Hội nghị CG 2007: Mở ra nhiều kênh ODA mới quy mô lớn

Hội nghị CG 2007: Mở ra nhiều kênh ODA mới quy mô lớn
TP - Tham dự Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ cho VN (CG 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục mở ra những kênh ODA mới, quy mô lớn cho Việt Nam.
Hội nghị CG 2007: Mở ra nhiều kênh ODA mới quy mô lớn ảnh 1
Các nhà tài trợ trao đổi tại CG 2007  Ảnh: N.P.P

Phát biểu tại CG 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2009 là phải phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội của kế hoạch 5 năm (2006-2010), để đến năm 2010, Việt Nam vượt qua ngưỡng nước nghèo đói với mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD.

Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam xác định nguồn ODA tiếp tục giữ vai trò rất quan trọng. Năm 2006, kết quả giải ngân vốn ODA vượt 5% dự kiến và tăng trên 10% so với năm 2006. Tôi hy vọng, với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, năm 2008, nguồn ODA cho Việt Nam sẽ được giải ngân nhanh hơn”.

“Với mục tiêu Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, nhu cầu cho phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo sẽ rất lớn. Do đó, nguồn ODA thông thường sẽ được tăng thêm, mong các nhà tài trợ sẽ mở ra những kênh ODA mới, quy mô lớn cho Việt Nam” - Thủ tướng mong muốn.

Đáp lại mong muốn của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ông Ajay Chhibber -Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và các nhà tài trợ là một nguồn sức mạnh và sẽ bền chặt hơn nữa trong thời gian tới.

Khi Việt Nam tăng tốc đến vị thế là nước có thu nhập trung bình và hướng tới giai đoạn 2010-2020 là nước công nghiệp hóa, Việt Nam cần phải vượt qua được những thử thách, nhất là về cơ sở hạ tầng.

“Việt Nam sẽ còn mạnh hơn nếu có thể đảm bảo phát triển thể chế vững chắc, với những cơ chế trách nhiệm rõ ràng và minh bạch. Quản lý điều hành tốt và chống tham nhũng phải đi đầu” - ông Ajay Chhibber nói.

Tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những kết quả, thành tựu quan trọng trong những năm qua nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận điểm xuất phát của Việt Nam thấp nên vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức rất lớn từ chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; giá cả năm 2007 tăng cao; kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội phát triển chậm; tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn nghiêm trọng; nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển...

Chia sẻ với những lo lắng này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ông Hatori cho rằng, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi bước vào giai đoạn chuyển đổi. Với một nước thu nhập trung bình, nhiều vấn đề còn khó khăn hơn thời điểm khi Việt Nam còn là nước có thu nhập thấp.

Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để loại bỏ các hiện tượng không mong muốn như tham nhũng, những hệ lụy từ thủ tục hành chính, thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao.

Với việc tiếp tục thực hiện giai đoạn ba Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được nguồn ODA lớn hơn nữa từ Nhật Bản.

Ông Ajay Chhibber tái khẳng định rằng, cơ hội bao giờ cũng đi liền với thách thức. Việt Nam đã giải quyết được nhiều thách thức trong nhiều lĩnh vực thì chắc chắn cũng sẽ giải quyết được những thách thức trong tương lai.

“Hãy yên tâm rằng, những đối tác của Việt Nam sẽ còn ở đây để hỗ trợ các bạn phát triển đất nước này, và sẽ đem lại thành quả phát triển cho người dân Việt Nam”- ông Ajay Chhibber hứa.

Tại Hội nghị, ông Donal Brrown- Trưởng đại diện văn phòng Bộ phát triển Quốc tế Anh (DFID) tại Việt Nam cũng khẳng định: Với những tiến bộ về phát triển ở Việt Nam cũng như tin tưởng vào tương lai, trong năm 2008, DFID sẽ viện trợ không hoàn lại 50 triệu bảng Anh (tương đương 100 triệu USD) để góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công công cuộc xoá đói giảm nghèo, chống tham nhũng.

Ông khẳng định, WTO đã mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam và người dân Việt Nam. Năm 2008 và những năm sau này, Việt Nam cần phải tận dụng tốt cơ hội này cùng với việc giải quyết tốt những thách thức lơn về bất bình đẳng xã hội và những biến đổi khí hậu khó lường.

Trước khi bước vào phiên họp kín, đại diện các nhà tài trợ đến từ Anh, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) đều khẳng định sẽ tiếp tục tăng vốn ODA cho Việt Nam trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Các nhà tài trợ cũng khẳng định rằng, ngoài việc mở ra nguồn tín dụng hỗ trợ thông thường (ORC) của ADB; nguồn vốn ưu đãi (IDA) và nguồn vốn tái thiết và phát triển (IBRD) của WB cho Việt Nam, các tổ chức và nhà tài trợ sẽ tiếp tục mở ra nhiều kênh ODA mới, quy mô lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.

Với những tín hiệu tốt lành này có thể tin rằng, trong năm 2008, tổng vốn ODA hỗ trợ cho Việt Nam (sẽ công bố chiều nay 7/12) sẽ vượt xa mức 4,44 tỷ USD của năm 2007.

MỚI - NÓNG