Hội nghị thường niên Thủ tướng gặp DN:

Hội nhập: Những rào cản với doanh nghiệp

Hội nhập: Những rào cản với doanh nghiệp
TPO - Nhiều ý kiến đề xuất thẳng thắn của các đại biểu nhằm tìm ra những hướng đi mới giúp DN phát triển đã được nêu tại Hội nghị thường niên Thủ tướng gặp DN tổ chức sáng nay ở Hà Nội.
Hội nhập: Những rào cản với doanh nghiệp ảnh 1
Bà Đỗ Thị Kim Liên - Tổng giám đốc Cty Cổ phần bảo hiểm AAA

Trao đổi với phóng viên Tiền phong bên lề hội nghị, bà Đỗ Thị Kim Liên - Tổng giám đốc C ty cổ phần bảo hiểm AAA tỏ ra khá bức xúc trước việc môi trường họat động kinh doanh bảo hiểm hiện nay chưa được hoàn hảo.

Theo bà, các DN bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam đang gặp khó khăn là khách hàng và các cơ quan chức năng chưa biết nhiều về lợi ích của bảo hiểm nên chưa thật sự hỗ trợ tích cực cho các hoạt động bảo hiểm.

Bên cạnh đó, một số Cty trực thuộc các bộ, ngành được "hỗ trợ ngầm" nên hạn chế sự cạnh tranh tạo dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Bằng chứng là một số Cty cổ phần bảo hiểm hiện nay (thực chất là Cty Nhà nước) chiếm thị phần bảo hiểm quá lớn đã kiềm chế sự phát triển của các Cty nhỏ.

"Để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, đề nghị Thủ tướng xem xét xóa bỏ tình trạng độc quyền ngành thể hiện ở các doanh nghiệp bảo hiểm mà vốn cổ phần của Nhà nước chiếm hơn 50%" - Bà Liên đề nghị.

Về phần mình, ông Đoàn Văn Kiển - Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam - mong muốn Chính phủ đẩy mạnh thị trường hóa nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giá cả. “Đó là có yếu tố sống còn nhất là trong tiến trình hội nhập, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị bước vào WTO” - Ông Kiển nhấn mạnh.

Thiếu vốn, thiếu nhân lực giỏi - vấn đề hóc búa của các DN

Khơi gợi những khó khăn của DN, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí VN - đề xuất Chính phủ tập trung nguồn vốn để chuyên môn hóa ngành cơ khí và thực hiện những dự án KHCN lớn nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải.

“Nếu chúng ta cứ khép kín, Bộ nào lo Bộ đấy, địa phương nào lo địa phương ấy thì vốn đầu tư sẽ bị dàn trải, không hiệu quả” - Ông Thụ khẳng định.

Ông Thụ cũng cho biết lực lượng quản lý cao cấp trình độ cao trong ngành cơ khí rất thiếu trong khi chúng ta chưa có khả năng đào tạo các chức danh: Kỹ sư trưởng, công trình sư và tổng công trình sư.

“Nhiều Tổng Cty hoàn thành kịp tiến độ là do đi thuê các tổng công trình sư ở bên ngoài. Dù có nhiều tiến bộ, nhưng thực sự khâu thiết kế của ta rất yếu. Chúng ta cũng mới chỉ làm được các sản phẩm thuộc ngành hàng gia công cơ khí, kể cả ngành đóng tàu.

Nói ngành công nghiệp cơ khí thực sự phát triển thì chúng ta phải sản xuất được động cơ, các thiết bị quay của xi măng chứ không phải hàn, cắt và gia công như hiện nay” - Ông Thụ thẳng thắn.

Cũng chung quan điểm về vấn đề nhân lực, ông Phạm Thanh Bình - Tổng giám đốc Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cũng bức xúc khi khẳng định: Phải nhìn thẳng một thực tế là chúng ta đang bị hẫng hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao ở nhiều ngành, nghề. Ngành công nghiệp tàu thủy cũng vậy, chỉ 2 - 3 năm nữa chúng ta sẽ thiếu hẳn một đội ngũ có trình độ.

“Tổng Cty có tới 4 trường đào tạo công nhân kỹ thuật mỗi năm có tới 4.000 người ra trường. Tuy nhiên, con số này chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thực tế. Để bù đắp lại chúng tôi đã thuê người nước ngoài tham gia các dự án.

Tuy nhiên, những chuyên gia nước ngoài này chỉ làm ở tầm trên còn ở tầm trung và tầm thấp thì người của chúng ta vẫn chưa đảm đương được hết”- Ông Bình lo lắng.

Chia sẻ lo lắng này, Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định dù số sinh viên học khoa quản trị kinh doanh tại các trường ĐH rất nhiều nhưng các sinh viên này chưa nổi trội. “Thời gian tới cần kiểm tra lại hiệu quả đầu tư trong việc đào tạo này”- Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định để hòa nhập với sự phát triển của nền kinh tế thời hội nhập, các DN cần đổi mới tư duy hơn nữa, tư duy không bằng tốc độ nên chúng ta cần xác định cho mình một chiến lược phát triển lâu dài, kiên quyết thay đổi công nghệ sản xuất và quản lý.

Các DN cũng cần tạo ra những phương thức liên kết theo nhiều mô hình khác nhau, kể cả việc hình thành các tập đoàn, để tạo ra những khả năng tích tụ, tập trung vốn và tăng nhanh khả năng thâm nhập thị trường.

“Đây là vấn đề rất quan trọng do DN muốn phát triển thị trường hay đổi mới công nghệ đều cần phải có vốn. Tuy nhiên đây lại là điểm rất yếu của các DN ở Việt Nam”- Ông Tuyển nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.