Hội chứng sợ Tết

Hội chứng sợ Tết
Còn gần hai tháng nữa là đến tết Nguyên đán, vậy mà hầu hết các công nhân viên mà chúng tôi gặp đều cảm thấy "sợ", bởi vật giá tăng chóng mặt trong khi viễn cảnh đồng lương không mấy lạc quan cho dù sắp được tăng.
Hội chứng sợ Tết ảnh 1
Chừng này tiền, Tết tính sao đây?

Bình quân mỗi ngày gia đình cô Liên Hoa (chung cư Ngô Gia Tự) đi chợ hết 60 nghìn đồng (buổi trưa và tối, chưa tính mắm muối) cho 4 nhân khẩu.

Theo cô Hoa nếu biết tính toán thì mâm cơm khá đủ chất. Tuy nhiên, đó là trước đây, còn gần hai tháng nay, với số tiền ấy mà ra chợ thì chẳng đâu vào đâu!

Giá - lương: 1 - 0

"Bó rau cải tăng gấp đôi thành 3 nghìn đồng/bó. Ăn rau luộc thì ít nhất cũng phải 3 bó cho cả nhà. Cá trông ngon ngon cũng mất đứt 30 nghìn đồng/kg". Vậy nên, với tổng thu nhập của nữ hộ sinh trong một bệnh viện nhà nước chưa đến 3,5 triệu đồng/tháng của cô thì nghĩ đến ăn thôi cũng đã khó.

"Nếu không nhờ thu nhập từ việc chạy hàng của chồng cùng với việc làm thêm ngoài giờ thì chật vật chẳng khác gì thời bao cấp" - cô Hoa chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, với công nhân viên thuộc ngành giáo dục, y tế như cô Hoa còn có thu nhập thêm từ làm ngoài giờ nên vẫn "dễ thở" hơn so với một số người không có gì khác để nhận ngoài lương.

Chị Dung - cán bộ ở một uỷ ban phường cho biết "tính cả lương lẫn phụ cấp được tròm trèm 2 triệu đồng mỗi tháng. May mà tôi sống ở huyện, không tốn tiền thuê nhà trọ cũng như ít đi lại nên cũng tạm đủ sống. Thế mà chưa kịp nhận lương mới thì giá cả đã đi tắt đón đầu rồi. Bây giờ trước khi xách giỏ ra khỏi nhà phải tính nát nước".

Chuyện khó tin nhưng có thật khi tổng thu nhập của chị Cẩm - nhân viên một Sở trên địa bàn thành phố mà chưa đến 2 triệu. Chị rất bức xúc: "Hai năm cày cật lực, nhiều hôm còn bê việc về nhà làm đến 1giờ khuya mà nhận được như thế đó. Chất xám bỏ ra chỉ đủ để đi làm bằng xe buýt và ăn sáng".

Không những thế chị còn cảm thấy xấu hổ vì "làm tại một Sở to thế mà cứ ăn bám bố mẹ đều đều". Chị cũng không ngại nói "Nếu tự thân vận động giữa biển giá cả này thì lương đó biết sống được mấy ngày. Mang tiếng bằng này cấp nọ mà lương không bằng một công nhân".

Hay như chị Lan Hương công tác tại một trung tâm giáo dục thường xuyên cũng chỉ 2,5 triệu mỗi tháng. "Sống bằng đồng lương suy dinh dưỡng như thế nên để thích nghi với gạo tăng, nước mắm tăng chỉ còn cách còng lưng ra nhận cắt chỉ cho một cơ sở may quần Jean".

Anh Khoa - cán bộ phòng dân số & kế hoạch hoá gia đình ở huyện lắc đầu "lương là nước còn giá cả là bèo nên nước có lên mấy cũng bị bèo qua mặt. Đọ sức kiểu đó chẳng khác gì làm trò cười, mà rốt cuộc chỉ có công chức quèn như tụi tui phải bon chen".

"Tết nợ tết nần"

Có lẽ đó không chỉ là suy nghĩ của cô Liên Hoa mà còn của cả giới công chức lương ba cọc ba đồng. Mỗi dịp tết đến cô Hoa phải chi ra ít nhất 3 triệu đồng mua quà bánh tết cho hai bên nội ngoại.

"Nếu tính tổng chi phí cho mấy ngày tết thì cũng gần chục triệu. Vì vậy, tích luỹ không đươc bao nhiêu nên tết đến bay hết. Năm nay cũng chẳng khá gì hơn" - cô Hoa cho biết.

Chị Cẩm thì chua chát hơn: "Làm cả năm không ăn nổi ba ngày tết. Không biết đào đâu ra tiền mua quà biếu đây. Lại phải vay nợ bố mẹ".

Nhắc đến chuyện lương thưởng cuối năm chị Cẩm cũng không giấu nổi thất vọng: "Thêm được 2, 3 triệu là cùng. Bấy nhiêu đó cũng chẳng thấm vào đâu. Ước gì chẳng tết nhất gì cả".

Anh Khoa ngậm ngùi: "Tết là bà chủ nợ không thể trốn. Mấy ngày này hai vợ chồng lo sốt vó vì bình thường khoản nào đâu ra đó cả rồi. Còn thưởng thì xem như không có vì quà cáp bấu víu vào cả đấy".

Có người thì lúc này đã quyết định "Thôi làm vài bịch hạt dưa cho có hương vị. Chịu khó quên món này món nọ cho đỡ khổ". Thế nhưng, nói đi rồi lại ngẫm nghĩ "thế thì tội con cái lắm".

Chị Dung thì thở dài "Tới đâu hay tới đó chứ có tính cũng chẳng xong!" Thậm chí chuyện về quê thăm bà con dịp tết đối với họ cũng là chuyện xa xỉ "nếu cả bầu đoàn thê tử mà về đến Hà Tĩnh coi như cả năm sau lo trả nợ!"- anh Khoa tâm sự.

Theo Tố Tâm
 Lao động

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.