Hôm nay, giải quyết vấn đề vốn cho DN chế biến, xuất khẩu cá da trơn

Hôm nay, giải quyết vấn đề vốn cho DN chế biến, xuất khẩu cá da trơn
TP - Trước những khó khăn lớn trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá da trơn (cá tra, cá basa) khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hôm qua (1/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 8 tỉnh ĐBSCL để bàn biện pháp tháo gỡ.

Ông Trương Ngọc Hân - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đưa ra các con số khiến những người theo dõi trực tuyến phải giật mình: Giá cá tra nguyên liệu thu mua hiện khoảng 14.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi đã gần 16.000 đồng/kg.

Dù người dân đã lỗ 1.000-2.000 đồng/kg nhưng các doanh nghiệp kinh doanh thuỷ sản cũng không thể thu mua kịp lượng cá thu hoạch trong dân. Theo ước tính, trong tháng 5/2008, các DN chỉ thu mua được 35.000/45.000 tấn cá đến kỳ thu hoạch tại Đồng Tháp.

Lý do được đưa ra: Các DN thiếu vốn, không thể thu mua được nhiều. Theo báo cáo, tại An Giang, các DN cần hơn 2.200 tỷ đồng. Tại Vĩnh Long, các DN cần khoảng 200 tỷ đồng để có thể mua hơn 13.500 tấn cá tra tồn đọng; cùng đó người nuôi cá cần khoảng 400 tỷ đồng duy trì hoạt động đến cuối năm nay...

Nguyên nhân thiếu vốn là do chính sách thắt chặt tiền tệ của ngành ngân hàng, tăng lãi suất nhưng lại giảm hạn mức tín dụng cho vay dẫn đến tình trạng giải ngân nhỏ giọt.

Theo ông Ngô Phước Hậu - Giám đốc Công ty Agifish: Đầu năm 2008, Cty được cấp hạn mức tín dụng 150 tỷ đồng nhưng đã bị ngân hàng giảm xuống 80 tỷ đồng. Trong khi đó, sản lượng sản xuất lại tăng tới 30-40% nên không đáp ứng được vốn sản xuất cho DN.

Thống kê của Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho thêm thông tin: Nhu cầu vay vốn trước mắt của các DN chế biến, xuất khẩu cá tra, cá basa hiện nay cỡ 257 triệu USD, còn nhu cầu vay tiền đồng Việt Nam, giãn nợ, gia hạn nợ để tiếp tục duy trì sản xuất của cả DN lẫn người dân cũng rất lớn.

DN kêu hết vốn, người dân bí đầu ra nên xảy ra tình trạng ép giá làm cho các DN chế biến, xuất khẩu quy mô nhỏ và người nuôi cá bị thua lỗ nặng, có nguy cơ phá sản.

Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng nhiều người nuôi đã phải “treo” ao, “treo” hầm do thua lỗ, thiếu vốn tái đầu tư. Hiện hơn 20% diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL chưa được thả giống, mặc dù đã vào vụ. Nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ lớn sẽ thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu; về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành cá tra, cá basa nước ta.

Vẫn khó thu mua hết cá tồn đọng

Nhiều người đã tỏ ra lo ngại về nguy cơ phá sản của hàng loạt DN và người dân nuôi cá tra, cá basa vùng ĐBSCL. Theo đó, vấn đề cần kíp nhất hiện nay là phải giải quyết ngay nhu cầu vốn tín dụng để giúp các DN thu mua cá tồn đọng của người nuôi.

Kinh nghiệm của An Giang khi giải quyết cuộc khủng hoảng thừa cá tra trong những năm 1996-1997 được chỉ ra. Lúc đó, Cty Angifish đã được vay lượng vốn tín dụng rất lớn để thu mua cá cho người dân. Do vậy, theo ông Ngô Phước Hậu - Giám đốc Angifish, các DN cần phải tăng thu mua, chế biến cá cỡ lớn nhưng ngân hàng phải tăng nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

Ngoài ra, theo quy luật hoạt động, thị trường nhập khẩu cá tra sẽ chững lại vào tháng 6, 7 và sôi động trở lại vào tháng 8 hằng năm. Vì vậy, các DN cần thêm nguồn vốn nữa để xây dựng kho lạnh.

Cùng chung ý kiến, Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cho người dân trực tiếp vay vốn chưa hẳn đã hiệu quả mà cần đặt hàng cho DN thông qua các hợp đồng cung cấp, bao tiêu sản phẩm cho người nuôi cá.

Đáp lại ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Giàu - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Mặc dù thực hiện chính sách tiền tệ nhưng việc cho các DN chế biến cá tra, cá basa vay vốn để sản xuất, kinh doanh là rất đáng ủng hộ.

Do đó, “Ngay trong ngày 2/6, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại để giải quyết vấn đề này. Đối với người dân thì việc gia hạn nợ chỉ đơn thuần là thủ tục. Tuy nhiên, việc cho vay mới cũng có những khó khăn nhất định mà các ngân hàng phải tính đến” - Ông Giàu nói.

Ở góc độ khác, việc ổn định giá thu mua, xuất khẩu cá trong tương lai là vấn đề mấu chốt, được nhiều người quan tâm. Theo các đại biểu, cơ chế xây dựng giá sàn thu mua cá tra, cá ba sa nên áp dụng như trong thu mua lương thực.

Ông Đinh Thế Năng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị thành lập quỹ bình ổn giá với sự tham gia của các DN và người nuôi theo cơ chế bù trừ rủi ro. Quỹ này được thành lập bằng cách trích tỷ lệ nhất định từ lợi nhuận của DN và người nuôi. Ngoài ra, phải xây dựng chế tài để xử lý nghiêm các DN cạnh tranh theo kiểu dìm giá.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ thì mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn. Phó Thủ tướng đồng ý việc giải quyết nguồn vốn để các DN thu mua khoảng 300.000 tấn cá cho người dân từ nay đến tháng 8/2008.

Theo Phó Thủ tướng, mỗi tỉnh nên tập hợp, lựa chọn giới thiệu những DN đủ khả năng để Ngân hàng Nhà nước giải quyết khó khăn về vốn.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai toàn diện việc quy hoạch các vùng nuôi, đảm bảo chất lượng và môi trường; cùng đó là việc xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm xuất khẩu và nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

Đồng thời cần hoàn thiện cơ chế liên kết giữa DN và người nuôi cá thông qua các loại hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cơ chế xúc tiến thương mại, chế tài xử lý các DN gian lận thương mại.

MỚI - NÓNG