Hội tụ sản phẩm làng nghề miền Trung - Tây Nguyên

Hội tụ sản phẩm làng nghề miền Trung - Tây Nguyên
TP - Hôm nay, Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ III khai mạc tại TP Quy Nhơn (Bình Định). Trên 400 gian hàng với hàng ngàn sản phẩm làng nghề từ 14 tỉnh thành hội tụ, khẳng định vẻ đẹp và sức hút của hàng Việt.
Sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ tu (Quảng Nam) là thế mạnh của miền Trung
Sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ tu (Quảng Nam) là thế mạnh của miền Trung . Ảnh: T.Q

Sự kiện do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Định phối hợp chỉ đạo. Với trên 400 gian hàng từ các tỉnh thành trong khu vực và các tỉnh bạn như Cần Thơ, Tây Ninh... Đây là dịp tôn vinh những sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Bao gồm 100 gian hàng thương mại của các doanh nghiệp và hơn 270 gian hàng trưng bày giới thiệu những thành tựu phát triển công nghiệp của các địa phương, các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm XTTM giai đoạn 2006-2010.

Góp mặt còn có trên 30 gian hàng ẩm thực truyền thống của các địa phương tại Bình Định, với bánh xèo tôm nhảy, chả cá Quy Nhơn, nem chả chợ Huyện, bún Song thằn, bánh ít lá gai...

Miền Trung - Tây Nguyên là một trong những thị trường sôi động với nhiều cơ hội sản xuất kinh doanh hấp dẫn cho ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ...

Nhiều sản phẩm như mặt hàng đồ gỗ và trang trí nội thất, thảm, chỉ xơ dừa, bàn ghế từ nguyên liệu cây lộc bình, tre, mây… tạo sức hút trên thị trường.

Hàng may mặc từ lụa, thổ cẩm cũng là lợi thế của các địa phương trong khu vực được nhiều nước ưa chuộng, đặt hàng. Rồi rượu Hồng Đào của Quảng Nam, rượu Bàu Đá của Bình Định, rượu cần của Tây Nguyên, cho tới mộc Kim Bồng của Hội An, gạch ngói Phú Phong, đá điêu khắc, tranh thêu của Khánh Hòa...

Với ưu thế của vùng ngư trường biển rộng lớn, các loại thiết bị, nông ngư cụ với giá cả cạnh tranh cũng sẽ tạo được sức hút không nhỏ.

Đơn vị đăng cai Bình Định là một trong những địa phương có nhiều làng nghề, ngành nghề đa dạng, mỗi ngành nghề đều có những nét đặc trưng riêng, chứa đựng nhiều nét văn hóa của từng vùng đất như: thổ cẩm Vĩnh Thạnh được ví như “hồn thiêng” của người Bana cần cù, hoang sơ và đậm chất đặc trưng vùng núi; Khảm xà cừ Cẩm Văn (Nhơn Hưng – An Nhơn), Tiện gỗ mỹ nghệ được lưu truyền ngàn đời vốn trên chính mảnh đất kinh đô xưa; Thảm xơ dừa Tam Quan; Chiếu cói Cát Tiến...

“Để hoàn thành một sản phẩm, họ không chỉ làm việc bằng đôi tay mà bằng cả khối óc, tâm hồn của mình. Bởi vậy, chúng không chỉ là vật dụng bình thường mà còn chứa đựng, lưu giữ những nét văn hóa cổ xưa còn đọng mãi trong tâm hồn con dân Bình Định” - ông Nguyễn Văn Thắng, Phó GĐ Sở Công Thương Bình Định nói.

Theo ông Nguyễn Bá Tài, Giám đốc Trung tâm khuyến công Bình Định: “Các hoạt động khuyến công đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của các làng nghề, đáp ứng yêu cầu thị trường, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tạo thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn.

Hội chợ triển lãm lần này không chỉ tạo sự giao thoa sản phẩm giữa các vùng miền mà còn lan xa sang nước bạn”. Theo BTC, hiện tại, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều cơ sở sản xuất ở các làng nghề trên từng địa bàn cũng đã mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, triển lãm hội chợ lần này là cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện các chương trình tiếp thị, khuyến mãi, tìm kiếm đối tác và phục vụ khách tham quan.

Bên lề Triển lãm - hội chợ (diễn ra từ ngày 30-7 đến ngày 5-8), Cục Công nghiệp địa phương sẽ tổ chức Hội nghị về công tác khuyến công 5 năm (2006 - 2009) và Hội thảo Xúc tiến thương mại các nước trong khu vực Đông Bắc Á nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận những thông tin cần thiết.
Ngoài ra, 74 sản phẩm của các địa phương cũng đã được đăng ký dự thi, để bình chọn, cấp giấy chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của khu vực. 
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.