài tháng trước Tết Ất Mùi 2015.

Mỗi năm, một gốc địa lan chỉ nở hoa một lần, nhưng lan hồ điệp có thể nở hoa 3 lần, thậm chí một số giống nở hoa quanh năm. Mỗi cành lan hồ điệp thường  nở từ 8 - 10 hoa, trong đó không ít cành có tới 12 hoa, giá từ 150.000 đồng đến 200 – 300.000 đồng tùy loại giống và chất lượng cành.

Dẫu là địa lan hay lan hồ điệp thì năm nay nhiều khách hàng có xu hướng mua loại ghép cành, ghép chậu để chưng hoặc làm quà tặng. Chậu dưới 10 cành giá khoảng 5 - 10 triệu đồng. Chậu “khủng” ghép vài chục cành giá từ 20 - 30 triệu đồng, thậm chí có những chậu gần 100 cành, giá hơn 60 triệu đồng.

Hoa “độc” Đà Lạt cháy hàng ảnh 1

Cố nghệ nhân Mười Lời bên cây chanh yên.

Chanh không hạt khổng lồ

Đà Lạt hiện có khoảng 10 hộ trồng thành công loại chanh yên khổng lồ không hạt, cùi dày, vị ngọt thanh, mỗi quả nặng từ 2 - 4 kg, cá biệt có quả nặng tới 5 - 6 kg. Cây chỉ cao khoảng 2m, thân nhỏ và yếu, nhưng quả quá lớn nên phải dùng cây tre, thanh gỗ chống đỡ để tránh bị gãy cành. Cây cho trái quanh năm nhưng sai quả nhất trong vụ Tết.

Anh Bùi Văn Sang ở phường 4 cho biết, gần đây thương lái đến tận vườn mua chanh với giá 300.000 đồng/quả nặng khoảng 2 kg đưa về TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ. Giá “chát” như thế nhưng không phải có tiền là mua được. Nhiều người điện thoại đặt mua loại quả đặc biệt về chưng dịp Tết, nhưng không vườn nào còn quả để bán.

Cách đây hơn 10 năm, cố nghệ nhân Mười Lời (cha anh Sang) là người đầu tiên ở Đà Lạt sưu tầm, chiết ghép thành công 10 cây chanh yên từ những cây giống do người Pháp di thực từ Myanmar, Ấn Độ đến Việt Nam. Sau khi cha mất, anh Sang tiếp tục vận dụng bí quyết do cha truyền dạy cùng những kỹ thuật đặc biệt tích góp được để hãm cho cây chỉ cao khoảng 1m nhưng cho quả khổng lồ. Anh đã đăng ký thi kỷ lục và trình diễn chanh yên tại một số lễ hội ở TPHCM. 

Các loại đào hiếm

Anh Sang vừa bán 2 cây đào thất thốn Đà Lạt với giá gần 100 triệu đồng/cây. Các cây đào này có tuổi đời khoảng 45 năm, thân và cành có vảy rồng đẹp mắt, nếu như đào thất thốn Hà Nội nở hoa cánh kép màu đỏ thì mỗi đóa đào Đà Lạt có 5 cánh đơn màu hồng nhạt cùng vòi nhụy cái, khoảng 25 cuống và túi phấn hoa. Cây đào thất thốn vừa nở hoa vừa có trái và vẫn giữ được lá xanh nên trông lạ và bắt mắt. Giá trị nghệ thuật và thương mại vì thế cao gấp nhiều lần các loại đào khác. 16 cây đào thất thốn từ 3 - 4 năm tuổi quý hiếm còn lại trong vườn đều nở hoa, nhưng anh cho biết sẽ tiếp tục giữ lại chăm sóc, tạo dáng cho đẹp để bán trong những năm tới.

Vườn đào của anh Sang còn có những cây đào quý hiếm nở hoa trắng tinh khiết, nhụy vàng nhạt thanh tao, nụ màu xanh nhạt, tỏa hương thơm dịu nhẹ. Anh Sang kể cha anh đã kỳ công ghép bạch đào đất Bắc với gốc đào phai bản địa Đà Lạt để có được những cây đào “độc” này. Anh từng đưa bạch đào Đà Lạt tham dự hội hoa xuân ở TP HCM và đạt Huy chương Bạc.

Anh Bùi Văn Sang kể những cây đào thất thốn Đà Lạt đầu tiên được cụ Vũ Hữu Sửu (trú tại ấp Đa Thiện, phường 8) chọn tạo gây giống từ những cây đột biến gien có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản di thực đến Đà Lạt gần nửa thế kỷ trước.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.